Nhiều ao cá bỏ hoang đầy rau dại, lục bình - Ảnh: T.D |
Câu chuyện ở cồn Tân Lộc (thuộc P.Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), từng được mệnh danh là "cồn tỉ phú" nhờ cá tra, là điển hình của sự xuống dốc của người nuôi cá.
Một thời vang bóng
|
Dù nuôi cá tra khá muộn mằn so với An Giang, Đồng Tháp nhưng Tân Lộc lại nổi đình đám nhất miền Tây. Có điều, cái danh đó chỉ còn là quá khứ.
Ông Phan Văn Đặng, ngụ khu vực Long Châu (P.Tân Lộc), từng là một đại gia trong nghề nuôi cá tra. Nhưng nay nhắc tên loài cá này, ông ngồi thở dài: “Cồn tỉ phú chỉ còn hư danh, đúng ra phải gọi cồn mắc nợ hay cồn cá chết đúng hơn”. Nhẩm lại thời gian, ông nói đã nuôi cá tra 9 năm nhưng cuối cùng phải "treo ao, dứt tình". Ông kể: “Năm 2000, con cá tra mới xuất hiện ở cồn. Lúc đó, cá thịt giá chỉ 7.500 đồng/kg nhưng nuôi lời khẳm. Bán một hầm cá diện tích 5.000 m2 thu lời cả trăm triệu đồng. Năm 2006, giá cá vọt lên 16.000 đồng/kg, tính ra mỗi kg cá lời 5.000 đồng nên ai nuôi cá nhiều đếm tiền mỏi tay”. Hồi đó cá biển làm thức ăn cho cá tra giá chỉ vài trăm đồng/kg, giá cám cũng chỉ ở chừng mức ấy... Với 3 hầm cá tra, bán 1 hầm cá ông Đặng đã có tiền mua vàng cây làm của.
Do nuôi cá tra làm giàu nhanh nên từ sau năm 2000, cả cồn Tân Lộc chuyển mình. Các mảnh vườn chỉ sau vài đêm đã biến thành ao cá sâu thẳm. Người có tiền đổ về mua đất nên giá đất cồn tăng vùn vụt, mỗi "công" giá từ 2 cây vàng nhảy vọt lên 15-17 cây vàng. Ngày đó đi trên cồn Tân Lộc đâu đâu cũng nghe bàn tán bán cá tra thu lợi bạc trăm triệu, bạc tỉ. Ở các quán cà phê gần Bến phà Trung Kiên, người ta gọi là “chợ” cá tra vì sáng - trưa - chiều chủ cá ngồi rung đùi, móc "a lô" gọi rùm trời hỏi giá cá, khoe thu nhập, khoe đồ xịn vừa sắm, rủ nhau lấy tiền tỉ đi săn mua đất cồn nuôi cá, tiền cà phê đưa bạc trăm không cần thối là chuyện thường. Thậm chí, đang cà phê, cao hứng lên các đại gia làng cá như ông Phương, ông Đời... mặc quần áo xốc xếch xách xe mô tô chạy xuống Cần Thơ, lên An Giang mua xe hơi bạc tỉ về chạy chơi. Có người mua xe lớn 7 chỗ về chạy đường nhỏ thấy bất tiện liền gửi xe bên kia sông rồi bán rẻ để mua xe 4 chỗ....
Cơn lốc nợ cá tra
Năm 2008, khi giá nguyên vật liệu, giá cá biển, giá cám tăng cao, người nuôi cá tra bắt đầu lao dốc. Người nào có vốn nhà thì nhẹ lo, còn ai vay ngân hàng đầu tư nuôi cá trả nợ méo mặt. Khổ tâm hơn là bán cá lấy tiền liền thì giá bán rẻ hơn giá thực vài ngàn đồng/kg, bán được cao hơn chút ít thì không biết khi nào lấy được tiền... Lay lắt tới năm 2011, đất cồn chìm trong cơn lốc nợ cá tra. Lúc này, ra các ao cá đâu đâu cũng thấy cắm cọc bán đất, nhà; chỗ thì ao cá bị dán giấy đòi tiền của ngân hàng. Tại các quán cà phê gần Bến phà Trung Kiên, các chủ cá ngồi bí xị, điện thoại reo không dám bắt máy vì sợ bị đòi tiền nợ, đòi lãi. Tài sản như ca nô, xe hơi đem bán hay cầm cố, sang tay chủ mới vì thua lỗ. Những chủ cá một thời như H.P trả mãi vẫn còn nợ trên 2 tỉ đồng, đành dắt díu vợ con bỏ xứ đi; ông V.M thua lỗ nợ 1 tỉ đồng bỏ quê đi chưa biết ngày về; ông N.A lỗ hơn 2 tỉ đồng phải bán ao... Các ao cá quanh cồn tràn ngập lục bình rau dại, nhiều căn nhà khóa cửa im lìm... trông xơ xác.
Ông Đặng nói bây giờ kêu bán ao không ai mua vì mua xong không biết nuôi cá gì, còn muốn lấp lại phải tốn chi phí từ 600 triệu đến 1 tỉ đồng cho mỗi ao rộng 5.000 m2. Ông nhẩm tính, vùng cù lao Tân Lộc diện tích nuôi cá tra khoảng 300 ha nhưng nay số dân nuôi chỉ được vài ha, còn lại là công ty, doanh nghiệp. Trong số người dân còn cầm cự với cá tra có ông P. nhưng cũng đã lỗ trên 1 tỉ đồng... Ông Đặng chua chát: “Con cá tra đã chết chìm ở cồn này, tôi còn may mắn chưa nợ ngập đầu phải bỏ xứ trốn nợ như nhiều chủ cá khác”.
Sự chuyển đổi "số phận" ở một vùng đất từng được tôn vinh là tỉ phú chỉ trong một thời gian ngắn ngủi đến ngay chính người trong cuộc vẫn ngỡ ngàng. Vì sao mặt hàng độc quyền thế giới của VN lại rơi vào kết cục như vậy vẫn là trăn trở của nhiều người.
Thanh Dũng
>> Ngành nuôi cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn
>> Đề nghị tăng thời hạn cho vay vốn nuôi cá tra
>> Nuôi cá tra ngày càng bất ổn
Bình luận (0)