Mới đây, Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng tự đi lấy mẫu (với số lượng mẫu là 30) bao gồm các loại bún, bánh phở, bánh canh, bánh hỏi, bánh cuốn và bánh ướt bày bán tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, siêu thị, chợ, và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP.HCM để khảo sát về việc thực phẩm nhiễm hóa chất.
Kết quả 24 trong tổng số 30 mẫu có chứa chất làm trắng quang học (tinopal) - với 5/9 mẫu bún; 3/4 mẫu bánh phở; cùng các mẫu bánh hỏi, bánh ướt, bánh canh có chứa chất làm trắng trên. Sau khi kết quả trên được công bố, các doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước đều phản ứng. Ngày 25.7, Sở Công thương TP.HCM tổ chức cuộc họp cùng một số sở, ngành và doanh nghiệp xoay quanh thông tin trên.
|
Tại cuộc họp, phần lớn các ý kiến đều phản bác, không thừa nhận tính hợp pháp về cách làm trên của Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng. Ông Nguyễn Thành Nhân - Phó tổng giám đốc Sài Gòn Co.op - cho rằng: “Theo quy định, khi lấy mẫu phải có sự chứng kiến và xác nhận của đơn vị bị lấy mẫu, nhưng trung tâm đã âm thầm lấy mẫu và đem đi kiểm nghiệm là không đúng quy định”. Theo ông Nhân, cùng thời điểm Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng lấy mẫu bún ở Co.op Mart, siêu thị Co.op Mart cũng lấy mẫu kiểm nghiệm (vào ngày 17.6) và kết quả đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; rồi đầu tháng 7 siêu thị tiếp tục gửi mẫu bún đi kiểm nghiệm cũng đạt chất lượng.
Bà Bùi Thị Minh Thu (Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM) cũng cho rằng trong trường hợp này, Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng đã đơn phương kiểm nghiệm và sau khi kiểm nghiệm không gửi kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước để xem xét trước khi công bố thì điều này là trái với quy định của pháp luật.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nói: “Việc trung tâm này tự lấy mẫu, tự đi kiểm tra, công bố đích danh của đơn vị vi phạm thì chưa đúng quy định. Đặc biệt, khi đã công bố đích danh từng doanh nghiệp thì phải hết sức thận trọng và phải đảm bảo tính chính xác, bởi nếu thông tin không chính xác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp”.
Công khai cơ sở cung cấp bún bẩn
Mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cũng phát hiện 7 mẫu bún tươi (lấy mẫu ở các chợ nhỏ, điểm bán lẻ) tại TP có chứa chất làm trắng sáng bún (tinopal). Tuy nhiên, tại cuộc họp trên, đại diện Chi cục ATVSTP TP cho rằng vì số mẫu lấy ít, nên chỉ mang tính tham khảo bước đầu.
Chiều 25.7, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Lê Ngọc Đào cho biết trên địa bàn TP hiện có khoảng 400 cơ sở sản xuất bún, bánh phở, mì sợi... Ngay sau khi có thông tin bún, bánh canh, bánh cuốn, bánh phở, bánh hỏi nhiễm chất làm trắng huỳnh quang độc hại, Sở Công thương đã đề nghị 24 quận huyện rà soát, khẩn trương kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các siêu thị phải có trách nhiệm kiểm tra chất lượng đầu vào hàng hóa, chỉ được cung ứng các sản phẩm có nguồn gốc (bao bì ghi nhãn hiệu, địa chỉ, tên nhà sản xuất, cơ sở chế biến, hạn sử dụng…) rõ ràng để người tiêu dùng an tâm sử dụng.
Theo bà Đào, về mặt quản lý nhà nước, Sở Công thương chưa thể khẳng định các thực phẩm như bún, bánh hiện nay đều có nhiễm chất tinopal độc hại, lâu nay, Sở chỉ kiểm tra chất formol và hàn the trong thực phẩm. “Trong thời gian tới, Sở sẽ đưa chất tinopal vào danh mục kiểm tra. Nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm (có sử dụng tinopal để chế biến thực phẩm) sẽ công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết, đồng thời tránh gây thiệt hại cho các cơ sở làm ăn chân chính”, bà Đào nói.
Cuộc họp trên không có đại diện của Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng. Sau khi các đơn vị phản bác như trên, chiều qua, PV Thanh Niên đã cố gắng liên lạc với ông Đỗ Ngọc Chính, Phó giám đốc trung tâm - người công bố kết quả kiểm tra, nhưng không thể gặp. |
13/15 mẫu thịt kiểm tra bị nhiễm E.coli Đó là kết quả mà Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Đà Nẵng cho biết tại buổi sơ kết 6 tháng công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Qua kiểm tra 15 mẫu thịt để phân tích 7 chỉ tiêu (dư lượng kim loại nặng, Pb, CD; dư lượng kháng sinh, tetracylin, kiểm tra chất cấm, vi sinh: E.coli, salmonella...), thì có 13/15 mẫu nhiễm E.coli (loại vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy cấp), không đạt yêu cầu VSATTP. Bên cạnh đó, qua kiểm tra phân tích 12 mẫu rau, thì 7 mẫu có tồn dư hàm lượng NO3 (hàm lượng nitrat, nếu vượt quá mức cho phép sẽ làm giảm hô hấp của tế bào, phá hủy đường tiêu hóa) cao; 11/12 mẫu chỉ tiêu vi sinh vật không đạt; 3/12 mẫu bị nhiễm E.coli. Thanh tra liên ngành VSATTP TP cũng kiểm tra hơn 4.400 cơ sở kinh doanh, sản xuất các mặt hàng thực phẩm, trong đó có 538 cơ sở không đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế. Trong đó, đã cảnh cáo 442 cơ sở, phạt tiền 96 cơ sở hơn 138 triệu đồng. Diệu Hiền |
Thanh Tùng - Đình Phú
>> Trung Quốc phát hiện ống hút chứa hóa chất độc hại
>> Trung Quốc phát hiện trứng vịt bách thảo được sản xuất bằng hóa chất độc hại
>> Lập 44 điểm thu gom bao bì hóa chất độc hại
>> Dùng hóa chất không rõ nguồn gốc sản xuất bún
>> Kiểm tra hóa chất tái chế bún
>> Xử phạt 2 cơ sở tẩy trắng bún bằng hóa chất
Bình luận (0)