Vụ sinh viên mất tích ở núi Phanxipang: Cầu mong điều kỳ diệu sẽ đến

25/07/2013 14:34 GMT+7

(TNO) Sau hơn chục ngày được cho là mất tích ở núi Phanxipang, các đội tìm kiếm của H.Sa Pa chưa thể lần ra bất cứ dấu hiệu, manh mối nào để tìm thấy nạn nhân Phạm Ngọc Ánh.

(TNO) Sau hơn chục ngày được cho là mất tích ở núi Phanxipang, các đội tìm kiếm của H.Sa Pa (Lào Cai) chưa thể lần ra bất cứ dấu hiệu, manh mối nào để tìm thấy nạn nhân Phạm Ngọc Ánh.

Trưa nay 25.7, Phó chủ tịch UBND H.Sa Pa (Lào Cai), ông Nguyễn Ngọc Hinh đã chia sẻ với phóng viên Thanh Niên Online thông tin về công tác tìm kiếm sinh viên Phạm Ngọc Ánh - người được xác định là mất tích khi đi du lịch Phanxipang từ ngày 13.7.

 
Đường lên Phanxipang khó khăn, tốn nhiều sức lực

Ông Nguyễn Ngọc Hinh cho biết ngoài 30 người trong đội tìm kiếm, UBND H.Sa Pa đã huy động thêm người dân địa phương, đồng thời gửi thông báo đến chính quyền ở khu vực giáp ranh với H.Than Uyên, Lai Châu nhờ phối hợp giúp đỡ. Cộng thêm lực lượng porter (khuân vác) chuyên đưa khách đi du lịch trên núi, người dân địa phương dày dạn kinh nghiệm, thông thuộc địa hình cũng được huy động tham gia tìm kiếm. Nhưng hơn 10 ngày đã qua, các đội tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy bất cứ manh mối nào.

Trong quá trình rà soát toàn bộ dãy núi Hoàng Liên Sơn, người dân địa phương có phát hiện dấu chân trên rừng thảo quả ở phía H.Than Uyên, Lai Châu. Nhưng sau khi rà soát lại, đoàn tìm kiếm cho rằng, Phạm Ngọc Ánh đã không lui đến khu vực này.

Phạm Ngọc Ánh được cho là mất tích ở độ cao 2.800 mét thuộc địa phận xã San Xả Hồ, H.Sa Pa. Đây cũng là nơi có nhiều vực sâu, hiểm trở rất khó tiếp cận. Công việc tìm kiếm khu vực phía trên không có kết quả. Các đội tìm kiếm và người dân địa phương đã khoanh vùng những vị trí hiểm trở có thể nạn nhân bị mắc kẹt hoặc sẩy chân để có phương án tiếp cận.

 
Du khách lên đỉnh Phanxipang thường phải thuê các đội gùi của người dân địa phương để vận chuyển đồ đạc

“Quan điểm của huyện là phải truy tìm đến tận cùng, cho dù phải kéo dài thêm thời gian. Trong trường hợp không thấy, huyện đã tính đến thuê đội thám hiểm chuyên nghiệp, tiếp cận tìm kiếm ở các vực sâu”, ông Hinh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hinh cũng cho biết, từng có nhiều trường hợp khách du bị lạc trên dãy núi Hoàng Liên Sơn khi đang trên hành trình lên đỉnh núi Phanxipang. Nhưng đa phần là người nước ngoài, họ luôn có nhiều kinh nghiệm du lịch ở khu vực rằng núi, cũng như các kỹ năng xác định phương hướng, xử lý tình huống bị lạc đường. Có trường hợp lạc trong rừng từ 10 - 15 ngày vẫn khỏe mạnh bình thường.

“Còn với Ngọc Ánh mới từ dưới xuôi lên, không thông thuộc địa hình, bị lạc đường, không mang theo bất cứ vật dụng, đồ đạc cá nhân. Thời tiết lại mưa lạnh kéo dài là những yếu tố rất bất lợi với Ngọc Ánh. Đã qua hơn chục ngày lạc đường nên hi vọng sống sót cũng rất mỏng manh. Nhưng chúng tôi vẫn luôn chờ đợi và cầu mong điều kỳ kiệu sẽ đến với cậu ấy”, ông Hinh chia sẻ.

Cũng theo thông tin từ phía gia đình, anh Phạm Đỗ Ngọc Kháng - anh trai của Phạm Ngọc Ánh - cho biết hiện tại bố và người anh họ dẫn Ngọc Ánh đi du lịch vẫn đang túc trực thị trấn Sa Pa để chờ tin từ đoàn tìm kiếm.

P.Hậu
Ảnh minh họa: Ngọc Thắng

>> Du lịch chiến trường' tại 1,3 km đường mòn Hồ Chí Minh
>> Động Phong Nha là điểm du lịch xuất sắc
>> Công nghệ chống thất lạc hành lý
>> Làm gì khi sai sót, thất lạc giấy báo dự thi
>> Gặp lại chó cưng sau 5 năm thất lạc
>> Sổ đỏ của Vườn quốc gia Cát Tiên đang thất lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.