Hà Nội sau 5 năm mở rộng

01/08/2013 11:00 GMT+7

Ngày 31.7, TP.Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008 Quốc hội khóa 12 về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thủ đô.

 Hà Nội sau 5 năm mở rộng 1
Tình trạng ùn tắc vẫn còn nghiêm trọng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến dự.

 Hà Nội sau 5 năm mở rộng 2
Đường trên cao góp phần làm thay đổi bộ mặt thủ đô - Ảnh: Ngọc Thắng

50.000 tỉ đồng cho tam nông

 

Quốc hội cần giám sát việc thực thi mở rộng địa giới Hà Nội

Khi sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, tỷ lệ khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tăng lên rất nhiều... Bên cạnh đó, rất nhiều chương trình, chủ trương đề ra như di chuyển trường học, bệnh viện nhà máy ra khỏi nội đô cũng gần như chưa thực hiện được bao nhiêu. Những vấn đề ùn tắc giao thông, vệ sinh môi trường, khoảng cách giữa đô thị nông thôn, thủ tục hành chính còn nhiều điểm nghẽn... cũng chính là những thách thức đặt ra cho chính quyền Hà Nội trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính. Tôi cũng đề nghị Quốc hội có giám sát thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội để xem đạt được chỗ nào, chưa đạt được chỗ nào.

Ông Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)

Bảo Cầm (ghi)

Trong bài phát biểu, ông Phạm Quang Nghị đã điểm lại những dấu mốc lịch sử, những khó khăn và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong những ngày đầu hợp nhất. Thành tựu của thủ đô được thể hiện qua các kết quả: tổng sản phẩm trên địa bàn chiếm 10% của cả nước; tốc độ phát triển bình quân giai đoạn 2008 - 2012 đạt 9,51% cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 6,9 tỉ USD năm 2008 đã tăng lên 10,3 tỉ USD năm 2012, mức tăng bình quân là 15,2%. Thu ngân sách từ 57.000 tỉ đồng năm 2007, đến năm 2012 đã đạt trên 146.000 tỉ đồng, tăng 2,5 lần trước khi hợp nhất với mức tăng bình quân 19,2% và chiếm trên 20% tổng thu của cả nước. Trên các lĩnh vực khác như văn hóa xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Thủ đô tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm kinh tế lớn của cả nước...

Ông Phạm Quang Nghị cũng cho biết trong 5 năm qua thành phố đã đầu tư vốn ngân sách hơn 50.000 tỉ đồng cho “tam nông”. "Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng là một trong những thành tựu nổi bật của Hà Nội sau 5 năm hợp nhất", ông Nghị nói. “Đến nay có 236/401 xã đạt từ 10 - 19 tiêu chí, trong đó có 16 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2012 đạt 21,36 triệu đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2008...”, ông Nghị cho biết.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Tuy nhiên, người đứng đầu thủ đô cũng nhận xét: "Chúng ta chưa phát huy hết các nguồn lực hiện có". Theo đó, thu hút đầu tư nước ngoài, huy động vốn trong nước chưa xứng với tiềm năng, lợi thế thủ đô. Nhiều dự án triển khai chậm, gây lãng phí thất thoát. Thành phố chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao. Việc dễ dãi chấp thuận một số dự án xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê dẫn tới tình trạng đầu tư bất động sản phát triển nóng, cung vượt quá cầu, thị trường bất động sản đóng băng... Ngoài ra, Hà Nội cũng còn một số tồn tại khác như lĩnh vực xây dựng, quản lý quy hoạch bộc lộ không ít hạn chế khuyết điểm, nhà xây siêu mỏng, siêu méo, xây cao bất thường, có tình trạng bao che vi phạm dẫn đến việc sửa chữa khắc phục hậu quả hết sức khó khăn tốn kém... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu Hà Nội cần phấn đấu tốt hơn, phát huy là trung tâm kinh tế, động lực kinh tế vùng và của cả nước.

Cần thêm nhiều đổi thay đáng kể

Tôi thực sự chưa thấy có đổi thay đáng kể sau 5 năm mở rộng thủ đô. Chỉ thấy những khó khăn đặt ra khi mới đặt vấn đề hợp nhất Hà Nội, Hà Tây và một số địa phương khác để thành một thủ đô mới, thì vẫn chưa giải quyết được rốt ráo. Các công trình văn hóa mà trong báo cáo của thành phố nhắc tới như là thành tựu của việc hợp nhất, như: Bảo tàng Hà Nội, đường Vành đai 3 trên cao, Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam... thì tất cả những công trình đó là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và kể cả không mở rộng thì Hà Nội vẫn phải làm. Hiếm có một thủ đô nào trên thế giới lại có vùng sâu vùng xa như ở Hà Nội. Nhìn nhận 5 năm vừa ngắn để tạo ra được những phong cách mới trong nếp sống nhưng cũng vừa đủ dài để nhìn nhận xem sự phát triển về kinh tế, xã hội đã đạt được những thành tựu gì.

GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)

Tuệ Nguyễn (ghi)

 

 

Trường học không tăng cùng dân số

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội sau 5 năm hợp nhất, địa bàn quản lý được mở rộng trên diện tích tăng thêm 3,6 lần với 2.302 trường, trên 1,3 triệu học sinh và đa dạng vùng miền (có cả địa bàn miền núi và học sinh nói tiếng dân tộc). Chất lượng giáo dục giữa các vùng miền vẫn còn khoảng cách khá xa. Cơ sở vật chất nhiều trường thuộc địa bàn Hà Tây (cũ), H.Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của H.Lương Sơn (Hòa Bình) còn thiếu thốn, thiếu phòng học, còn nhiều phòng học tạm, phòng học cấp 4; hệ thống nhà vệ sinh trường học, chiếu sáng học đường chưa được đầu tư.

 Hà Nội sau 5 năm mở rộng 3
Chen nhau nộp hồ sơ vào một trường tiểu học ở Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Ngân sách cho giáo dục tăng từ 1,5 - 2 lần

Trước đây, Hà Nội có tới 4 mức thu học phí khác nhau, chia theo các khu vực: Hà Nội, Hà Tây (cũ), Mê Linh, Hòa Bình. Mức thu cao nhất ở khu vực Hà Nội (cũ) là 70.000 đồng/HS/tháng và thấp nhất là tại Mê Linh chỉ 7.000 đồng/HS/tháng. Để tạo sự thống nhất, Hà Nội đã đưa ra mức thu học phí chung áp dụng cho các bậc học từ nhà trẻ, mầm non đến THPT. Theo đó, từ năm học 2012 - 2013, chỉ có hai mức học phí với học sinh các cấp chia làm hai khu vực: nông thôn thu 20.000 đồng/HS/tháng, thành phố thu 40.000 đồng/HS/tháng. Theo bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội - HĐND TP, sau khi sáp nhập, định mức chi ngân sách trên HS tăng lên từ 1,5 - 2 lần.

Một cán bộ quản lý trong ngành GD-ĐT cho biết số trường học phải quản lý tăng gấp hơn 3 lần so với trước khi hợp nhất nên việc kiểm tra, giám sát phải san sẻ rất nhiều. Nếu như trước kia một năm học có thể đến dự giờ, kiểm tra ở một quận 3 - 4 lần thì nay chỉ được 1 lần. Hợp nhất, việc được kỳ vọng nhiều nhất với giáo dục là quỹ đất được tăng lên sẽ góp phần giảm tải cho hệ thống trường học vốn đã quá tải. Thế nhưng, những trường học ở các quận nội thành thực tế lại quá tải trầm trọng hơn. Hợp nhất khiến áp lực dân số dồn về các quận nội đô, các khu đô thị mới mọc lên như nấm trong khi hệ thống trường học thì lại rất... tiệm tiến. Báo cáo của UBND TP cho biết, ở các khu đô thị mới, mặc dù được bố trí 130 ha đất để xây dựng trường học, nhưng cho đến nay mới có 43 ha đất được xây dựng và đưa vào hoạt động; 87 ha còn lại vẫn chưa được xây dựng. Dự báo dân số thành phố đến 2020 là 7,4 triệu; 2030 là 9,5 triệu. Với yêu cầu diện tích tối thiểu 8 m2 mỗi học sinh nội thành và ngoại thành là 15 m2 thì đến 2030, TP cần gần 18 triệu m2 đất để xây thêm 1.014 trường mầm non, 310 trường tiểu học...

T.Nguyễn

Thái Sơn

>> 5 năm mở rộng thủ đô: Hà Nội 'được' nhiều hơn 'mất
>> Sẽ rút ngắn thời gian chạy tàu Hà Nội - TP.HCM còn 21 giờ
>> Thành phố hướng nghiệp' cho trẻ em đến Hà Nội
>> Dấu hiệu bất thường của nhà tổ chức đêm diễn Lee Min-ho tại Hà Nội
>> Hà Nội xây 2 bãi đỗ xe ô tô hơn 120 tỉ đồng
>> Rủ nhau lên Hà Nội săn đỉa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.