Bất cập trong đào tạo nghề nông thôn

17/07/2013 10:50 GMT+7

Mỗi năm có hàng chục ngàn lao động nông thôn ở ĐBSCL được đào tạo nghề, nhưng đa phần học xong phải bỏ nghề, vì không tìm được việc làm phù hợp.

Không có chỗ làm

 Chị Nguyễn Thị Tưởng (ở ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, H.Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết gia đình có ít ruộng đất, nên cuộc sống túng thiếu quanh năm. Năm 2011 nghe địa phương tổ chức dạy nghề cho phụ nữ, chị liền đăng ký đi học, hy vọng có việc làm để tăng thu nhập. “Học xong nghề chằm nón nhưng tôi không tìm được đầu mối hỗ trợ nguồn nguyên liệu, cũng như nơi tiêu thụ sản phẩm, cuối cùng đành phải bỏ nghề”, chị Tưởng tâm sự. Ông Phạm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Trường Long A cho biết năm 2012, xã được huyện giao chỉ tiêu tổ chức 2 lớp đào tạo nghề nông thôn với 90 học viên. Năm nay, Trung tâm dạy nghề huyện vừa họp bàn với xã tiếp tục tổ chức từ 3 - 4 lớp dạy nghề. Song ông Hoài không khỏi lo lắng khi dạy xong, số người tìm được việc làm rất ít.

 Bất cập trong đào tạo nghề nông thôn
Phụ nữ ở xã Thanh Đức (H.Long Hồ, Vĩnh Long) học nghề gốm

 Chị Dương Thị Mạnh (ngụ xã Đông Thắng, H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) bộc bạch: “Biết xã đào tạo nghề miễn phí, tôi liền đăng ký học lớp đan thảm vải trong thời gian 1,5 tháng. Học xong nhưng chẳng có cơ sở nào nhận vào làm, tôi mới chạy ra thị trấn Cờ Đỏ mua vải vụn về đan thảm để bỏ mối cho một số chợ, với giá 20.000 đồng/tấm. Làm được hơn tháng thì không ai mua, nên tôi bỏ nghề luôn”. Một cán bộ Hội Phụ nữ xã Đông Thắng cho biết thời gian qua, xã đã mở khá nhiều lớp đào tạo nghề nông thôn. Mỗi khóa học, xã phải bỏ ra 300.000 đồng thuê địa điểm, tiền trả cho giáo viên, tiền ăn cho học viên 10.000 - 15.000 đồng/người/ngày… Song, thực tế đáng buồn là hầu hết chị em học xong đều thất nghiệp, không theo nghề được, nhiều chị phải khăn gói lên TP.HCM và các tỉnh miền Đông làm thuê kiếm sống.

Chú trọng chất lượng

 Năm 2013, TP.Cần Thơ dự kiến đào tạo hơn 5.700 lao động nông thôn, Hậu Giang đặt chỉ tiêu đào tạo nghề cho 8.000 lao động, Vĩnh Long khoảng 17.000 lao động, các tỉnh còn lại cũng đặt kế hoạch dạy nghề cho từ 4.000 - 7.000 lao động. Trước thực tế lao động nông thôn ở ĐBSCL có tay nghề thấp, số lượng thất nghiệp đang ngày một tăng lên, ngành nghề chưa đa dạng… thì dạy nghề để tạo việc làm cho người dân là vấn đề cấp thiết, góp phần ổn định an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả từ các chương trình đào tạo nghề hiện nay vẫn chưa cao; thậm chí nhiều nơi còn gây lãng phí về kinh phí và cơ sở vật chất.

 Chị Phạm Thị Bé Năm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trường Long (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ), bức xúc: “Chúng tôi chẳng hiểu vì sao cấp trên và các trường nghề cứ giao chỉ tiêu cho địa phương đào tạo nghề phi nông nghiệp như may công nghiệp, điện tử, sửa xe… Học xong những nghề này rất ít người tìm được việc làm. Thực tế, lao động nông thôn cần học những nghề liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi… để dễ áp dụng. Theo tôi, định hướng dạy nghề nông thôn nên thay đổi cho phù hợp”. Có thể thấy, hạn chế lâu nay trong đào tạo nghề nông thôn là đầu ra mù mờ, vì thế không phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, đa phần người học nghề được các tổ chức đoàn thể vận động, chứ chưa xuất phát từ nhu cầu thực sự của bản thân, nên sự nỗ lực vẫn chưa cao. Ngoài ra, một số nơi xảy ra tình trạng đào tạo nghề nông thôn để chạy theo thành tích, chỉ tiêu cấp trên giao… chứ không thực sự quan tâm đến hiệu quả mang lại cho người học.

Trong thời gian tới, sở LĐ-TB-XH các tỉnh thành ĐBSCL sẽ siết chặt lại khâu quản lý để đào tạo nghề đi đôi với chất lượng, chứ không theo số lượng như trước kia. Dạy nghề phải xuất phát từ nhu cầu của người học và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Nghề nào xã hội, thị trường cần thì đào tạo; học viên học xong tham gia làm việc trong các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp… để tạo ra sản phẩm. Chỉ khi nào sản phẩm do người lao động làm ra có thị trường ổn định thì đào tạo nghề nông thôn mới đem lại kết quả khả quan.

An Lạc

>> Đào tạo nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số
>> Nhiều yếu kém trong đào tạo nghề ở nông thôn
>> Bất cập đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn
>> 44,5 tỉ đồng hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề
>> Đào tạo nghề cho hơn 13 ngàn lao động nông thôn
>> Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và dự án
>> Đào tạo nghề miễn phí
>> Đào tạo nghề kỹ thuật chất lượng cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.