Cuộc đua chiến đấu cơ thế hệ 5

31/07/2013 14:20 GMT+7

Cuộc chạy đua làm chủ bầu trời đang diễn ra sôi động với 'tay đua' tạm dẫn đầu là Mỹ, bám theo sát nút là Nga và Trung Quốc.

Reuters hôm qua dẫn nguồn thạo tin cho hay Lầu Năm Góc và Tập đoàn Lockheed Martin đã đạt thỏa thuận về thương vụ bổ sung thêm 71 chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35, trong đó 60 chiếc sẽ được trang bị cho quân đội Mỹ còn 11 chiếc sẽ bán lại cho Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc và Ý. Máy bay F-35 được xem là chương trình vũ khí lớn nhất của Mỹ hiện nay với tổng chi phí phát triển và mua sắm lên tới 392 tỉ USD. Ngoài ra, nước này cũng đang sở hữu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-22 đã sẵn sàng tác chiến.

 Quá trình sản xuất F-35 đang diễn ra khá thuận lợi - d
Quá trình sản xuất F-35 đang diễn ra khá thuận lợi - Ảnh: U.S. Air Force

Dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đầu tiên là F-22 được trình làng vào năm 2005, theo tờ The Los Angeles Times và hiện nay đã có hơn 170 chiếc phục vụ trong không quân Mỹ. Trong khi đó, dòng F-35 vẫn trong giai đoạn phát triển, và dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2016. F-35 tương tự như F-22, nhưng được trang bị nhiều kỹ thuật khoa học điện tử phức tạp hơn, khả năng tàng hình vượt trội và tốc độ cao hơn (ở mức gấp 1,8 lần tốc độ âm thanh).

Lockheed Martin đang chế tạo 3 mẫu F-35 cho Mỹ và 8 đối tác nước ngoài, gồm Anh, Úc, Canada, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Đan Mạch và Hà Lan. Israel và Nhật Bản cũng đặt hàng dòng chiến đấu cơ này, theo Reuters.

Câu trả lời của Nga

Trong khi đó, quân đội Nga đang chuẩn bị chào đón lô Sukhoi T-50 đầu tiên vào cuối năm nay. Đây được xem là dòng máy bay thay thế MiG-29 và Sukhoi-27, đồng thời là đối trọng với F-22. Tại sự kiện Triển lãm Hàng không Paris hồi tháng 6, phía Nga cho hay giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình phát triển động cơ đã hoàn tất và các máy bay đầu tiên đang tham gia hoạt động thử nghiệm. Trang tin Russia & India Report dẫn lời các nhà thiết kế cho hay T-50 được trang bị nhiều khả năng tân tiến. Đầu tiên là khả năng tàng hình plasma tối tân với độ phản xạ radar, quang học và hồng ngoại đều cực thấp. Một thế mạnh khác là T-50 có thể cất cánh và đáp trên đường băng cực ngắn, chỉ từ 300 - 400 m, đồng thời có thể mang theo đến 8 tên lửa không đối không R-77 hoặc 2 quả bom nặng tối đa 1.500 kg.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một chuyến thị sát Sukhoi T-50 - d
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một chuyến thị sát Sukhoi T-50 - Ảnh: Reuters

Theo giới chuyên gia quân sự, T-50 sẽ là một trong những thế hệ vũ khí hiện đại nhất của quân đội Nga. Đầu năm ngoái, RIA-Novosti dẫn lời Tư lệnh không quân nước này khi đó là ông Alexandr Zelin khẳng định máy bay này vượt trội hơn F-22 lẫn máy bay J-20 của Trung Quốc về tốc độ tối đa, tầm bay tối đa, sức đẩy/trọng lượng và khối lượng tải thực tế tối đa. Giá bán của T-50 cũng được cho là thấp hơn F-22. Tuy nhiên, chiến đấu cơ này có một điểm yếu là hệ thống phản lực không có nhiều cải tiến so với các thế hệ trước.

Trung Quốc mập mờ

Đến tháng 1.2010, đột nhiên danh sách những nước chế tạo máy bay tàng hình thế hệ 5 có thêm tên Trung Quốc khi chiếc J-20 “bất ngờ” được cho thử nghiệm cùng lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert Gates đang thăm Bắc Kinh. Từ đó đến nay, không có nhiều thông tin chính thức nên hầu hết dữ liệu về J-20 đều thuộc dạng đồn đoán. Dựa trên hình ảnh, các đoạn băng và một vài chi tiết được giới truyền thông trong nước đăng tải, có vẻ như đây là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 được trang bị các kỹ thuật điện tử hiện đại. Theo trang tin Migflug, hình dáng của khung máy bay được đánh giá là khá hơn T-50 hoặc F-35 nhưng vật liệu và công nghệ vẫn là điều bí ẩn. Mới đây, Trung Quốc lại “lộ hàng” tiếp một chiếc mới được gọi là J-31 nhưng một lần nữa thông tin rất ít ỏi. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng các máy bay này chưa đạt được thiết kế và tốc độ của chiến đấu cơ đa nhiệm thế hệ 5 mà chỉ mới hơn thế hệ 4 một chút.

Hồi tháng 5, Reuters còn dẫn lời Tư lệnh không quân Úc Geoff Brown thẳng thừng tuyên bố các máy bay của Trung Quốc tụt hậu so với F-35 “từ 10 -12 năm”.

'Chim ưng biển' Osprey đến Nhật Bản

Theo Kyodo News, đã có thêm 12 máy bay vận tải quân sự MV-22 Osprey được chuyển đến căn cứ Iwakuni của Mỹ tại Nhật Bản trước khi triển khai chính thức tại căn cứ không quân Futenma ở Okinawa.

Đây là máy bay cánh xoay thế hệ thứ 2, có khả năng cất cánh và đáp như trực thăng, tốc độ tối đa 509 km/giờ khi bay trên biển, tầm hoạt động 1.627 km, tầm tác chiến 722 km. Ngoài phi hành đoàn 4 người, máy bay có thể chuyên chở từ 24 - 32 binh sĩ. Dù được thiết kế nhằm mục đích vận tải đa năng nhưng MV-22 Osprey cũng được trang bị một súng máy M240 7,62 mm hoặc M2 Browning 12,7 mm và súng nòng xoay GAU-17. Với đợt triển khai mới, Mỹ nâng số MV-22 Osprey tại Nhật lên tổng cộng 24 chiếc và khẳng định chúng có vai trò “cực kỳ quan trọng” trong chiến lược của nước này tại khu vực trong bối cảnh tình hình an ninh ở đây đang có nhiều biến chuyển.

Thụy Miên

>> Chiến đấu cơ Mỹ ném bom xuống công viên hải dương của Úc
>> Chiến đấu cơ Hàn, Nhật bám đuổi máy bay Nga
>> Chiến đấu cơ giữ "chủ lực" trong xuất khẩu vũ khí Nga
>> Nhật điều chiến đấu cơ theo dõi máy bay ném bom Nga
>> Chiến đấu cơ Israel rơi ở Địa Trung Hải
>> Mỹ không điều chiến đấu cơ chặn Snowden
>> Mắt thần" mới cho chiến đấu cơ
>> Chiến đấu cơ F-35 lần đầu bắn thử tên lửa
>> Hàn Quốc sắp đấu thầu 60 chiến đấu cơ
>> Chiến đấu cơ Mỹ đâm xuống biển
>> Một chiến đấu cơ F-15 của Mỹ rơi gần Okinawa
>> Anh điều chiến đấu cơ áp tải máy bay Pakistan vì bị dọa đánh bom
>> Chiến đấu cơ Đài Loan lại rơi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.