Lạm dụng công nghệ trong giao tiếp

02/08/2013 10:50 GMT+7

Cuộc sống phong phú hơn, tiện ích hơn với những công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, có những người quá “đắm đuối” giao tiếp qua máy móc đến nỗi bỏ quên việc trò chuyện trực tiếp cũng như những mối quan hệ ngoài đời.

Cà phê cùng nhau nhưng… máy ai nấy bấm

Quán cà phê cuối tuần đông đúc hơn thường nhật. Mỗi bàn có 5 - 7 người. Có điều suốt thời gian ngồi bên nhau, họ cùng nhâm nhi cà phê nhưng…  không ai nói chuyện với ai mà trao đổi với người khác qua các phương tiện công nghệ .

Lạm dụng công nghệ trong giao tiếp
 Tuy ngồi cùng bàn, uống cà phê chung nhưng mỗi người chìm đắm vào thế giới riêng mình - Ảnh: Bạch Dương

Không khó để bắt gặp hình ảnh nói trên. Thanh Vĩ, sinh viên (SV) Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng TP.HCM, nói vui: “Thời đại của công nghệ là vậy! Thật không quá khi nói nhiều bạn trẻ ngày nay đã lười giao tiếp hẳn, quá lạm dụng công cụ trò chuyện trên những mạng xã hội”. Vĩ chứng minh bằng câu chuyện của mình, rằng rất nhiều lần rủ bạn bè ở quê cùng gặp mặt, đi ăn uống, trò chuyện. Vậy mà  suốt cả buổi, mỗi người chỉ lo chăm chú  nhìn vào điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay… để nhắn tin, trò chuyện trên mạng. Từ khi bước vào quán đến lúc trả tiền về, hầu như chẳng ai nói với ai lời nào ngoài mấy câu thăm hỏi lúc mới gặp.

 

Với câu hỏi: “Bạn đã từng ở trong tình huống đi chơi cùng bạn bè nhưng không hề nói chuyện trực tiếp với nhau mà chỉ giao tiếp qua các mạng xã hội?”, 104 ý kiến thừa nhận “có”

Chúng tôi đã thử làm một khảo sát nhỏ với 120 bạn trẻ đang là học sinh, SV nhiều trường tại TP.HCM. Với câu hỏi: “Bạn đã từng ở trong tình huống đi chơi cùng bạn bè nhưng không hề nói chuyện trực tiếp với nhau mà chỉ giao tiếp qua các mạng xã hội?”, 104 ý kiến thừa nhận “có”. Thậm chí, không ít trong số đó cho biết chuyện này không chỉ xảy ra một lần.

Khi câu hỏi tương tự được  đăng ở hai fanpage trên mạng xã hội Facebook, ngay lập tức nó trở thành tâm điểm chú ý của nhiều thành viên, thu hút hàng trăm bình luận. Hầu hết là: “Chuyện không của riêng ai, vì bây giờ là vậy, là xu thế giao tiếp hiện nay”. Nhiều ý kiến than vãn: “Có đôi lúc mình mở lời nói chuyện nhưng chỉ nhận được sự im lặng đáng sợ, họ (ý chỉ bạn bè - NV) chẳng thèm đoái hoài quan tâm mà chỉ cặm cụi nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại, tay bấm liên hồi. Và ngồi cạnh mà chỉ có thể nói chuyện với nhau… trên Facebook”. 

“Phủ sóng” mọi mối quan hệ

Ngay cả trong quan hệ công việc, tình yêu hay gia đình, nhiều người cũng thích nói chuyện trên mạng hơn. Nói  như Thu Thảo, SV Trường ĐH Ngân hàng, giao tiếp hiện nay đã và đang dần bị mạng xã hội chi phối.

 

Mê mải điện thoại ngay cả khi xem ngày cưới

Mới đây chúng tôi chứng kiến một đôi trai gái đến chùa Giác Lâm (Q.Tân Bình, TP.HCM) nhờ xem ngày lành, tháng tốt cho việc cưới hỏi sắp tới. Trong khi chàng trai hết sức nghiêm túc, kính cẩn lắng nghe lời tư vấn của nhà sư thì cô gái như đắm chìm vào thế giới của chiếc điện thoại. Lúc chàng trai hỏi ý cô về ngày rước dâu, cô chỉ mỉm cười gật đầu, đôi mắt vẫn không rời chiếc điện thoại.

N.Lịch

Văn K., chuyên viên thẩm định và quản lý rủi ro tín dụng của một ngân hàng ở Q.10, TP.HCM, kể: “Tuy các đồng nghiệp ngồi gần kề nhau, xa lắm cũng chỉ năm, sáu mét, nhưng thay vì gọi trực tiếp thì mọi người lại trao đổi qua Facebook. Vì thế ai cũng để trực tuyến mạng xã hội này liên tục suốt trong thời gian làm việc”. Văn K. bảo thời gian gần đây, có khi sếp giao nhiệm vụ gặp gỡ khách hàng, nghiên cứu hồ sơ cũng trên Facebook.

Trên rất nhiều diễn đàn, chủ đề này cũng được đưa ra để lấy ý kiến. Có người cho rằng nghiền trò chuyện trên mạng đã là một “căn bệnh” lây truyền với cấp số nhân, khiến những cặp đôi yêu nhau cũng “mắc bệnh”. Thành viên hoanglant. chia sẻ trên diễn đàn webtretho: “Mỗi lúc hẹn hò nhau ở quán cà phê, trà sữa là phần anh - anh chat, phần em - em nhắn tin. Bệnh nặng đến nỗi nói những lời yêu thương cũng phải nhờ vả điện thoại, tin nhắn dù đang ở đối diện nhau”. Cô bạn Tuyết Mai cho biết trong gia đình mình, các thành viên đều có tài khoản mạng xã hội. Theo đó, những lời dặn dò: phải ngủ sớm, cố gắng học, chúc ngủ ngon… ngày trước được bố mẹ trực tiếp căn dặn, đã dần được thay thế bằng những lần chat trên Yahoo. 

Coi chừng mất bạn thật

Nhiều người cho rằng việc giao tiếp trên mạng đem lại khá nhiều điều thú vị: nói chuyện trong không khí vui vẻ, có thể chia sẻ hết tâm tư tình cảm mà không bị ngượng như ngoài đời; xóa dần khoảng cách giữa người lớn, thầy cô với người nhỏ tuổi, học sinh… “Không thể nào nói chuyện với giảng viên một cách thoải mái nếu đối diện nhau, nhưng trên mạng thì lại khác”, Thanh Tuấn, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, nhận định.

Tuy nhiên, đa số cảm thấy tiếc khi giao tiếp bằng cách trò chuyện trực diện ngày càng bị chối bỏ. Chị Tuyết, làm việc ở một công ty thiết bị y tế (Q.5, TP.HCM), trầm ngâm: “Nếu cứ lạm dụng thì về lâu dài, điều này có thể đánh mất những người bạn tâm giao thật”.

Tự phong cho mình cái danh "anh hùng bàn phím", Phạm Thanh Thùy, SV Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, cũng mang nỗi niềm: "Mình rất giỏi giao tiếp với bạn bè trên mạng, mọi người nhận xét là nói chuyện có duyên, hài hước. Nhưng thật nghịch lý, khi đối mặt với người khác ngoài đời thực thì mình chả biết nói gì cả. Hoặc có nói thì cũng không duy trì cuộc trò chuyện được lâu”. Thanh Thùy cho rằng, mạng xã hội nói chung và xu thế trò chuyện trên mạng nói riêng đã phần nào ảnh hưởng đến vấn đề giao tiếp ngoài đời thực.

Trước thực trạng trên, một trào lưu đang được nhiều thành viên cộng đồng mạng rỉ tai nhau cùng thực hiện qua khẩu hiệu: “Hãy tắt máy tính, ra ngoài và gặp ai đó”, hay “Hãy đối mặt với vấn đề của bạn, đừng mang nó lên Facebook”. 

“Giao tiếp trên mạng có hai mặt. Nếu quá lệ thuộc thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhưng biết kiểm soát hành động của mình thì nó sẽ đem lại nhiều điều thú vị”. (Lê Vũ Doanh, SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) 

“Chẳng hiểu tại sao khi trò chuyện trên mạng thì rất thân mật nhưng gặp ở ngoài thì toàn bơ nhau như chưa hề quen biết”. (Nguyễn Hoàng Trọng, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

“Không ai phủ nhận tính tiện ích của các thiết bị công nghệ thông tin kỹ thuật cao nhưng đừng bao giờ quá lệ thuộc về các thiết bị này, vì khi đó chúng ta dễ có tâm lý ỷ lại rồi mất tính sáng tạo”. (Hoàng Vũ, Công ty Ascenx Technologies Việt Nam, Q.Tân Bình, TP.HCM)

L.Thanh - N.Lịch -X.Phương (ghi)

 Xuân Phương

>> Giao tiếp khi kết hôn với người nước ngoài
>> Giao tiếp trong kinh doanh
>> Giúp trẻ tự kỷ giao tiếp
>> Giao tiếp nơi công sở
>> Giao tiếp bằng ký hiệu không giúp trẻ phát triển ngôn ngữ sớm hơn
>> Kỹ năng giao tiếp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.