Đà Nẵng chủ động phòng chống dịch bệnh

22/07/2013 09:36 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, tại Đà Nẵng có 1.584 ca mắc tay chân miệng (TCM), 789 ca sốt xuất huyết (SXH).

Từ đầu năm đến nay, tại Đà Nẵng có 1.584 ca mắc tay chân miệng (TCM), 789 ca sốt xuất huyết (SXH).

Tình hình dịch bệnh đang được khống chế tốt, nhưng nguy cơ bùng phát dịch là không thể lường trước được. Đối với dịch bệnh TCM hiện vẫn tái đi tái lại.  Ông Dương Ấm Mậu, Phó khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho hay, với dịch bệnh TCM, ở mức bình quân hiện nay là 80 ca/tuần: “Với những ca có dấu hiệu nghi mắc TCM đều được đưa vào số liệu tầm soát. Hiện không có những trường hợp biến chứng nặng như cùng kỳ, đó cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy bệnh TCM đang chững lại, và người dân nhờ công tác tuyên truyền đã có phương án phòng bị tốt”.

Trung tâm Y tế dự phòng hiện vẫn tăng cường công tác tuyên truyền đối với các bậc phụ huynh nhằm bảo vệ trẻ, giám sát những triệu chứng của trẻ để kiểm soát bệnh kịp thời. Trong khi đó, so với cùng kỳ năm trước, dịch SXH tăng  17-18 lần (7 tháng đầu năm 2012, số mắc SXH chỉ 43 trường hợp-PV). Điều đáng mừng là dịch SXH trong tháng 7 đang có dấu hiệu chững lại, với bình quân mỗi tuần khoảng 20 ca bệnh. Số bệnh SXH năm 2013 tăng mạnh là do 3 tháng đầu năm bị “dính” vào đỉnh dịch của 3 tháng cuối năm 2012, thời điểm mà mỗi tháng có đến vài trăm ca mắc.

“Thế nhưng, Đà Nẵng chuẩn bị bước vào mùa mưa, đó chính là mùa dịch SXH bùng phát dữ dội hằng năm, có thể cao lên đến 300 - 600 ca/tháng như những tháng cuối năm 2012. Vì vậy, chúng tôi biết rõ rằng không thể chủ quan, lơ là khi dịch có dấu hiệu chững lại”, ông Mậu nói. Cũng do nắm bắt được tình hình dịch bệnh chuyển biến nhanh và phức tạp mỗi năm, nên trung tâm quyết liệt chuẩn bị phương án đối phó với dịch SXH trong trường hợp dịch bùng phát mạnh.

Cùng với việc tập trung tuyên truyền cho mọi người dân phương án đối phó, phòng chống dịch, trung tâm tổ chức tập huấn cho 1.831 cộng tác viên y tế ở các địa phương triển khai chiến dịch tầm soát, báo cáo kịp thời nếu phát hiện ổ dịch, phun thuốc chủ động 4 địa phương đã từng xảy ra dịch số lượng lớn là P.Hòa Khánh Bắc (Q.Liên Chiểu), P.Xuân Hà (Q.Thanh Khê), P.Hòa Cường Bắc (Q.Hải Châu) và P.Mỹ An (Q.Ngũ Hành Sơn). “Chúng tôi đã dự trữ đủ cơ số thuốc, hóa chất để chủ động đối phó với dịch trong mọi tình huống. Dịch thường bùng phát rất nhanh. Nếu người dân không nắm bắt được yếu tố gây bệnh, chủ quan với việc diệt muỗi và bọ gậy, sẽ càng tạo điều kiện cho dịch lan tỏa mạnh. Vì vậy, việc phòng bệnh của mỗi người dân trong cộng đồng là hết sức quan trọng”, BS Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng nhấn mạnh.

Diệu Hiền

>> Diệt muỗi để hạ nhiệt 'cao điểm' bệnh sốt xuất huyết
>> Dịch sốt xuất huyết tăng mạnh
>> Dịch sốt xuất huyết ở Phú Yên
>> Khánh Hòa: Sốt xuất huyết tăng bất thường
>> Trời oi bức, bệnh tay chân miệng tăng cao
>> Bệnh tay chân miệng bắt đầu “nổi dậy”
>> Bệnh tay chân miệng tăng cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.