Không biết bao giờ được giải quyết xong
|
Hơn 2 năm qua, cụ Nguyễn Văn Khanh ở số 15, đường 28, P.10 (Q.6) phải lặn lội đến nhiều nơi để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) nhưng vẫn không được giải quyết rốt ráo. Theo phản ánh của gia đình cụ và qua xác minh của PV Thanh Niên, năm 1998 cụ Khanh mua 500 m2 đất (thuộc thửa 1283, tờ bản đồ số 1, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh; giấy chứng nhận cấp ngày 15.7.1993 đứng tên chủ cũ). Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được UBND xã Tân Kiên chứng nhận vào 22.7.1998. Năm 1999, cụ Khanh xây dựng trên khu đất này 1 căn nhà và 1 nhà kho để trồng nấm rơm. Đến tháng 3.2005, do công trình kiến trúc làm bằng vật liệu thô sơ xuống cấp trầm trọng, cụ đã sửa chữa lại căn nhà (được cấp số nhà A5/12E) và làm mới nhà kho (được cấp số nhà A5/12L). Tháng 3.2011, cụ làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận nhưng UBND xã Tân Kiên hết lần này đến lần khác đưa ra nhiều lý do không giải quyết. Vì quá bức xúc, cụ gửi đơn khiếu nại đến UBND H.Bình Chánh đề nghị giải quyết. Mặc dù đã có văn bản của UBND H.Bình Chánh nhưng cụ Khanh phải chờ gần 10 tháng, đến cuối năm 2012, sau nhiều lần tới lui mới được UBND xã Tân Kiên giải quyết cấp giấy tờ cho căn nhà A5/12E, còn nhà số A5/12L thì vẫn bị “treo” một cách khó hiểu.
Năm nay đã 87 tuổi, không còn sức đi lại như trước, cụ Khanh ủy quyền cho con dâu là bà Chung Thị Hoa đi khiếu nại. Chặng đường khiếu nại của bà Hoa cũng gian truân không kém. 3 lần trực tiếp gặp lãnh đạo xã Tân Kiên, 3 lần gửi đơn khiếu nại đến UBND H.Bình Chánh nhưng hồ sơ nhà số A5/12L vẫn chưa được giải quyết. “Vì nguyện vọng chính đáng bị làm lơ, tôi gặp cán bộ tiếp dân H.Bình Chánh 3 lần để gửi đơn nhưng bị từ chối. Sau đó, 2 lần nữa tôi gửi đơn (bằng đường thư đảm bảo) xin gặp lãnh đạo UBND huyện để trình bày nhưng cũng không được hồi âm. Khi lên Văn phòng tiếp công dân của TP khiếu nại thì họ chuyển đơn của tôi về lại UBND H.Bình Chánh”, bà Hoa bức xúc trước việc không biết bao giờ hồ sơ của bà được giải quyết xong. Ngày 3.7, PV Thanh Niên cùng bà Hoa đến Phòng tiếp dân H.Bình Chánh, nhưng cũng đành ngậm ngùi ra về vì cán bộ tiếp dân… bận họp.
|
“Cứ về chờ”
Năm 2006, khi dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.1 thuộc P.25 (Q.Bình Thạnh) được triển khai, nhận thấy đây là dự án mang lại nhiều lợi ích cho người dân, ông Lê Tấn Tú (chủ sở hữu căn nhà số 102/9A Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25; đã được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận) tình nguyện là hộ đầu tiên bàn giao mặt bằng cho Q.Bình Thạnh. Và công trình cũng đã hoàn thành. Điều oái oăm là gần 70 m2 đất của ông bị thu hồi suốt từ đó đến nay vẫn không được bồi thường một đồng nào. Rất nhiều lần ông liên hệ với UBND quận và các phòng ban chức năng của quận để làm thủ tục nhận tiền bồi thường, nhưng lần nào cũng nhận được trả lời là “chờ”. Chưa hết, gia đình ông càng khổ sở hơn khi cũng từ năm 2006 đến nay, Phòng TN-MT Q.Bình Thạnh lại ban hành văn bản ngăn chặn mọi hành vi chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn đối với căn nhà này. Không còn sức để chờ đợi thêm được nữa, ngày 11.4, ông Tú cầm đơn lên Văn phòng tiếp công dân của TP kêu cứu rồi về nhà tiếp tục chờ nhưng vẫn không có kết quả. Ngày 2.7, ông trở lại Văn phòng tiếp công dân, thì được trả lời đơn đã chuyển đến Sở TN-MT thụ lý giải quyết. Tại Sở TN-MT, ông Tú được ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở tiếp. “Hồ sơ của anh đã được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất rà soát, hiện đang ở trên bàn làm việc của tôi và tôi đã đọc kỹ. Sở sẽ trình UBND TP chỉ đạo giải quyết cụ thể”, ông Nam hứa với ông Tú nhưng không cho biết đến bao giờ vụ việc được giải quyết dứt điểm. “Tôi đã nhiều lần đến phòng tiếp công dân đăng ký gặp lãnh đạo nhưng đều không được ghi phiếu hẹn. Cán bộ tiếp dân bảo rằng cứ về chờ. Tôi không biết mình còn phải mỏi mòn chờ đợi bao lâu nữa?”, ông Tú nói.
|
Một trường hợp khác, mua nhà hợp pháp nhưng suốt hơn 4 năm qua không được một ngày vào ở là “nỗi khổ không làm sao kể xiết” của ông Bùi Hữu Thanh (43 tuổi, trú P.12, Q.10). Đầu năm 2009, ông Thanh mua căn nhà 337/4 (lối đi chung 1 phần trệt và lầu 1+2) đường Nguyễn Tri Phương, P.5, Q.10 (trước đó đã qua 2 đời chủ và đều được cấp giấy chứng nhận). Điều lạ lùng là khi đến sửa nhà để dọn vào ở, hộ ở tầng trệt cho rằng toàn bộ căn nhà là của mình nên khóa cửa lối đi chung từ đó đến nay, khiến gia đình ông Thanh điêu đứng. Tháng 11.2009, ông Thanh đã rất nhiều lần gửi đơn hoặc trực tiếp đến Văn phòng UBND quận xin tiếp xúc Chủ tịch quận thông qua kênh tiếp dân nhưng “chưa một lần có cơ hội và vụ việc vẫn đang lòng vòng”.
Trên đây chỉ là một số trường hợp điển hình trong rất nhiều những trường hợp "mong gặp lãnh đạo" để đề đạt nguyện vọng mà PV Thanh Niên có dịp tiếp xúc. "Xin gặp lãnh đạo sao mà khó khăn quá vậy?!" là lời than thở của bà Chung Thị Hoa khi thay mặt cha chồng tiếp tục cuộc hành trình khiếu kiện chưa có hồi kết.
Xử lý nghiêm tình trạng lơ là, đùn đẩy, né tránh Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 13.7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết Chủ tịch UBND TP vừa có chỉ thị tăng cường công tác tiếp công dân. Theo đó, lãnh đạo các quận huyện, sở ngành phải tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, bức xúc của người dân. Các phòng tiếp công dân, thanh tra các đơn vị thuộc UBND quận huyện, sở ngành phải thực hiện tốt công tác phối hợp với Văn phòng tiếp công dân TP để giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở, tuyệt đối không được đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. “Trong thời gian tới, UBND TP sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra. Nếu phát hiện tình trạng lơ là, đùn đẩy, né tránh, TP sẽ chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định. Mỗi lãnh đạo UBND TP ít nhất 1 tháng tiếp dân 1 lần, thì không có lý do gì cấp quận huyện, sở ngành lại không tiếp dân theo nguyện vọng của dân”, ông Tín nhấn mạnh. |
Lần nào tiếp xúc cũng nghe cử tri bức xúc Nói về tình trạng hồ sơ của dân bị “ngâm”, “chạy lòng vòng”, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM Trương Lâm Danh cho biết: “Qua công tác tiếp dân, chúng tôi ghi nhận vẫn còn tồn tại tình trạng đơn thư chạy lòng vòng, kéo dài thời gian giải quyết gây bức xúc đối với người dân. Dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng các tổ đại biểu HĐND lần nào tiếp xúc cử tri ở các quận, huyện cũng nghe người dân phản ánh bức xúc”. Nhìn nhận thực trạng này, Phó chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh nói: “Phải chấm dứt tình trạng đơn thư “chạy lòng vòng”, không xem xét kịp thời nguyện vọng chính đáng của người dân. Thường trực HĐND sẽ tổ chức giám sát những đơn vị không thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân; đồng thời HĐND, các tổ đại biểu cũng sẽ thường xuyên tổ chức tiếp dân để cùng phối hợp giải quyết các vụ việc cụ thể, bức xúc kéo dài. Qua đó, với những trường hợp không giải quyết được, các cơ quan chức năng cũng phải giải thích rõ ràng lý do tại sao, chứ không thể cứ “ngâm” hoài được”. |
Đình Phú
Bình luận (0)