Theo Bộ GT-VT, hai dự án nói trên vừa khai thác, vừa thi công mở rộng, có quy mô lớn, trải dài trên 1.000 km với lưu lượng xe tham gia giao thông rất lớn. Đặc biệt có nhiều đoạn đi qua các khu đô thị lớn, mật độ dân cư dày đặc nên việc di dời, giải phóng mặt bằng (GPMB) phức tạp.
Ngoài ra, nhiều vướng mắc nảy sinh trong quá trình kiểm định, áp giá đền bù, bố trí vốn để đền bù, xây dựng khu tái định cư... đã khiến việc thi công tại nhiều nơi bị ngưng trệ. Trong khi đó, đã có không ít chủ đầu tư, đơn vị được giao thi công không đủ năng lực dẫn đến tình trạng bê trễ, chậm hoàn thành dự án theo kế hoạch.
Một trong những bức xúc của các đơn vị thi công chính là giá vật liệu sử dụng cho các dự án bị đẩy lên quá cao, trong đó có cả chuyện các chủ mỏ (đất, đá, cát) tăng giá khiến cho các công trình phải liên tục điều chỉnh tăng vốn...
|
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương có dự án đi qua phải nghiêm túc triển khai và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
“Một quốc gia phát triển mà không có một quốc lộ rộng rãi, to đẹp, huyết mạch giao thông thông suốt thì không thể chấp nhận được. Đây là mong mỏi của nhân dân, của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nên việc mở rộng QL1 và QL14 phải được chính quyền các địa phương nỗ lực, huy động các tổ chức, đoàn thể vào cuộc, vận động tuyên truyền nhân dân bàn giao mặt bằng, khẩn trương thi công, để hoàn thành dự án vào năm 2016”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cũng ra tối hậu thư: “Tôi giao cho Bộ GT-VT kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt, chủ đầu tư dự án BOT nào không triển khai thi công trong tháng 8 này phải kiên quyết thu hồi, không để xảy ra tình trạng bán dự án, bán thầu được”.
Phó thủ tướng cũng đề nghị các địa phương nơi có dự án đi qua, khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã nhằm quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng người dân không bàn giao mặt bằng, không có mặt bằng để thi công...
Tin, ảnh: Hữu Trà
Bình luận (0)