(TNO) Lãi suất đưa ra cao chót vót, hợp đồng cho vay rối rắm, khó hiểu, tư vấn cho vay thường qua điện thoại còn người đi vay lại không đọc kỹ hợp đồng nên ngày càng có nhiều “nạn nhân” do đã lỡ bút ký vào hợp đồng vay tiêu dùng.
Bút sa gà chết
Mới đây, do cần tiền chi tiêu, bà Trần Thị Bích Xuyên, nhà ở Q.Tân Bình (TP.HCM) làm thủ tục vay hơn 16 triệu đồng của một công ty cho vay tài chính.
Tuy nhiên, sau khi đã kí hợp đồng, bà Xuyên mới tá hỏa số tiền gốc và lãi phải trả quá cao. Số tiền vay 16 triệu đồng nhưng sau 18 tháng, bà Xuyên phải trả cả gốc lẫn lãi hơn 27 triệu đồng.
|
“Khi tư vấn vay, họ không nói rõ mức 6% là lãi suất tháng hay năm. Tới một tuần sau, đọc kỹ hợp đồng, tôi mới hiểu đó là lãi suất tháng. Mức lãi suất 6%/tháng là quá cao. Tôi không đồng ý đòi hủy hợp đồng, thậm chí đóng phạt trước thời hạn tổng số tiền 17-20 triệu đồng nhưng họ không đồng ý. Họ bảo cứ theo hợp đồng mà làm”, bà Xuyên bức xúc.
Cuối năm 2011, ông D., nhà ở Q.12 (TP.HCM) có nhu cầu mua chiếc xe máy tại một cửa hàng trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp (TP.HCM).
Do không đủ tiền nên không D. làm hợp đồng vay tiền trả góp của một công ty chuyên cho vay tiêu dùng khá nổi tiếng ở TP.HCM. Số tiền ông D. vay hơn 28 triệu đồng trong vòng 24 tháng, với lãi suất thỏa thuận 5,41%/tháng.
Ban đầu do cần tiền gấp nên khi ký, ông D. không mấy quan tâm đến các điều khoản trong hợp đồng lắm. Tuy nhiên, trong quá trình vay, do chậm trả góp, ông D. bị phạt chậm. Không đồng ý, ông D. làm đơn khiếu nại gửi Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM.
Trong quá trình khiếu nại, ông D. mới "ngộ" ra số tiền cả gốc lẫn lãi mà mình phải đóng cho công ty cho vay quá nhiều. Với số tiền vay 28 triệu đồng, sau 24 tháng, ông D. phải đóng cả gốc lẫn lãi hơn 60 triệu đồng.
“Chưa kể có một lần tôi chậm đóng trả góp thì bị nhân viên của công ty gọi điện bất kể giờ giấc hăm dọa phạt này kia. Họ gọi lúc 9 giờ tối, lúc 5 giờ sáng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi”, ông D. cho hay.
Đọc kỹ hợp đồng trước khi ký
Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, thời gian gần đây hội nhận khá nhiều đơn khiếu nại của người tiêu dùng đối với các công ty cho vay tiêu dùng.
Đa phần đơn khiếu nại tập trung vào vào vấn đề lãi suất mà công ty cho vay tiêu dùng đưa ra quá cao, thậm chí gấp nhiều lần lãi suất của ngân hàng. Ngoài ra, một lưu ý của người đi khiếu nại là các điều khoản mà công ty cho vay tiêu dùng đưa ra thường khiến người đi vay hiểu sai.
Đại diện Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho hay đa phần các vụ khiếu nại vay tiêu dùng thuộc về những người có thu nhập thấp, cần một khoản tiền trong một thời gian ngắn và điều quan trọng là những người khiếu nại không đọc kỹ thỏa thuận khi ký hợp đồng.
“Người vay không đọc kỹ còn nhân viên phía cho vay lại không tư vấn kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Cho nên có trường hợp người vay dù phải trả góp rất nhiều nhưng không hề biết. Đến khi đi khiếu nại được giải thích họ mới tá hỏa vì không ngờ mình phải đóng nhiều tiền đến thế”, vị đại diện này nói.
Bà Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cũng cho biết thường phản ánh của người khiếu nại là họ không hiểu lắm về hợp đồng của khách hàng, trong khi đó công ty cho vay không giải thích kỹ nên người vay cứ ký bừa, đến khi đọc kỹ mới tá hỏa.
Bà Thu khuyên: “Các điều khoản hợp đồng cho vay tiêu dùng rất rối rắm dễ khiến khách hàng lạc vào ma trận. Dù gì cũng nên đọc kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký”.
Trung Hiếu
>> Mở rộng đối tượng vay tín dụng đào tạo
>> Mở rộng đối tượng được ưu tiên vay tín dụng
>> Cân nhắc khi vay tiêu dùng từ công ty tài chính
>> Lãi suất vay tiêu dùng tại TienPhong Bank chỉ từ 0%
>> Ì ạch cho vay tiêu dùng
>> Tăng lãi suất cho vay tiêu dùng
>> Lãi vay tiêu dùng vẫn ngất ngưởng
Bình luận (0)