Nhiều ý kiến của người dân ở Bình Dương phản ánh đến kỳ họp thứ 8-HĐND tỉnh khoá VIII ở phiên trả lời kiến nghị cử tri và chất vấn của đại biểu vào hôm qua 31.7.
“Vướng” đất của cán bộ, đảng viên
Nhiều cử tri bức xúc và lo lắng về tình trạng các công trình giao thông thi công chậm dẫn đến thường xuyên xảy ra tai nạn do thi công không đảm bảo tiến độ và quy trình giao thông. Người dân khu phố 6, phường Định Hòa (TP. Thủ Dầu Một) phản ánh trên tuyến đường ĐT741 (từ Bình Dương đi Bình Phước-PV) còn ít nhất 2 đoạn chưa thi công xong, gây cản trở và xảy ra tai nạn giao thông nhiều. Bên cạnh đó, tuyến đường ĐT744 (từ Thủ Dầu Một đi huyện Dầu Tiếng, Bình Dương-PV) cũng thi công chưa xong, gây cản trở giao thông.
Vấn đề này, lãnh đạo Sở GTVT Bình Dương cho biết dự án nâng cấp đường ĐT741 giao cho công ty TNHH VRG đầu tư theo hình thức BOT. Trong quá trình triển khai dự án, một số hộ dân thuộc khu vực phường Định Hòa (TP. Thủ Dầu Một) và xã Tân Định (huyện Bến Cát) chưa đồng tình với chính sách đền bù, giải tỏa của nhà nước. Mặt khác, các cơ quan hữu quan đã vận dụng nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, nhưng đến nay các hộ dân này vẫn chưa bàn giao giải phóng mặt bằng để thi công công trình. Tại cuộc họp của Tỉnh ủy Bình Dương mới đây, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết hiện trên 2 tuyến đường ĐT744 và ĐT741 còn “vướng” nhiều diện tích đất của cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu chấp hành giải phóng mặt bằng để làm đường.
|
Phân biệt đối xử trong giáo dục?
Theo phản ánh của cử tri, số học sinh ở Bình Dương hàng năm đều tăng và UBND tỉnh cũng đã bố trí nguồn ngân sách đáng kể cho ngành giáo dục nhưng tình trạng quá tải, thiếu trường lớp mỗi năm không giảm mà còn tiếp tục tăng. Mặt khác, có hàng ngàn con em của người lao động nhập cư sinh sống trong các khu nhà trọ không có điều kiện đến trường. Một đại biểu đặt câu hỏi: “Phải chăng trong công tác điều hành của ngành giáo dục có sự phân biệt, đối xử giữa con em địa phương với con em người lao động nhập cư hay không? Tình trạng này đến bao giờ chấm dứt?”. Đăng đàn trả lời tại kỳ họp, lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Dương khẳng định không có chuyện phân biệt đối xử với học sinh theo cha mẹ đến cư trú và làm việc tại Bình Dương. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế của phóng viên cho thấy nhiều trường tiểu học trên địa bàn Bình Dương ưu tiên nhận những học sinh ở địa phương (có hộ khẩu thường trú) sau đó mới đến học sinh diện tạm trú và không có tạm trú ở địa phương (xã, phường).
Để khắc khó khăn, áp lực về số lượng học sinh các cấp học tăng nhanh, lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Dương cho biết ở những huyện, thị có số học sinh tăng nhanh như: thị xã Thuận An, Dĩ An, TP. Thủ Dầu Một… Ngành đã tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách xây dựng các trường theo kế hoạch trường đạt chuẩn quốc gia và dạy 2 buổi/ngày. Mặt khác, ở một số địa phương phải giảm một số lớp học bán trú đối với cấp tiểu học đồng thời cho phép tăng sĩ số học sinh trong một lớp.
Nhiều đơn vị sử dụng lao động trẻ em Tại kỳ họp, lãnh đạo Sở LĐTB-XH Bình Dương cho biết toàn tỉnh hiện có 402 trẻ em phải lao động sớm, lao động nặng nhọc. Trong đó, huyện Tân Uyên có 113 em; thị xã Dĩ An có 85 em, thị xã Thuận An có 78 em… Trẻ em chủ yếu làm những công việc bán vé số, phụ bán quán, lượm mủ cao su và phụ cha mẹ làm trong các lò gạch tư nhân, xưởng hạt điều. Trong năm 2013, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều lò gạch tư nhân ở huyện Bến Cát, Tân Uyên sử dụng lao động trẻ em và đã xử lý tình trạng này. |
Đỗ Trường
Bình luận (0)