“Trung Quốc duy trì sự hiện diện liên tục của ít nhất hai hoặc ba tàu hải giám và một tàu hộ tống tại khu vực xung quanh bãi cạn, tiến hành tuần tra và đánh bắt trái phép”, văn bản viết.
Các hình ảnh mà Kyodo News có được vốn chụp cảnh tàu bè Trung Quốc hoạt động trong khu vực cũng như những chiếc tàu cá Trung Quốc chất đầy trai và san hô đánh bắt tại bãi Cỏ Mây.
“Mọi hoạt động đó được thực hiện dưới sự canh chừng của các tàu công vụ Trung Quốc”, văn bản viết.
Kể từ tháng 2, quân đội Philippines đã lưu ý đến sự gia tăng hiện diện của các tàu công vụ và tàu hải quân Trung Quốc tại khu vực lân cận bãi Cỏ Mây.
Quân đội Philippines cho biết tàu hải quân và công vụ Trung Quốc đã hoạt động 24 lần tại khu vực từ năm 2010 đến 2012, nhiều gần gấp ba lần khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2009. Các quan chức Philippines vốn thề sẽ bảo vệ bãi Cỏ Mây bằng mọi giá.
Sự hiện diện hung hăng của Trung Quốc buộc Manila phải vạch ra “kế hoạch đề phòng” vì lo ngại Trung Quốc sẽ phong tỏa hoặc thậm chí tiến chiếm bãi Cỏ Mây bằng vũ lực, theo văn bản của chính phủ Philippines.
Kế hoạch đề phòng bao gồm việc nâng cấp khẩn cấp các khí tài quân sự, đặc biệt là không quân và hải quân nhằm tăng cường năng lực quân sự tại vùng biển.
“Chúng ta không muốn lặp lại kịch bản bãi cạn Scarborough”, văn bản đề cập đến việc Trung Quốc chiếm bãi cạn tranh chấp giữa hai nước vào năm ngoái.
Bắc Kinh vốn yêu cầu Manila tháo dỡ một chiếc tàu chiến mắc cạn tại bãi Cỏ Mây, hiện được dùng làm căn cứ của các binh sĩ Philippines đồn trú tại đây.
Trung tướng Rustico Guerrero, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây của Philippines, cho biết dù Trung Quốc chưa thể hiện dấu hiệu sẽ đánh úp bãi Cỏ Mây, quân đội Philippines vẫn cảnh giác và theo dõi sát sao tình hình.
“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ lãnh thổ. Các tiền đồn đang được canh gác và chúng tôi sẽ tiếp tục quan sát hoạt động của các quốc gia khác trong khu vực”, ông Guerrero nói.
Philippines khẳng định Trung Quốc là nước “hung hăng nhất” trong số các nước tranh chấp tại biển Đông, theo văn bản của chính phủ Philippines được Kyodo News dẫn lại.
Lực lượng hải quân Trung Quốc được triển khai tại biển Đông bao gồm tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu đổ bộ, tàu hải giám và tàu ngư chính.
Trung Quốc duy trì sự hiện diện liên tục của ít nhất hai tàu hộ tống và một tàu đổ bộ lớp Ngọc Đình (072-II), cũng như ít nhất bốn tàu hải giám và ngư chính tại biển Đông, theo văn bản.
Sơn Duân
>> Trung Quốc đề nghị “giúp” Philippines tháo dỡ tàu mắc cạn ở bãi Cỏ Mây
>> Bãi Cỏ Mây - Điểm nóng thứ 2 ở biển Đông
>> Philippines luân chuyển quân đồn trú ở bãi Cỏ Mây thuộc Trường Sa
>> Thêm tàu hải giám Trung Quốc đến bãi Cỏ Mây ở Trường Sa
>> Philippines điều thêm tàu đến bãi Cỏ Mây
>> Trung Quốc toan tính gì ở bãi Cỏ Mây thuộc Trường Sa?
Bình luận (0)