Để nắm được tượng vàng, điện ảnh Việt cần có những tài năng và điều này phụ thuộc không nhỏ vào việc đào tạo, nhưng “cái cây” điện ảnh Việt lại đang bị hổng từ rễ.
Như cây không gốc
Lâu nay, điện ảnh Việt đã bỏ quên nhiều chuyên ngành đào tạo như nhà sản xuất phim, chuyên gia âm thanh, kỹ xảo, hóa trang... Nhưng ngay cả việc đào tạo đạo diễn, diễn viên, quay phim, biên kịch, lý luận phê bình trong các trường đại học điện ảnh cũng không chuyên sâu, đạt chất lượng.
“Môi trường đào tạo điện ảnh chuyên nghiệp trong nước thiếu quá nhiều thứ, ngay cả một bộ giáo trình chuẩn cũng chưa có nổi trong khi giáo trình là xương sống để đào tạo” - đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận. Điều đó làm khó cho các giáo viên điện ảnh, khiến họ mới chỉ dạy học theo cách truyền nghề, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các sách về lý luận điện ảnh, nghiên cứu điện ảnh một cách hệ thống cũng không có. Điện ảnh Việt bị thiếu hụt trầm trọng các nhà lý luận phê bình phim hay nghiên cứu lịch sử điện ảnh chuyên sâu. Đào tạo điện ảnh trong nước từ lâu đã không có “nền tảng gốc”. Ngoài ra, một thực tế khác mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ là việc hạn chế thực hành tại các trường đào tạo điện ảnh trong nước. Một sinh viên tại Pháp sau bốn năm học đã có trong tay hàng trăm phim ngắn, trong khi ở Việt Nam, người may mắn cũng chỉ được làm vài ba bộ phim ngắn.
|
Trong khi đào tạo điện ảnh tại Việt Nam đang trong tình trạng bi đát và chưa biết khi nào có thể thay đổi, nhiều nhà làm phim cho rằng đã đến lúc cần có những hỗ trợ cho du học điện ảnh. Những gương mặt xuất sắc cần được “tôi luyện” trong môi trường chuyên nghiệp, để xuất hiện nhanh chóng lứa thế hệ làm phim mới bắt kịp với thế giới. Tuy nhiên đến giờ, điều này lại phụ thuộc phần lớn vào sự tự túc của các cá nhân, chứ không phải sự hỗ trợ từ nhà nước. Tính về đường dài, đào tạo điện ảnh trong nước, trong đó phải bao gồm tất cả các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực làm phim, cần được xây dựng lại một cách hệ thống. “Nếu Việt Nam không nghĩ đến chuyện đó, thì mọi mục tiêu đều như đếm cua trong lỗ”, đạo diễn Phan Đăng Di thẳng thắn nói.
Khi nào xuất hiện “nhà hảo tâm” cho điện ảnh ?
Đạo diễn Lê Bảo Trung chia sẻ câu chuyện buồn của chính anh: “Mỗi lần làm phim là tôi phải đi cầm cố nhà”. Trước mắt, đạo diễn cũng chỉ dám làm những bộ phim thị trường để có tiền nuôi những dự án làm phim nghệ thuật còn ấp ủ. Thực tế là các hãng phim tư nhân thích đầu tư cho các bộ phim thị trường, đơn thuần giải trí, để dễ dàng thu hồi vốn, trong khi các nguồn kinh phí làm phim từ nhà nước luôn ưu ái cho các bộ phim dành để… kỷ niệm, rồi cất kho. Các bộ phim nghệ thuật, với những thể nghiệm mới trong ngôn ngữ thể hiện, có chiều sâu tư tưởng - những tác phẩm luôn được mắt xanh của ban giám khảo các liên hoan phim danh giá nhắm tới, lại đang bị coi như đứa con rơi.
Điện ảnh đang cần lắm những “đại gia” đầu tư cho điện ảnh, đồng thời nhà nước cần có những chính sách ưu tiên, khuyến khích, chẳng hạn như giảm thuế, hay ưu tiên trong các lĩnh vực hoạt động… “Muốn điện ảnh Việt Nam mạnh, có những tác phẩm xuất sắc mà không ai chịu đầu tư thì không thể làm được. Điện ảnh cũng như các lĩnh vực sáng tạo khác cần có sự góp sức của cả xã hội”, đạo diễn Phan Đăng Di nói.
Con đường đến tượng vàng
Trong khi những giải thưởng điện ảnh quốc tế lớn như Oscar thường hướng tới các vấn đề, thông điệp mang tính toàn cầu thì hội đồng tuyển chọn phim Việt Nam lại thích chọn những bộ phim có nội dung “khu biệt” đáp ứng tiêu chí “đậm đà bản sắc dân tộc” để gửi tham dự Oscar. Vậy nên mới có chuyện nhiều bộ phim với đề tài và cách thể hiện cũ kỹ nhưng do đáp ứng đủ tiêu chí lại được lựa chọn.
Không chỉ vậy, nhiều bộ phim Việt Nam được giải thưởng hay trình chiếu tại liên hoan phim quốc tế uy tín khi quay trở lại trình chiếu trong nước cũng lại không qua nổi cửa kiểm duyệt. Phan Đăng Di chia sẻ câu chuyện “ngược đời” của bộ phim đã đoạt giải thưởng tại Cannes - Bi, đừng sợ!. Bản phim đầy đủ của Bi, đừng sợ! thậm chí được lựa chọn trình chiếu cho học sinh tại Đức, nhưng khi trở về Việt Nam dù đã “gắn mác” cấm dưới 18 tuổi, nhưng vẫn bị cắt đi không ít cảnh bị cho là nóng, nhưng với đạo diễn đây lại là “ý đồ nghệ thuật”. Bộ phim Hot boy nổi loạn, câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) được lựa chọn trình chiếu tại LHP Busan. Khán giả được thưởng thức đầy đủ bản phim và đã khóc vì xúc động, nhưng đến khi trình chiếu tại các rạp trong nước cũng không thoát khỏi “lưỡi kéo” kiểm duyệt.
Bi, đừng sợ! được nhà sản xuất nước ngoài “đỡ đầu” vậy nên đã đến Cannes một cách nguyên vẹn, nhưng nếu phải thông qua cửa kiểm duyệt trong nước thì bộ phim với ngôn ngữ thể hiện mới mẻ, có phần bạo liệt như vậy có được thông qua?
Nên học tập Hàn Quốc Tôi nghĩ cần các nhà làm phim ra nước ngoài. Như bài học của nền điện ảnh Hàn Quốc. Họ bắt đầu chấn hưng từ cuối thập niên 1980 khi hàng trăm nhà làm phim được ra nước ngoài học tập. Ngoài đạo diễn, diễn viên, phải có nhà sản xuất giỏi, chính họ sẽ giúp chúng ta mang phim ra thế giới. Hiện nay, có một số công ty tư nhân làm công việc này còn ít quá. Đạo diễn Đào Bá Sơn “Nỗi khổ” của các nhà làm phim tâm huyết Hiện đa số phim VN là phim thị trường của các nhà sản xuất tư nhân. Vì tư nhân bỏ tiền ra thì họ buộc phải tính toán để thu lại vốn. Bản thân tôi muốn có 20 tỉ để làm phim nghệ thuật thì ai dám bỏ ra đưa cho tôi làm, vì thế tôi cũng không có điều kiện để làm những gì tôi muốn với bộ phim của riêng mình. Đạo diễn Charlie Nguyễn P.C.T (ghi) |
Minh Ngọc
>> Điện ảnh Việt mơ Oscar
>> Điện ảnh Việt vẫn chơi vơi
>> 69 phim tham dự Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế
>> “Mùa vàng” của điện ảnh Việt
>> Điện ảnh Việt Nam tìm lại phong độ
>> Điện ảnh Việt “đối thoại” với châu u
Bình luận (0)