Giới trẻ thấy mình trong kịch

28/07/2013 03:10 GMT+7

Hướng tới khán giả trẻ, các sân khấu kịch ở Sài Gòn đang đưa lên sàn diễn những vấn đề mà người trẻ quan tâm.

Giới trẻ thấy mình trong kịch

Vở Hương tình của Sân khấu Idecaf - Ảnh: H.K

Thực tế và mơ mộng

 

Thực ra khán giả trẻ không kén chọn ngôi sao như khán giả trung niên, chúng tôi đỡ lo. Quan trọng là cách thể hiện phải hiện đại, vì người trẻ ngán những gì cũ mòn. Làm cho người trẻ xem, chúng tôi cũng phấn khích, vì phải đau đầu sáng tạo tìm những lối đi mới. Đó là thử thách nhưng cũng vô cùng thú vị cho người làm sân khấu

Đạo diễn Phi Long

Bất kỳ loại hình nghệ thuật biểu diễn nào cũng vậy, muốn thu hút khán giả thì phải để họ thấy mình trong đó. Các sân khấu kịch ở Sài Gòn đang đưa lên sàn diễn những vấn đề mà người trẻ quan tâm trong đời sống hiện nay.

Khán giả trẻ thích thú với vở kịch Sống thử (Nhà hát kịch 5B) bởi vở diễn khắc họa những quan niệm về tình yêu và hôn nhân rất “sát sườn” với giới trẻ hiện đại, thẳng thắn bày ra những tốt xấu của nó, giúp người trẻ có cơ hội đối chiếu với thực tế và suy ngẫm. Hay nạn nạo phá thai, bỏ trẻ sơ sinh trong vở Xin một cái tên (Nhà hát Thế giới trẻ) làm nhiều khán giả trẻ rơi nước mắt, có người cúi đầu đăm chiêu... Hoặc hình ảnh cô gái trẻ Hướng Dương tìm về cội nguồn trong vở Chờ (Nhà hát kịch 5B) cũng làm người xem giật mình...

Người trẻ hay tưởng tượng, thích phiêu lưu và thích những gì có phần phi thực tế. Một nén hương có thể làm người ta yêu nhau đến phát cuồng trong Hương tình  (Sân khấu kịch Idecaf). Một thứ thuốc có thể làm người ta trở thành người tốt trong Tốt - Xấu - Giả - Thật  (Nhà hát kịch 5B)…

Những thông điệp quen thuộc về tình người, về lòng tốt được chở bằng câu chuyện mang hơi hướm khoa học viễn tưởng bỗng hấp dẫn hẳn lên. Hoặc những tình huống éo le của Hợp đồng yêu đương (Nhà hát Thế giới trẻ) được pha chút hài hước, kỳ cục, trở nên rất dễ thương và trẻ trung. Sân khấu Hoàng Thái Thanh với phong cách kịch tình cảm hơi melo, nhẹ nhàng, lãng mạn dành cho giới trung niên, cũng ghi được dấu ấn với khán giả trẻ qua vở kịch 6 tháng, Anh và Em. Đó là câu chuyện về một giám đốc trả 5 tỉ để có được 6 tháng chung sống với người phụ nữ mình yêu, có vẻ quá mơ mộng, nhưng người trẻ lại thích.

Cảm giác mạnh

Giới trẻ thường thích cảm giác mạnh, nên một số sân khấu liên tiếp tung ra nhiều vở kịch kinh dị. Các vở này suất nào cũng đông khách. Nhưng nếu chỉ đơn thuần hù dọa và chọc cười thì khó tồn tại lâu dài, vì trình độ thưởng thức và yêu cầu của giới trẻ ngày một tăng, dần dà sẽ thấy “ma” nhạt nhẽo và chán. Do đó, một số vở kinh dị gần đây thêm yếu tố trinh thám, nhấn mạnh vấn đề thời sự. Có thể kể đến Oan hồn (Sân khấu kịch Sài Gòn) phản ánh tình trạng lái xe ẩu gây tai nạn và xử lý vô trách nhiệm, được khán giả trẻ hoan nghênh nhiệt liệt. Bí mật nhà xác (Nhà hát Thế giới trẻ) đề cập đến chuyện làm tiền thân nhân người chết ở bệnh viện. Do đó, cảm giác mạnh về ma quỷ phải đi đôi với cảm giác mạnh của trái tim hướng thiện.

Cảm giác mạnh còn ở các loại hình mới thổi vào sân khấu một làn gió trẻ trung. Vở nhạc kịch Chicago (Câu lạc bộ kịch Buffalo) của đạo diễn trẻ Khắc Duy gây phấn khích cho khán giả trẻ với âm nhạc sôi động, trang phục bốc lửa, diễn viên đẹp. Chicago hấp dẫn bởi chất “lửa” bừng bừng từ đạo diễn đến diễn viên. Đạo diễn trẻ Phi Long cũng ghi một dấu ấn mạnh mẽ khác bằng vở Xin một cái tên, được đánh giá cao về cách thể hiện mang tính chất đương đại với âm nhạc, ánh sáng, tạo hình độc đáo đầy ẩn dụ, có lẽ sẽ mở đầu một xu hướng mới là “kịch phi lý”, nhưng lại chuyển tải những thông điệp thực tế và ý nghĩa. Kiểu kịch như thế dù không có ngôi sao nhưng khán giả trẻ vẫn mê.  

Hoàng Kim - Vũ Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.