Sau gần 8 năm áp dụng công nghệ “mềm” Stabiplage, Bà Rịa- Vũng Tàu (BR-VT) đã hạn chế được hiện tượng xói lở bờ biển Lộc An.
Hàng ngàn mét vuông đất xuống biển
Trong vòng hơn 10 năm qua, hàng ngàn mét vuông đất dọc bờ biển từ Vũng Tàu đến Xuyên Mộc (BR-VT) bị biển xâm thực nghiêm trọng, ảnh hưởng cuộc sống của nhiều hộ dân sinh sống quanh các khu vực ven biển. Tình trạng xói lở và bồi đắp mạnh gồm: khu vực Lộc An (H.Đất Đỏ); Trại Nhái, bãi Thùy Vân, Paradise, Cửa Lấp (TP.Vũng Tàu); Hồ Tràm (H. Xuyên Mộc)…. diễn ra chủ yếu vào mùa gió chướng (khoảng tháng 9-10 âm lịch của năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau).
|
Trước thực trạng này, nhiều địa phương áp dụng nhiều biện pháp như xây dựng công trình kè, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã bị sập đổ. Hay như dùng biện pháp nạo vét luồng lạch cũng nhanh chóng bị lấp đầy.
Công nghệ “mềm” Stabiplage
Vào tháng 7.2005, UBND tỉnh BR-VT đã quyết định áp dụng công nghệ “mềm” Stabiplage chống xói lở tại bờ biển Lộc An với chiều dài 500m, bít cửa đã mở, tái lập profin tự nhiên nhằm bảo vệ khu đầm phá bên trong, khu vực dân cư, khu du lịch, con đường ven biển đối diện với cửa mở… Theo đó, công trình được thực hiện với 8 Stabiplage có kết cấu hình ống, chiều cao 1,2m dài khoảng 50m, gồm hai lớp (lớp ngoài dùng vật liệu polyester, lớp trong vật liệu không dệt polypropylene) đặt vuông góc với đường bờ và được phân bố đều trên đoạn bờ biển dài khoảng 600m.
Qua gần 8 năm hoạt động, đến nay, công trình vẫn đứng vững an toàn và ngày càng phát huy tác dụng, đáp ứng mục tiêu đề ra. Hiện tượng xói lở bờ biển được ngăn chặn, bãi biển được tái tạo, tôn cao và tiến ra phía biển một cách tự nhiên với trung bình khoảng 25 - 30m, có nơi từ 60- 70m. Ngoài ra, dải đồi cát ven biển đang dần được phục hồi và ngày càng được bồi tụ mạnh, chiều cao đồi cát có nơi đạt được hơn 6m với chiều rộng chân đồi cát rộng đến 10m; tạo điều kiện để rừng phi lao và các loại thực vật tầm thấp như rau muống biển phát triển tốt…
Từ hiệu quả của công nghệ, đến năm 2011, BR-VT tiếp tục triển khai công trình giai đoạn 2 với 10 Stabiplage (giáp ngay công trình giai đoạn 1 về phía nam) phân bố đều trên đoạn bờ có chiều dài khoảng 900m. Trong chuyến khảo sát mới đây tại công trình Stabiplage Lộc An, ông Dominique CAP- Phó chủ tịch phụ trách quan hệ quốc tế đoàn công tác đô thị đại dương Brest (Pháp) đã nhận xét: “Ở Pháp cũng có nhiều đoạn bờ biển bị xói lở rất nghiêm trọng và chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ cứng, hay đê kè tại những nơi không thích hợp sau một thời gian cũng bị sóng biển phá hủy. Nên bây giờ, chúng tôi chủ yếu là sử dụng công nghệ mềm Stabiplage vì nó linh hoạt và rất thân thiện với môi trường. Tại Lộc An, theo tôi nhận thấy thì công nghệ này cũng đã phát huy hiệu quả rất tốt. Nó đã giữ được đường bờ biển, dải đồi cát thì được bồi lấp rất nhiều…”
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số trở ngại trong việc ứng dụng công nghệ Stabiplage trên diện rộng tại BR-VT như giá thành vẫn còn cao so với khả năng của địa phương; việc duy tu, bảo dưỡng gặp khó khăn do nguyên vật liệu thay thế hoàn toàn phụ thuộc vào nhà cung cấp công nghệ…
Nguyên lý hoạt động của công nghệ Stabiplage là thu giữ, tích tụ và duy trì tại chỗ các trầm tích, không chống lại thiên nhiên mà trợ giúp thiên nhiên thông qua hoạt động thủy động lực học ven biển và dịch chuyển trầm tích vào dọc bờ. Từ đó tạo ra các trao đổi ổn định động lực các khu vực xói lở cần được xử lý. Quá trình hoạt động của các Stabiplage với kích thước thích hợp cho phép sóng vượt qua trầm tích và cát, nhưng trích lại một lượng cát trong dịch chuyển ven bờ. Lượng cát thu giữ được tích tụ dần dọc theo công trình, sau đó ổn định và nâng dần độ cao bãi biển để bồi đắp, tái tạo bãi biển. |
Nam Phong
>> Nhiều hồ chứa ở Quảng Nam bị sụt lún, xói lở
Bình luận (0)