(TNO) Một nhóm các nhà khảo cổ học vừa tìm thấy hóa thạch của một cái đuôi khủng long cách nay 72 triệu năm tại vùng sa mạc ở phía bắc Mexico, Reuters dẫn thông tin Viện Lịch sử và Nhân chủng học Quốc gia Mexico (INAH) cho hay hôm 22.7.
Cái đuôi hóa thạch dài 5 mét được bảo quản tốt một cách kỳ lạ lần đầu tiên được tìm thấy ở Mexico, Giám đốc INAH Francisco Aguilar cho biết.
Theo Reuters, nhóm nhà khoa học là các chuyên gia khảo cổ và sinh viên thuộc INAH và Trường đại học Mexico (UNAM) đã xác định hóa thạch vừa phát hiện thuộc loài khủng long mỏ vịt (hadrosaur).
Cái đuôi hóa thạch được tìm thấy gần thị trấn nhỏ General Cepeda thuộc bang giáp biên giới với Mỹ là Coahuila, có thể chiếm nửa chiều dài của con khủng long, Giám đốc INAH Aguilar nói.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy 50 đốt sống đuôi còn nguyên vẹn. Ngoài ra, quanh cái đuôi còn có một vài mảnh xương hóa thạch khác như các xương chậu của khủng long.
Theo INAH thì việc tìm thấy hóa thạch đuôi khủng long là khá hiếm. Phát hiện mới có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm về những căn bệnh ở xương của khủng long, như các khối u xương hay viêm khớp, tương tự như các căn bệnh ở người.
Tiến Dũng
>> Giả thuyết mới về khủng long
>> Hóa thạch của một loài khủng long mới
>> Khám phá loài khủng long mới
>> Khủng long ấp trứng như chim?
>> Khủng long cũng biết bơi
>> Sao chổi đã hủy diệt khủng long?
>> Tranh cãi quanh chuyện sex của khủng long gai
>> Khủng long có bề ngoài giống cá heo
Bình luận (0)