Hội An và du lịch di sản

20/07/2013 09:32 GMT+7

Kinh nghiệm phát triển du lịch của phố cổ Hội An (Quảng Nam) là bài học tốt để chia sẻ cho các điểm di sản khác trong cả nước.

Kinh nghiệm phát triển du lịch của phố cổ Hội An (Quảng Nam) là bài học tốt để chia sẻ cho các điểm di sản khác trong cả nước.

Quan điểm phát triển

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), trong chuỗi di sản văn hóa tại Việt Nam, phố cổ Hội An nổi bật là một điểm sáng trong khai thác hiệu quả giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch. Năm 2012, Quảng Nam đón trên 2,8 triệu lượt khách du lịch, thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 3,5 ngàn tỉ đồng; đóng góp khoảng 10% vào GDP của tỉnh Quảng Nam. Mới đây, Hội An tiếp tục nhận giải thưởng Asia Destination Awards 2013 của website du lịch Trip Advisor bình chọn là 1 trong 25 điểm du lịch hấp dẫn nhất của châu Á. “Hội An là điển hình trong việc giải quyết tốt vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản; điều hòa lợi ích của cộng đồng với các bên tham gia trong hoạt động du lịch, xây dựng được môi trường du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện với du khách...”, ông Cường nhận định.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng TM-DL TP.Hội An cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ 20, Hội An bắt đầu khởi động, chuẩn bị các điều kiện cho quá trình phát triển kinh tế du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa hiện có. Theo bà Thủy, sức hấp dẫn của phố cổ có được là nhờ vào “bộ ba” quan điểm phát triển du lịch mà chính quyền địa phương đã xây dựng. Đó là phát triển du lịch dựa trên cơ sở bảo tồn, làm giàu từ tài nguyên văn hóa môi trường của địa phương và khu vực. Phát triển du lịch phải có sự kiểm soát, chống sự xói mòn xuống cấp của tài nguyên văn hóa, lịch sử, tài nguyên tự nhiên. Thứ hai, du lịch di sản cần hướng tới sự thu hút từ cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm trong phát triển vào bảo vệ nguồn tài nguyên di sản, chia sẻ lợi ích từ du lịch cho cộng đồng. Để bảo vệ di sản, cần hướng sự phát triển theo các trọng điểm du lịch ngoại vi, kéo dãn dòng du lịch. Và quan điểm cuối cùng là, phát triển Hội An thành một điểm đến chất lượng cao, bền vững thông qua kiểm soát các dịch vụ, cân bằng giữa đô thị và nông thôn...

Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết thêm, chính quyền địa phương luôn coi trọng công tác bảo tồn các di tích. Và ngày càng coi trọng “chân lý” này để có kế hoạch khai thác di tích hợp lý hơn, nhằm đạt được mục đích phát triển kinh tế mà vẫn bảo tồn được di sản.

Hội An và du lịch di sản
Du khách tham quan phố cổ - Ảnh: Diệu Hiền

Gắn kết văn hóa và sinh thái

Hội An với diện tích 1km2 chứa đầy những di tích vật thể và cả con người, đó là những di tích có hồn. “Tức vật thể chất chứa phi vật thể. Cả hai cái này làm con người phố cổ thêm có hồn. Và nếu, mất xác thì hồn lơ lửng trên mây, hồn mất còn xác đó thì cũng không làm gì. Cho nên, vấn đề trưng bày hàng hóa trong khu phố cổ, trùng tu sửa chữa nhà cổ phải hết sức cẩn trọng, và phải dựa trên nguyên tắc không làm mất bản gốc của nó”, ông Giảng nói tiếp. Đó chỉ một trong những kinh nghiệm được rút ra từ thực tế của khu phố cổ. Trong định hướng phát triển du lịch từ tài nguyên di sản văn hóa, Hội An đã quyết định theo hướng “phát triển du lịch Hội An bền vững trên nền tảng gắn kết văn hóa với sinh thái”. Trong đó, kinh nghiệm đầu tiên là tôn trọng và nghiêm túc thực hiện công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, sinh thái. Đây được coi là quyết định sống còn của phát triển du lịch.

Bà Đinh Thị Thu Thủy đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý trong việc gìn giữ và phát huy được giá trị của di tích của phố cổ. Trong số những kinh nghiệm, đáng chú ý là TP.Hội An đã xây dựng và ban hành các quy chế quản lý công tác bảo tồn, trùng tu di tích. Nhiều năm qua, Hội An đã hình thành một lực lượng quản lý trực tiếp di sản để thực thi công tác bảo vệ cũng như tạo nhận thức về sự cần thiết, tầm quan trọng của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa cho toàn bộ các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư… Theo bà Thủy, Hội An đã nỗ lực tìm kiếm cách phát huy các giá trị di sản văn hóa để phục vụ du lịch, như: lễ hội dân gian, nghệ thuật bài chòi, đêm rằm phố cổ... Chính những hoạt động này đã thu hút đông đảo du khách đến với phố cổ.

Đặc biệt, kinh nghiệm từ Hội An về bảo tồn di sản là luôn coi trọng đến việc tranh thủ sự đồng thuận của cộng đồng từ nguồn lực trong dân cư, tôn trọng chính sự sáng tạo của con người phố cổ, bản sắc văn hóa địa phương cho đến việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di tích với lợi ích trong việc khai thác của từng chủ di tích. Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, loại hình du lịch của địa phương chính là du lịch văn hóa cho nên phải xây dựng cho được con người Hội An có văn hóa. Và làm giàu từ văn hóa đó. Trong khi phát triển du lịch sinh thái ra những vùng ven thành phố, ra hướng thiên nhiên, biển đảo Cù Lao Chàm, làng nghề... vẫn không quên thực hiện nguyên tắc vừa bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc trong văn hóa truyền thống, vùa đáp ứng nhu cầu dân sinh.

Đồng quan điểm này, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP.Hội An cũng nhìn nhận, không nên để những di tích trong quần thể di sản phố cổ thuộc về những người không phải là người bản địa: “Di sản vật thể rất mong manh. Nếu không cẩn thận thì sức ép kinh tế sẽ tác động đến loại di sản này rất nghiêm trọng. Hồn cốt Hội An cần phải giữ gìn để giữ cả văn hóa phi vật thể trong phố cổ”.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.