Cậu bé mồ côi cha trở thành thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM

25/07/2013 09:30 GMT+7

(TNO) “Nhà em nằm trong hẻm, đường lại đang sửa nên khó đi lắm, có gì gần tới nhà anh gọi, để em ra trước đường chính đón”, là cách mà Nguyễn Hoàng Nam, thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2013, xã giao qua điện thoại với chúng tôi.

(TNO) “Nhà em nằm trong hẻm, đường lại đang sửa nên khó đi lắm, có gì gần tới nhà anh gọi, để em ra trước đường chính đón” là cách mà Nguyễn Hoàng Nam, thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2013, xã giao qua điện thoại với chúng tôi.

>> Được tuyển thẳng vẫn thi đại học, đỗ thủ khoa
>> Chàng trai sửa xe đạp đỗ thủ khoa đại học
>> Cậu học trò đỗ “thủ khoa” hai lần 
>> Thủ khoa ĐH Ngân hàng muốn trở thành… bác sĩ
>> Cậu học trò hay thắc mắc trở thành thủ khoa
>> Thủ khoa ĐH Ngoại thương: Thi xong đã đoán được 29 điểm !
>> Cô thủ khoa 29 điểm vui tính với hành trang 'quyết tâm
>> Thủ khoa ĐH Dược yêu nghề gốm và rất mê bóng đá

Tuổi thơ vắng cha

Khuôn mặt điển trai, làn da trắng trẻo, ăn nói khéo léo... khiến những người tiếp xúc với Nguyễn Hoàng Nam dễ cảm mến. Mặc dù đã nhẩm tính điểm thi sơ sơ, biết là mình làm bài ổn, nhưng Nam chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành thủ khoa.

Nam chia sẻ: “Sau khi thi xong em nhẩm tính môn toán của em có thể được 9 điểm. Vì có những câu em giải không giống như trong đáp án. Em thực sự bất ngờ trước kết quả đạt được” (Nam đạt điểm 10 ở môn toán - PV).

 Thủ khoa Nguyễn Hoàng Nam thường giải tỏa áp lực bằng việc chơi ghita
Chơi guitar cũng là một cách Nguyễn Hoàng Nam giải tỏa áp lực

Cô Lê Thị Tư, mẹ của Nam, vỡ òa trong hạnh phúc khi biết tin Nam đậu thủ khoa. Cô nói: “Khi biết tin, cô run hết cả chân. Cô cũng lo vì sợ nhầm tên ai đó. Đến khi nhiều người bên báo, đài gọi điện thì cô mới tin đó là sự thật”.

Trở thành thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM với 29 điểm (toán 10; lý 9,75; Anh văn 9, làm tròn là 29 điểm) là món quà mà Nam ấp ủ bấy lâu để dành tặng cho người mẹ của mình.

Nam tâm sự :“Nghe mẹ kể khi mang thai em 7 tuần thì bố mất. Em biết mẹ đã vất vả rất nhiều để nuôi em ăn học”.

Không khí trong căn nhà nhỏ trở nên trầm lắng khi mẹ Nam kể lại hoàn cảnh của gia đình sau khi bố của Nam mất trong một vụ tai nạn giao thông ở Phan Thiết.

Mẹ Nam chia sẻ: “Cuộc sống khi đó khó khăn lắm. Phải trở về quê (Nam Định) để nhờ ông bà ngoại giúp đỡ. Sau khi sinh Nam thì lại chuyển lên Hà Nội tìm việc”.

Sau đó, mẹ và Nam chuyển vào Sài Gòn sinh sống từ năm 2008.

“Nhờ anh chị em, bạn bè trong Sài Gòn giúp đỡ nên hai mẹ con cũng mua được căn nhà để ổn định chuyện học hành của Nam”, cô Tư chia sẻ.

Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ

Đam mê xây dựng từ nhỏ nên Nam quyết định thi vào ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp của ĐH Bách khoa TP.HCM.

Nam cho biết mình vốn thích trò chơi xếp hình từ tấm bé. Nhưng đến năm lớp 8, ước mơ "xây dựng" của Nam thực sự thành hình khi ông cậu mua gỗ... cất nhà.

 Trở thành thủ khoa là món quà mà Nam dành tặng mẹ
Trở thành thủ khoa là món quà mà Nam dành tặng mẹ

Mặc dù là học sinh chuyên toán nhưng Nam cho biết môn học “đỉnh” nhất của mình là môn lý. Mỗi ngày cậu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thường dành 2 tiếng để học môn toán, 2 tiếng cho môn lý, hóa. Thời gian còn lại Nam dành cho môn Anh văn.

 

Thủ khoa Nguyễn Hoàng Nam từng đoạt huy chương vàng môn toán lớp 10 trong kỳ thi Olympic truyền thống 30.4 lần thứ 17 tổ chức tại TP.Cần Thơ; huy chương vàng môn toán lớp 11 trong kỳ thi Olympic truyền thống 30.4 lần thứ 18 tổ chức tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; giải nhất cấp thành phố môn vật lý lớp 12; giải nhất cấp thành phố môn toán lớp 12; học sinh giỏi cấp quốc gia THPT lớp 11.

Ngoài ra, Nam còn được Chủ tịch UBND TP.HCM tặng bằng khen vì đã có thành tích học tập xuất sắc.

“Ngoài việc học trong sách em cũng nhờ mẹ tìm kiếm các bài toán khó trên mạng về nghiên cứu. Bạn bè trong lớp mỗi khi có bài nào hay, khó thì thường thách nhau tìm lời giải”, Nam chia sẻ bí quyết để học tốt các môn toán.

Mặc dù liên tục giành giải thưởng trong các đợt thi học sinh giỏi cấp thành phố nhưng đôi lần Nam cũng rơi vào trạng thái căng thẳng, cảm thấy sức học mình sa sút. Theo Nam, việc đầu tư cho chương trình thi học sinh giỏi quốc gia cũng ảnh hưởng đến các kiến thức phổ thông nền.

“Trong những lần thi thử đại học ở trường, kết quả làm bài của em không tốt lắm. Mỗi lần như vậy em không dám nói với mẹ vì sợ mẹ thất vọng. Em vượt qua bằng cách đọc lại những thứ còn thiếu, xem sách tham khảo để xử lý đúng hướng và không tái phạm sai lầm nữa”, Nam bộc bạch.

Ngoài thời gian học thì những lúc rảnh rỗi Nam thường đi bơi với người anh họ. Ngoài ra, Nam còn có tài lẻ là chơi đàn guitar. “Những lúc căng thẳng hoặc gặp chuyện không vui em thường đánh vài bản để giải tỏa áp lực”, Nam nói.

Hiện tại Nam đang tích cực học tiếng Anh để có thể giành học bổng đi du học. Ngoài ra, Nam cũng lên kế hoạch đi dạy thêm để trang trải chuyện học hành.

Trước khi chúng tôi ra về, Nam không quên chia sẻ với những bạn kém may mắn hơn mình: "Đại học không phải là cánh cổng duy nhất dẫn đến ước mơ. Không học được đại học thì học cao đẳng, trung cấp hoặc ôn lại để sang năm thi tiếp. Quan trọng là mình cố gắng, nỗ lực hết mình vì ước mơ đó. Mong rằng các bạn đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ”.

Bài, ảnh: Đức Tiến

>> Đã có thủ khoa 29,5 điểm
>> Thủ khoa Trường ĐH Quảng Nam đạt 23 điểm
>> Thủ khoa 58,5 điểm bật mí về kỳ thi ĐH 2013
>> Bốn thủ khoa tiết lộ cách làm bài thi khối C
>> Các thủ khoa bật mí bí quyết làm bài trước “giờ G”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.