Trường học nặng về kiến thức văn hóa chứ chưa giáo dục được về nhân cách cho học sinh

31/07/2013 13:38 GMT+7

(TNO) Nhân bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia lĩnh vực giáo dục cho rằng, lâu nay chúng ta mới chỉ tập trung đào tạo kiến thức cho học sinh mà chưa chú trọng đến giáo dục nhân cách ngay từ bậc tiểu học, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.

(TNO) Nhân bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia lĩnh vực giáo dục cho rằng, lâu nay chúng ta mới chỉ tập trung đào tạo kiến thức cho học sinh mà chưa chú trọng đến giáo dục nhân cách ngay từ bậc tiểu học, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.

>> Cảnh báo về giáo dục nhân cách

Sáng nay 31.7, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị nêu lên ý kiến và kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước, MTTQVN về “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay”.

Chỉ tập trung góp ý về chương trình bậc phổ thông (PT), GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, nhận xét: Chương trình hiện hành của chúng ta có hai phương hướng lệch lạc. Một là quá chú trọng phần kiến thức văn hóa nói chung, hai là các môn học “làm người” không được chú trọng.

“Những quy tắc đơn giản trong giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng, thái độ đối với môi trường, thiên nhiên, những điều ác cần tránh, những điều thiện nên làm, những phẩm chất cần rèn luyện như tính trung thực, lòng vị tha, tôn trọng pháp luật… đều không được dạy dỗ một cách hệ thống và bài bản trong trường học của chúng ta hiện nay”, GS Cương nhìn nhận.

Ông đề nghị cần có một sự đổi mới rất căn bản về nội dung chương trình theo xu hướng giảm tải kiến thức nhưng tăng cường giáo dục kỹ năng sống.

 
GS Văn Như Cương (đứng): "Giảm tải kiến thức nhưng tăng cường giáo dục
kỹ năng sống" - Ảnh: Nguyệt Minh

Phát biểu sau đó, GS Hoàng Xuân Sính, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN, cũng nhận xét tương tự: Trong 12 năm từ tiểu học đến hết THPT, giáo dục của mình chỉ làm được việc trang bị kiến thức cho học sinh, còn những đức tính con người thì chưa làm được gì. Đó là một lãng phí lớn.

Vị Chủ tịch HĐQT trường Dân lập Thăng Long cũng nhấn mạnh có hai đức tính cần thiết cho mỗi con người và cộng đồng, đó là chăm chỉ và tiết kiệm, thì giáo dục “chưa để lại dấu ấn này”.

“Tính không tiết kiệm của sinh viên cũng làm chúng tôi khốn đốn. Có chuyện dùng nước xong không khóa vòi, đi vệ sinh xong không xả nước làm chúng tôi phải tung người đi tuần ở các nhà vệ sinh mà không giải quyết được vấn đề. Cuối cùng, phải thay một loạt thiết bị ở nhà vệ sinh, cái gì cũng tự động hết. Và nhà trường đầu tư không ít tiền vào đấy để giữ cho môi trường sạch đẹp. Đây chỉ là một chuyện, còn nhiều chuyện tốn tiền nữa làm cho ngân sách chi tiêu thường xuyên tăng vọt”, bà Sính đơn cử.

Cũng bàn đến vấn đề giáo dục nhân cách, phẩm chất đạo đức cho học sinh, song GS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lại nhìn từ góc độ trách nhiệm của giáo viên.

Theo bà Đan, giáo viên hiện nay lẽ ra thông qua dạy chữ để dạy người thì chỉ dạy kiến thức văn hóa chứ không giáo dục được về nhân cách cho học sinh. Muốn giáo dục nhân cách cho học sinh thì bản thân giáo viên cũng phải am hiểu về lĩnh vực tâm lý học, đồng thời, phải đổi mới phương pháp dạy học.

"Giáo dục phổ thông phải là giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách, nếu chỉ có một số kiến thức văn hóa không thì không đạt. Chỉ có đổi mới phương pháp thì mới phát triển nhân cách của lớp trẻ”, bà Đan nhấn mạnh.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.