Gọi là chợ cóc, nhưng số hộ kinh doanh nông sản, thực phẩm, nhu yếu phẩm… trên con ngõ thuộc tổ dân phố số 2 và số 36 của P.Quan Hoa, từ đường Nguyễn Khang tới đường Dương Quảng Hàm dài khoảng 500 m lên tới hàng trăm người.
Đây là khu chợ gây mất vệ sinh và trật tự trị an cho khu vực nên UBND Q.Cầu Giấy đã nhiều lần có quyết định giải toả, tuy nhiên chợ vẫn tồn tại vì có sự bảo kê của một nhóm người đến đây thu phí mỗi ngày. Theo đó, hàng cá, thịt phải nộp từ 20.000-30.000 đồng; rau xanh, hoa quả 10.000–20.000 đồng; hàng quần áo, giầy dép, đồ dùng gia đình... thì 5.000 đồng/buổi.
|
Để tìm hiểu lý do việc thu phí của một khu chợ họp trái phép, chúng tôi nhập vai một nông dân đi tìm chỗ bán hàng trong chợ và nhờ một người bán nước chỉ đến “ban quản lý” để tìm chỗ bán rau quả, người này nói: “Các chú vào phía trong, gần cổng chùa mà hỏi. Cứ nói cần tìm anh Vinh, người ta sẽ chỉ cho các chú ngay. Biết đâu còn chỗ đấy”. Theo chị này, để có một chỗ ngồi trong cổng chợ, mỗi tiểu thương đều phải nộp “phí” cho “ban quản lý” chợ tùy theo từng loại mặt hàng kinh doanh.
“Họ thu theo ngày. Hôm nào họp chợ thì nộp tiền luôn hôm ấy. Đấy, mấy ông đang đi thu kìa, các chú ra mà hỏi”, nói đoạn, chị này chỉ về phía trước: có hai người đàn ông đang đi thu tiền, trong đó nam thanh niên trẻ tuổi cầm một cuốn vở học sinh ghi chép, một người đàn ông trung niên thu tiền. Thu đến ai, họ lại đánh dấu vào vở và không trả vé hay bất cứ một loại hóa đơn, chứng từ nào cho người nộp tiền.
Theo các hộ kinh doanh tại chợ cóc này, nếu hôm nào chậm nộp tiền hoặc kinh doanh sai mặt hàng quy định, chẳng hạn kinh doanh quần áo quần mà bán thêm ít hoa quả sẽ bị một người đàn bà tên là Đải, phụ trách nhóm người thu phí này đến nhắc nhở, quát tháo. Có người thắc mắc về việc thu phí tuỳ tiện này đã bị đuổi, tình trạng này đã diễn ra nhiều tháng nay.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND P.Quan Hoa cho biết: chính quyền thường xuyên tổ chức các lực lượng ra quân giải tỏa chợ cóc này nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Về nhóm người thu tiền các hộ kinh doanh tại chợ, ông Hưng thông tin: trước đây, các cụ trong tổ dân phố từng có đề xuất đứng ra thu phí vào chợ để phục vụ việc vệ sinh đường phố. Nhưng sau đó UBND phường đã cho dừng lại ngay, “chắc đây là nhóm người trong tổ dân phố không biết về lệnh cấm nên vẫn đi thu tiền theo lệ cũ”, ông Hưng nói.
Trong khi đó, sau khi xem đoạn video ghi hình cảnh những người đi thu phí chợ cóc Quan Hoa, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND Q.Cầu Giấy khẳng định: việc đi theo nhóm rồi cầm sổ theo dõi để thu tiền các hộ kinh doanh tại chợ cóc như trên là thể hiện rõ ràng của việc bảo kê cho chợ cóc hoạt động trái phép, bất chấp lệnh cấm, giải tỏa của UBND Q.Cầu Giấy. Ông ông Hà cũng không loại trừ sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền P.Quan Hoa và đề nghị Báo Thanh Niên cung cấp video clip cho Công an Q.Cầu Giấy điều tra làm rõ nhóm người bảo kê chợ cóc hoạt động trái phép này.
Hà An
>> Móc túi lộng hành ở lễ hội
>> Trộm lộng hành chung cư
>> Không để cái ác lộng hành
>> Lâm tặc lộng hành
>> Trộm cắp lộng hành
Bình luận (0)