Cải cách bị phản đối, Thủ tướng Trung Quốc đập bàn

16/07/2013 11:00 GMT+7

Thủ tướng Lý Khắc Cường đã rất tức giận khi kế hoạch biến Thượng Hải thành khu vực thương mại tự do bị phản đối quyết liệt.

Ngày 15.7, báo South China Morning Post (SCMP), nhật báo tiếng Anh lớn nhất Hồng Kông, đăng bài độc quyền loan tin ông Lý Khắc Cường đã phải quyết liệt ứng phó sự phản đối của các quan chức quản lý kinh tế - tài chính về kế hoạch phát triển khu thương mại tự do ở thành phố Thượng Hải.

Đập bàn giận dữ

Ba nguồn tin liên quan đến các cuộc họp của giới lãnh đạo cấp cao tiết lộ với SCMP rằng ông Lý đã mất bình tĩnh tại một cuộc thảo luận kín của Quốc vụ viện. Khi được báo cáo về sự phản đối liên tục đối với kế hoạch nói trên, ông đã đấm tay xuống bàn giận dữ và gằn giọng với những người có mặt. Những nguồn tin trên nhận định các bộ ngành ở Trung Quốc vẫn hay bất đồng về những chính sách mới nhưng hiếm khi xảy ra tình trạng các cơ quan hợp sức chống lại thủ tướng. Một nguồn tin nhận định: “Ông ấy (Thủ tướng Lý) đã phải tranh đấu nhiều cho kế hoạch này”.

Ông Lý Khắc Cường (chỉ tay) trong chuyến thăm Thượng Hải hồi tháng 3 - d
Ông Lý Khắc Cường (chỉ tay) trong chuyến thăm Thượng Hải hồi tháng 3
- Ảnh: Hoàn Cầu thời báo
 

Theo SCMP, những bên công khai phản đối kế hoạch cải cách Thượng Hải có Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và Ủy ban Quản lý ngân hàng Trung Quốc (CBRC). Cụ thể, CSRC không ủng hộ ý tưởng cho phép các sàn giao dịch hàng hóa và nguyên liệu thô nước ngoài lập nhà kho phân phối tại khu thương mại tự do Thượng Hải. Trong biên bản phản hồi đề xuất của ông Lý, CSRC viết: “Hiện tại điều kiện chưa được chín muồi cho ý tưởng này và CSRC đề nghị rút nó ra khỏi đề xuất”. Đáp lại, Văn phòng Thủ tướng Lý phản pháo: “Việc thành lập kho phân phối hàng hóa ở khu thương mại tự do Thượng Hải có thể giúp cạnh tranh với những điểm phân phối trong khu vực như Singapore và Busan (Hàn Quốc). Kế hoạch này có thể giảm chi phí cho doanh nghiệp Trung Quốc và không tác động tới hệ thống giá cả, phân phối và thương mại hàng hóa nội địa cũng như không có tác hại nào tới sự ổn định của thị trường tài chính”.

Trong một trường hợp khác, ông Lý đề xuất cho phép tất cả ngân hàng nội địa, nếu đáp ứng được điều kiện về vốn và hoạt động trong khu thương mại tự do, được quyền cung cấp dịch vụ ngân hàng ở nước ngoài. Trong báo cáo phản hồi gửi tới Văn phòng Thủ tướng, CBRC nhấn mạnh “không đồng ý với việc xem đề nghị này là một biện pháp cởi mở tài chính”, theo SCMP. Một lần nữa, Thủ tướng Lý phản đối mạnh mẽ: “Khu thương mại tự do Thượng Hải là nơi thử nghiệm cho các ngân hàng thương mại tìm ra cách quản lý rủi ro. Mọi tác động xấu nếu có đều sẽ được kiểm soát chặt chẽ”.

“Đứa con của thủ tướng”

Có vẻ như ông Lý Khắc Cường đã phần nào đạt được mục tiêu khi vào ngày 3.7, Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua kế hoạch phát triển khu thương mại tự do ở Thượng Hải nhưng mọi chi tiết về cách hoạt động vẫn chưa được công bố. Theo SCMP, những thông báo ban đầu cho thấy đây sẽ là khu thương mại tự do đầu tiên ở Trung Quốc với đường hướng hoạt động có vẻ khác biệt so với nền kinh tế định hướng của nước này. Các doanh nghiệp trong khu vực này sẽ có thể tự do xuất nhập khẩu hàng hóa mà không bị kiểm soát gắt gao cũng như được tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi, giao dịch ngoại tệ.

Theo SCMP, Thủ tướng Lý Khắc Cường hăng hái đẩy nhanh kế hoạch trên sau chuyến thị sát Thượng Hải hồi cuối tháng 3. Ông yêu cầu giới chức Thượng Hải nộp đề xuất về những thay đổi chính sách có thể giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Không lâu sau, hàng chục sáng kiến được trình lên và trong vòng 2 tháng, ông Lý đưa ra đề xuất ban đầu với 21 sáng kiến. Tuy nhiên, chi tiết không được công bố.

Một nguồn thạo tin nhận định: “Khu thương mại tự do Thượng Hải giống như đứa con của Thủ tướng Lý”. Đây được cho là một phần trong nỗ lực cải cách kinh tế của ông Lý trong bối cảnh sự phát triển trong 3 thập niên qua của Trung Quốc có nguy cơ bị đảo ngược. Thượng Hải sẽ trở thành nơi thử nghiệm cho những thay đổi chính sách lớn, đặc biệt trong giao dịch tự do quốc tế và cởi trói cho lãi suất nội địa. Bên cạnh đó, theo nguồn tin, mỗi một lãnh đạo Trung Quốc đều muốn có thành tựu lớn trong thời kỳ cầm quyền của mình và đối với họ “thể diện là rất quan trọng”. “Do đó, ông Lý sẽ không chấp nhận các phản đối và sẽ tìm kiếm thêm sức mạnh chính trị để củng cố kế hoạch của mình”.

Hồi chuông báo động

Một số chuyên gia cho rằng khu vực thương mại tự do Thượng Hải thuộc cột trụ thứ ba trong chiến lược kinh tế mới của Thủ tướng Lý Khắc Cường (được giới quan sát quốc tế gọi là Likonomics). Ba cột trụ này bao gồm không kích thích kinh tế, giảm nợ và cải cách cơ cấu. Likonomics được cho là nhằm “tháo ngòi nổ” cho quả bom tiềm tàng của nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang tăng trưởng chậm lại và đối mặt nhiều rủi ro tài chính.

SCMP dẫn thông cáo từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 15.7 thông báo GDP quý 2 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ tăng 1,7% so với quý trước. Đây là quý thứ hai liên tiếp nước này tăng trưởng chậm.

Chưa hết, trang tin MNI hôm qua dẫn lời chuyên gia Hạ Bân thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện cảnh báo rằng “mọi con số tăng trưởng sẽ là vô nghĩa nếu chính phủ không mau chóng giải quyết bong bóng nợ khổng lồ mà nội tiền lãi đã lên tới 6.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 977 tỉ USD - NV)/năm”. Hồi tháng 5, Ngân hàng Thụy Sĩ UBS ước tính tổng nợ quốc gia của Trung Quốc lên tới hơn 200% GDP, theo CNN.

Văn Khoa

>> Ông Lý Khắc Cường đòi Nhật Bản trả lãnh thổ
>> Ông Lý Khắc Cường trở thành Thủ tướng Trung Quốc
>> Trung Quốc viện trợ quân sự cho Serbia
>> Trung Quốc cấm “hành hạ” học sinh trong dịp hè
>> Mỹ - Trung Quốc đối thoại quân sự cấp cao
>> Trung Quốc chi đậm xây đường hầm xuyên biển dài nhất thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.