Ngăn chặn bún độc

30/07/2013 02:16 GMT+7

Hôm qua hàng loạt các cơ sở sản xuất bún tươi , bánh canh... trên địa bàn TP.HCM đã ký cam kết không dùng hóa chất, phụ gia độc hại trong sản xuất. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì người tiêu dùng cũng chưa thể yên tâm.

Trước tình trạng nhiều cơ sở sử dụng hóa chất độc hại sản xuất bún, chiều qua 29.7, Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Sở Công thương tổ chức hội nghị triển khai các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với ngành nghề sản xuất kinh doanh bún và bánh tươi. Hội nghị có sự tham dự của đại diện chính quyền cấp quận huyện, các ban ngành đoàn thể và nhiều doanh nghiệp…

 

Tất cả các loại chất huỳnh quang tăng sáng là dùng trong công nghiệp, không thể dùng trong thực phẩm. Chỉ có các cơ sở sản xuất trong nước mới sử dụng sản xuất các sản phẩm từ bột tươi chứ nước ngoài không ai sử dụng

GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM

Tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhìn nhận thời gian gần đây một số cơ sở sản xuất bún, bánh canh, bánh ướt lạm dụng hóa chất đã bị phát hiện. “Tinopal là hóa chất độc hại dùng trong sản xuất giấy và vải, không được phép sử dụng trong thực phẩm. Còn a xít oxalic dùng trong công nghiệp chế biến gỗ, lạm dụng chất này có thể gây tử vong. Do vậy, việc sử dụng để sản xuất bún, bánh là không thể chấp nhận, gây hại cho sức khỏe người sử dụng”, ông Bỉnh nói.

GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM, phân tích thêm: “Tinopal không phải là chất tẩy trắng, mà là qua huỳnh quang nó làm tăng sáng quang học. Tinopal được rao bán nhiều trên mạng, nó được sử dụng chủ yếu trong ngành công nghiệp sản xuất bột giấy, bột giặt. Tất cả các loại chất huỳnh quang tăng sáng là dùng trong công nghiệp, không thể dùng trong thực phẩm. Chỉ có các cơ sở sản xuất trong nước mới sử dụng sản xuất các sản phẩm từ bột tươi (bún, bánh canh, bánh ướt...) chứ nước ngoài không ai sử dụng”. Theo ông, chất tinopal bám rất chặt vào sản phẩm và rất khó phát hiện. Còn a xít oxalic (được phát hiện giữ cho bún lâu bị ôi thiu) khi vào cơ thể người sẽ “bắt” hết can xi của cơ thể, tạo kết tủa và ứ đọng lại ở thận (gây sạn thận), đọng lại trong đầu gối, xương, vì thế tuyệt đối không được dùng a xít oxalic trong thực phẩm.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất sản phẩm từ bột tươi phải đảm bảo ATVSTP; yêu cầu Chi cục ATVSTP tham mưu cho Sở lấy mẫu kiểm nghiệm; mở rộng kiểm tra các chất phụ gia không an toàn; đề nghị Sở Công thương tăng cường kiểm tra những mặt hàng do Sở này quản lý, kịp thời thông tin những sản phẩm không an toàn cho người tiêu dùng biết.

Ngăn chặn bún độc
Cần quản lý chặt các cơ sở sản xuất bún - Ảnh: Công Nguyên

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, bún tươi là mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Công thương. Hiện TP có 201 cơ sở sản xuất bún, sản phẩm từ bột tươi. “Thời gian qua Sở cũng đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, lập biên bản xử phạt 17 cơ sở với hơn 235 triệu đồng. Gần đây Sở có lấy 33 mẫu bún tươi, bánh kiểm tra, bước đầu có 19 mẫu âm tính hóa chất tinopal, còn lại đang chờ kết quả. Sở Công thương đã lập kế hoạch quản lý, thanh kiểm tra trình Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP TP. Chúng tôi sẽ công bố với cơ quan truyền thông các cơ sở sản xuất có sử dụng phụ gia độc hại”, bà Đào nói.

Tuy nhiên, trước thực trạng một số cơ sở sử dụng hóa chất độc hại sản xuất bún đã làm ảnh hưởng chung đến lượng bún bán ra trong những ngày gần đây. Một doanh nghiệp cung cấp mỗi ngày khoảng 4 tấn bún tươi cho một số siêu thị ở TP.HCM, cho biết giảm 20% lượng bún bán ra/ngày. Một chủ lò bún dạng vừa ở H.Củ Chi, với lượng bún bán ra thường ngày 700 kg, cũng cho biết giảm khoảng 30%.  

Tránh xa bún trắng sáng...

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP, cho rằng nếu các cơ sở tuân thủ đúng quy trình sản xuất, vo gạo sạch... thì không cần sử dụng hóa chất phụ gia vẫn cho ra bún ngon bình thường. “Thông thường bún chỉ sử dụng trong ngày, nhưng trong thực tế có bún để 2 - 3 ngày mà không hư là do dùng chất natri benzoat”, bà Mai nói.

Ông Kiều Văn Lủi, chủ một cơ sở làm bún ở H.Củ Chi, cũng chia sẻ bí quyết “không cần sử dụng hóa chất gì hết” cũng cho ra sợi bún ngon và dai, nhưng bún chỉ sử dụng trong ngày. Theo ông Lủi, bún không có hóa chất trong quá trình sản xuất thì hạt gạo thế nào sẽ cho ra sợi bún màu tương tự vậy, thường thì bún có màu ngà ngà chứ không trắng sáng và bóng óng ánh như bún có hóa chất - đó cũng là cách để người tiêu dùng biết mà chọn bún sạch.

 

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.