>> Lạc hậu trong quản lý internet
>> Sử dụng internet phải khai tên thật
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Lê Nam Thắng tại cuộc họp báo về Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng được tổ chức chiều nay (31.7) tại Hà Nội.
Nghị định 72 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 15.7.2013, thay thế cho “người tiền nhiệm” là Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.
Theo Bộ TT-TT, Nghị định 72 được ban hành nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển internet tại Việt Nam.
Các quy định được bổ sung, hoàn thiện tại nghị định này theo hướng thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nghị định hướng tới tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng, cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý internet. Nghị định 72 có hiệu lực thi hành kể từ 1.9.2013.
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT các quy định về quản lý dịch vụ xuyên biên giới sẽ được
xây dựng trên cơ sở đảm bảo pháp luật Việt Nam, thông lệ và các điều ước
quốc tế mà Việt Nam tham gia - Ảnh: Trường Sơn
Lần đầu tiên việc quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới được đưa vào Nghị định 72.
Điều 22 của nghị định này quy định, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng với điều khoản này, việc quản lý các nhà cung cấp dịch vụ có số lượng người dùng lớn ở Việt Nam như Google, Facebook... sẽ chặt chẽ.
Trước đó, các doanh nghiệp internet của Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng về sự cạnh tranh “không công bằng” khi các doanh nghiệp nước ngoài có doanh thu lớn từ thị trường Việt Nam nhưng không phải nộp thuế cũng như chịu bất cứ hình thức quản lý nào.
Theo ông Lê Nam Thắng, điều khoản này trong Nghị định 72 mới chỉ đề ra nguyên tắc chung nhất. Trên cơ sở nguyên tắc đó, Chính phủ đã giao Bộ TT-TT tiếp tục ban hành các hướng dẫn cụ thể liên quan.
Thứ trưởng Bộ TT-TT cũng cho biết hiện bộ này đang xây dựng thông tư hướng dẫn. Ngoài việc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, thông tư cũng sẽ quy định việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
“Việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không chỉ liên quan đến các cá nhân tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam mà liên quan đến các tổ chức cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam vì vậy chúng tôi sẽ phải tham chiếu các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ học tập kinh nghiệm của các nước khác cũng như thông lệ quốc tế trong vấn đề quản lý dịch vụ xuyên biên giới”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết.
Đại diện Bộ TT-TT cũng cho biết hiện đã có dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định, tuy nhiên vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến các bên liên quan. Sau khi hoàn chỉnh, dự thảo sẽ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và trên một số kênh thông tin khác để lấy ý kiến đóng góp của người dân.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), do quy trình qua nhiều khâu nên hiện tại chưa xác định được thời điểm cụ thể cho việc ban hành thông tư này.
Trường Sơn
Bình luận (0)