Theo kết luận thanh tra (KLTT), để thành lập Công ty CP đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận (viết tắt là Công ty CPKS Bình Thuận); Công ty Hợp Long (do ông Nguyễn Thành Long làm giám đốc) đã góp cổ phần trị giá là 32 tỉ đồng (60% vốn) bằng việc nhượng quyền khai thác mỏ (không nộp tiền), bà Hoàng Thị Lý (Giám đốc Công ty Hải Tinh) góp 3,5 triệu USD (35% vốn, bao gồm cả việc phải chuyển giao căn nhà số 12A Trần Phú, P.4, Q.5, TP.HCM cho ông Nguyễn Thành Long) và cá nhân ông Nguyễn Ngọc Long (ngụ TP.HCM) góp vốn 500.000 USD (5% vốn).
|
Theo hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác mỏ (ngày 10.10.2008) và hợp đồng nguyên tắc (ngày 26.5.2007) thì Công ty Hợp Long đã thu lợi nhuận 29.498.890.000 đồng (tương đương 1.634.000 USD) và căn nhà 12A Trần Phú, P.4, Q.5 (trị giá 1.000.000 USD). Theo KLTT, sau khi thu lợi toàn bộ số tiền trên, Công ty Hợp Long không xuất hóa đơn, không khai báo thuế thu nhập doanh nghiệp, có dấu hiệu trốn thuế với số tiền 250.000 USD và hàng chục tỉ đồng.
Đoàn thanh tra còn khẳng định, việc ông Nguyễn Thành Long trình ra bản đối chiếu cho rằng mình góp 32 tỉ đồng là “Chưa có cơ sở chứng minh. Qua đó cho thấy ông Nguyễn Thành Long làm giả giấy tờ góp vốn bằng giấy xác nhận góp vốn tiền mặt ngày 3.12.2012 cho Công ty CPKS Bình Thuận là nhằm chiếm đoạt 32 tỉ đồng” - KLTT nêu.
Ngoài ra, đoàn thanh tra còn phát hiện toàn bộ 60% cổ phần (tương đương 3,3 triệu USD) của ông Nguyễn Thành Long (trong Công ty CPKS Bình Thuận) đã chuyển nhượng hết cho bà Hoàng Thị Lý (bằng hợp đồng vay tiền và thế chấp cổ phần ngày 16.6.2009). “Điều đó cho thấy Công ty Hợp Long có dấu hiệu chuyển nhượng cổ phần vốn góp giá trị mỏ thu lợi, trốn thuế” - KLTT chỉ rõ. Về việc ông Nguyễn Thành Long tố cáo Công ty CPKS Bình Thuận bán lậu 4.800 tấn titan trên tàu Luck Fotune neo đậu ở cảng Vũng Tàu, C49 (Bộ Công an) đã có Công văn 386 (ngày 9.4.2013) khẳng định số hàng trên hoàn toàn hợp pháp và đề nghị cho tàu Luck Fotune rời cảng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Giám đốc công an tỉnh chỉ đạo cơ quan CSĐT khẩn trương điều tra làm rõ những sai phạm của ông Nguyễn Thành Long.
Ngày 18.4, Công an H.Hàm Thuận Nam đã lấy lời khai của 21 người, trong số khoảng 70 người tự xưng là cổ đông (toàn bộ là người Hải Phòng) của ông Nguyễn Thành Long đến khống chế công nhân chiếm giữ Công ty CPKS Bình Thuận suốt nhiều giờ liền với lý do đòi cổ tức. Trước đó, ngày 25.12.2012, giữa ông Long và bà Hoàng Thị Lý có cãi vã trong việc chiếm quyền điều hành khai thác mỏ titan Suối Nhum, hơn 40 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn CSCĐ (Bộ Công an, đóng ở Tiến Thành, TP.Phan Thiết) đã vào can thiệp giúp ông Long. Sau đó, toàn bộ lãnh đạo tiểu đoàn này bị Bộ Công an xử lý kỷ luật vì can thiệp không đúng chức năng. |
Quế Hà
>> Vụ chuyển nhượng mỏ titan ở Bình Thuận: Công an vào cuộc điều tra
Bình luận (0)