Ông Mấu Xuân Điệp chơi đàn chapi - Ảnh: Nguyễn Chung |
Lên núi nghe đàn
Một chiều đầu tháng 7, trời vùng cao mưa như trút nước. Chúng tôi tìm đến nhà ông Mấu Xuân Điệp. Vừa đến trước cổng, đã nghe tiếng chapi lúc trầm lúc bổng. Ông Điệp ngồi ở thềm nhà, áo sơ mi ngắn tay, quần kaki xám, mái tóc bạc trắng, nụ cười huyền bí trên môi, trong mắt... Chơi xong điệu đàn, ông hỏi khách lạ: “Nghe hay không ?”. Rồi nói luôn: “Hay quá đi chứ. Tôi sống đến nay là nhờ có chapi đấy. Buồn, vui gì cũng có chapi làm bạn. Nếu phải xa chapi thì tôi không còn là tôi nữa”. Lời chào của ông Điệp khiến chúng tôi bất ngờ. Ông lý giải, những người lạ tìm ông có mục đích nào khác ngoài xem ông làm đàn, chơi đàn chapi đâu!
Ông Điệp mê chapi, rồi học làm đàn, chơi đàn từ tuổi niên thiếu. Ông cho biết, làm đàn hay chơi đàn chapi đều không dễ. Để làm được một cây chapi có âm thanh hay thì phải lên núi cao chọn cây tre vừa tròn một năm tuổi, về phơi trong vòng một tháng sau đó mới làm. Người không có kinh nghiệm làm đàn sẽ bị nứt đàn, đứt dây. Còn chơi đàn cũng cần có thời gian. Học để biết thì mất khoảng chục ngày, nhưng để chơi được trọn vẹn các điệu nhạc của dân tộc Raglai thì có khi cả đời không thuộc.
Đến nay, ông Mấu Xuân Điệp có thể chơi được đủ 6 điệu đàn chapi là: điệu bỏ mả, điệu đám cưới, điệu ngày mùa, điệu hát giao duyên, điệu mừng lúa mới, điệu hát về chim cu gáy.
Vang vọng từ thẳm sâu đáy lòng
Hiện nay, rất ít người Raglai ở Khánh Hòa biết làm và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống. Điều này khiến những người có tâm nguyện gìn giữ, bảo tồn bản sắc của dân tộc mình không khỏi trăn trở.
Ông Điệp cho biết, xưa kia đàn chapi là một món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Raglai. Người dân dù nghèo nhưng ai cũng có đàn chapi. Nhớ nhất những đêm khuya thanh vắng, tiếng chapi cứ vang lên khắp núi rừng. Con trai con gái tụm năm tụm ba hay từng đôi, ngồi trên thềm nhà, ngoài đường hay trong vườn chơi đàn, nghe đàn. Tiếng đàn ngân nga trên vòm trời cao thăm thẳm, vọng xa lắm… “Bây giờ tiếng chapi ở các buôn làng cứ thưa dần. Cách đây mấy năm, ở đây còn có 1-2 người chơi được vài điệu ngắn, giờ họ lo kiếm tiền nên quên luôn rồi. Con cháu cũng không còn muốn đụng đến chapi mà chỉ thích nhạc xập xình thôi. Cứ thế này sẽ không còn ai chơi chapi nữa”, ông nói.
Ông Mấu Quốc Tiến - cán bộ Trung tâm văn hóa H.Khánh Sơn - là người có nhiều công sức trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc Raglai, nói: “Thấy lớp trẻ hôm nay hững hờ trước những nét văn hóa truyền thống của cha ông, mình xót xa quá. Nhưng muốn giữ gìn, bảo tồn thì cần có kế hoạch để truyền dạy cho thế hệ trẻ, cái này phải có kinh phí nên cũng khó lắm. Nếu không được gìn giữ, lưu truyền thì sau này nhạc cụ truyền thống của dân tộc Raglai chỉ còn nhìn thấy trong các phòng trưng bày”.
Nguyễn Chung
Bình luận (0)