Nga gấp rút tăng cường sức mạnh tại Thái Bình Dương

23/07/2013 11:15 GMT+7

(TNO) Trong năm 2014, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ bắt đầu tiếp nhận các tàu chiến mới, nhằm gia tăng sức mạnh hải quân tại khu vực được cho là đang “nóng” dần lên này.

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya 24 (Nga) hôm 18.7, chuẩn đô đốc Sergei Avakyants, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, cho biết các tàu chiến mới cùng khối lượng lớn khí tài sẽ được chuyển giao cho hạm đội của ông trong năm 2014.   

Ngoài ra, chuẩn đô đốc Avakyants còn nhấn mạnh đến thực tế đây sẽ là lần đầu tiên Hạm đội Thái Bình Dương tiếp nhận một tàu chiến mới kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. 

Gấp rút mua sắm và triển khai tàu chiến  

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Hạm đội Thái Bình Dương sẽ tiếp nhận ít nhất một trong hai chiếc tàu tấn công đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral, do Pháp đóng mới cho Hải quân Nga theo một thỏa thuận trị giá 1,52 tỉ USD được ký kết giữa hai nước vào năm 2011.

Theo thỏa thuận nói trên, Pháp sẽ tiến hành đóng mới hai chiếc đầu tiên, và hai chiếc tiếp theo sẽ do nhà thầu của Nga đảm nhận với 80% được sản xuất tại Nga và 20% linh kiện nhập từ Pháp.

Hiện chiếc đầu tiên mang tên Vladivostok đã được Pháp hoàn thành và chạy thử nghiệm vào đầu tháng 2 năm nay. Chiếc thứ hai có tên Sevastopol đã được khởi đóng vào ngày 18.6.2013 tại xưởng đóng tàu ở thành phố Saint Nazaire của Pháp. 

Tuy nhiên, việc triển khai dự án đóng mới hai chiếc tiếp theo tại Nga sẽ được chuyển sang năm 2016 thay vì năm 2013 như dự định, vì lý do nhà thầu phụ của Nga không thể đảm bảo tiến độ với đối tác Pháp mặc dù đã được chuyển giao công nghệ, hãng tin Interfax cho biết.

Điều này đặt ra câu hỏi về năng lực thật sự của ngành công nghiệp quốc phòng của Nga hiện nay. 

Hợp đồng nói trên là thương vụ mua vũ khí lớn nhất của Nga kể từ thời Liên Xô cũ, và gây ra báo động đáng kể giữa các quốc gia khối NATO vào thời điểm đó. Tuy nhiên, Moscow đã tìm cách giảm bớt những quan ngại này bằng cách hứa hẹn rằng một số trong đó sẽ được triển khai ở khu vực Thái Bình Dương.

Nga gấp rút tăng cường sức mạnh tại Thái Bình Dương
 Chiến hạm lớp Mistral do Pháp đóng - Ảnh: AFP

Theo Reuters, với lượng giãn nước 21.300 tấn, dài 199 m, rộng 32 m, mỗi tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral có khả năng chở theo 16 trực thăng hạng nặng, 4 tàu đổ bộ cao tốc, 40 xe tăng và 450 binh sĩ phục vụ cho các chiến dịch đổ bộ.

Tuy nhiên, chuẩn đô đốc Avakyants không tiết lộ thời điểm chính xác mà tàu tấn công đổ bộ lớp này sẽ được chuyển giao cho Hạm đội Thái Bình Dương của ông.

 

Điều đáng lưu ý là các cuộc chuyển giao sắp tới đã được thảo luận hoặc bóng gió bởi các quan chức Nga trước đây, nhưng đa phần là tách biệt ở các thời điểm khác nhau chứ không tập trung như lần này.

Nhưng ông cho biết một số tàu hộ tống tàng hình lớp Steregushchy thuộc Dự án 20380 đã được đóng cho hạm đội của ông, dự kiến sẽ bắt đầu chuyển giao vào đầu năm tới.

Với chiều dài 105 m, rộng 13 m, mớn nước 3,7 m, và lượng giãn nước 2.200 tấn, tàu hộ tống lớp Steregushchy là tàu đa năng cỡ lớn, sẽ dần thay thế cho tàu hộ tống lớp Grisha.

Theo tạp chí Công nghệ Hải quân, tàu hộ tống tàng hình lớp Steregushchy có thể được triển khai cho các hoạt động tuần tra ven biển, hộ tống và tác chiến chống tàu ngầm. Hoạt động như thành phần bổ sung và yểm trợ cho tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral trong các chiến dịch hợp đồng tác chiến, mục tiêu nhắm đến của loại tàu này là các tàu nổi, tàu ngầm, máy bay và các mục tiêu trên bờ. 

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cũng cho biết một trong những tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo lớp Borey đầu tiên sẽ được chuyển giao cho hạm đội sau khi chạy thử nghiệm lần đầu tiên vào cuối năm nay.

Tàu ngầm lớp Borey là tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ thứ tư của Nga và là tàu ngầm đầu tiên được xây dựng kể từ thời Liên Xô cũ.

Nga dự định sẽ đóng ít nhất 8 chiếc loại này, với vai trò là lực lượng chủ lực cho chiến lược ngăn chặn trên biển, cũng như để thay thế cho các tàu ngầm cũ thuộc các lớp Typhoon, Delta-III và Delta-IV.

Theo truyền thông Nga, tàu ngầm lớp Borey dài 170 m, với đường kính thân 13 m, lặn sâu 450 m và tốc độ khi lặn là 29 hải lý. Thủy thủ đoàn 107 người, trong đó có 55 sĩ quan, và mang theo 16 tên lửa đạn đạo Bulava đời mới của Nga, là loại tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn.

Tập trận liên tục nhằm răn đe 

Tuyên bố của Chuẩn Đô đốc Avakyants được đưa ra ở giai đoạn cuối cuộc tập trận quân sự của Nga ở vùng Viễn Đông của nước này. Đây là cuộc tập trận đột xuất và bất ngờ thứ ba của Nga kể từ khi ông Putin chính thức tiếp nhận chức Tổng thống nhiệm kỳ 3.

Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 12 đến ngày 20.7 với sự tham gia của 160.000 binh lính, 1.000 xe tăng, 130 máy bay và 70 tàu chiến, và là một trong những cuộc tập trận lớn nhất của Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Mặc dù giới chức Nga nhấn mạnh cuộc tập trận của họ không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào mà chỉ là để tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga.

Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra hoài nghi về ý nghĩa của cuộc tập trận quy mô và rầm rộ này khi đích thân Tổng thống Vladimir Putin đã trực tiếp chỉ đạo cũng như giám sát cuộc tập trận ở đảo Sakhalin, ở phía bắc nước Nhật.

 Nga gấp rút tăng cường sức mạnh tại Thái Bình Dương
 Tổng thống Nga Vladimir Putin thị sát cuộc tập trận khổng lồ của Nga - Ảnh: Reuters

Theo ghi nhận của tờ The Diplomat, cuộc tập trận nói trên gần như chắc chắn là một tín hiệu răn đe và cảnh báo mà Nga muốn gửi đến các nước láng giềng phía đông của mình, cụ thể là Trung Quốc và Nhật.

Thực tế, hai máy bay ném bom chiến lược Tu-95 Bear H của Nga đã bay trên vùng biển của Nhật trong hơn 7 giờ như một phần của cuộc tập trận, khiến Nhật phải cho máy bay phản lực xuất kích để ngăn chặn khi chúng tiếp cận đảo Hokkaido của Nhật ở phía bắc.

 

Theo hãng thông tấn RIA Novosti, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga hiện đang sở hữu các tuần dương hạm trang bị tên lửa Varyag, 4 tàu khu trục lớp Udaloy, một tàu khu trục lớp Sovremenny và hàng chục tàu ngầm, với 5 chiếc trong số đó là tàu ngầm tên lửa đạn đạo Delta-III.

Ngoài ra, trong một hoạt động riêng rẽ khác, một máy bay trinh sát đã bay trên quần đảo Kuril do Nga kiểm soát nhưng Nhật cũng tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên, kể từ khi lên cầm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã nỗ lực tìm cách giải quyết cuộc tranh chấp với mục tiêu hướng sự chú ý của cả hai nước vào sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Cuộc tập trận mới nhất của Nga còn cho thấy mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn và nghi kỵ bất chấp những tiến triển đáng kể trong hợp tác giữa hai nước ở một số lĩnh vực như năng lượng và quân sự.

Vào đầu tháng này, trước khi diễn ra cuộc tập trận Viễn Đông, Nga và Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận hải quân lớn nhất giữa hai nước với tên gọi “Tác chiến hải quân 2013”. Quân đội Trung Quốc đã gửi 4 tàu khu trục, 2 chiến hạm trang bị tên lửa và một tàu tiếp tế tham gia cuộc tập trận này, theo The Diplomat.

Nhiều quan chức Nga nghi ngờ Trung Quốc đang tìm cách thực hiện một chiến lược lâu dài nhằm thôn tính vùng Viễn Đông của Nga. Điều này được thể hiện qua việc ngày càng nhiều người nhập cư Trung Quốc xâm nhập và sinh sống tại vùng Viễn Đông của Nga, khiến khu vực này ngày càng trở nên đông đúc.

Ngoài ra, tờ The Diplomat còn dẫn lời ông Vassily Mikheev, Phó giám đốc Viện Chính trị và Kinh tế Thế giới (IMEMO) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga phát biểu vào năm 2009: “Tư tưởng chống Trung Quốc đang nổi lên rất mạnh mẽ ở Nga và nó vẫn tiếp tục thay đổi vì cảm giác Trung Quốc đang muốn chinh phục vùng Viễn Đông của Nga kết hợp với lo ngại về mối đe dọa kinh tế từ nước này”.

Nguyên Giang

>> Hạm đội Thái Bình Dương Nga sẽ sớm nhận tàu chiến mới
>> Nga tập trận quy mô lớn để cảnh báo Trung Quốc?
>> Nga bác tin vệ tinh quân sự rơi ở Trung Quốc
>> Chiến đấu cơ Hàn, Nhật bám đuổi máy bay Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.