Trong lúc các ngành chức năng đang loay hoay tìm giải pháp “cứu” cá tra, thì ở P.Tân Lộc (Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) xuất hiện mô hình nuôi cá tra mới, đem lại kết quả khả quan.
Hướng đi mới
Ông Út Anh, một người nuôi cá tra lâu năm ở P.Tân Lộc, bộc bạch: “Giá cá tra hiện dao động khoảng 19.000 - 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất từ 22.000 - 23.000 đồng/kg, nên dù nuôi giỏi cách mấy vẫn bị lỗ. Để tiếp tục duy trì nghề nuôi cá, nông dân phải chuyển từ hình thức nuôi tự phát, sang nuôi gia công cho nhà máy”.
|
Dẫn chúng tôi ra xem trang trại nuôi cá rộng 5 ha của mình, ông Út Anh cho biết từ năm 2008 trở về trước, ông cũng như nhiều hộ ở ĐBSCL làm theo kiểu “mạnh ai nấy nuôi”, tới kỳ thu hoạch thì bán cho nhà máy. Lúc đó, do nhu cầu tăng mạnh, nên cá tra dễ tiêu thụ với giá cao. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, khiến giá cá nguyên liệu trong nước sụt dưới chi phí giá thành. Những hộ nuôi riêng lẻ đành chịu chết do tắc đầu ra. Muốn tồn tại trong lúc nghề nuôi cá đang lâm vào khủng hoảng, ông Út Anh đã chủ động liên kết với nhà máy nuôi cá tra gia công. Nhà máy đầu tư 1,6 kg thức ăn và 5.200 đồng (sau giảm xuống còn 1,55 kg thức ăn và 4.600 đồng), ông sẽ giao lại 1 kg cá tra nguyên liệu.
Theo ông Út Anh, cái hay của mô hình nuôi gia công là người nuôi được nhà máy đầu tư vốn và đảm bảo đầu ra, bất kể giá cá tăng hay giảm, nếu nuôi đạt sẽ có lời từ 600 - 900 đồng/kg. Mặt khác, phía nhà máy được cung cấp nguồn cá nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, từ đó chủ động trong việc ký hợp đồng xuất khẩu. Nhờ cách làm này mà 2 năm qua, dù cá tra rớt giá thê thảm, nhưng ông Út Anh vẫn thu lời đều đặn từ mô hình nuôi gia công hơn 1.000 tấn cá/năm.
Liên kết nhiều bên
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khuyến cáo: “Hiện thị trường đang biến động, cộng với việc nhiều nhà máy nỗ lực đầu tư vùng nuôi nguyên liệu, nếu nông dân không gắn kết được với doanh nghiệp, thì không nên nuôi theo kiểu tự phát, bởi nguy cơ rủi ro rất cao”. UBND tỉnh Đồng Tháp cũng xác định cá tra là thế mạnh kinh tế của tỉnh, nhưng không khuyến khích nuôi tràn lan, nhỏ lẻ như trước đây, mà phải có mối liên kết chặt chẽ giữa người nuôi với nhà máy.
|
Theo ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, những năm qua, nhiều nhà máy tự đầu tư vùng nuôi gặp khó khăn, do hoạt động theo kiểu lấy vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Thêm vào đó, hầu hết các nhà máy có diện tích nuôi quá lớn, nên không kiểm soát được vùng nuôi, dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao, thất thoát trong quản lý... Trong khi đó, nông dân ĐBSCL là những người có đất đai, kinh nghiệm lâu năm về nuôi cá, nhưng thiếu vốn đầu tư và chưa tìm được đầu ra ổn định. Vì vậy, kết nối giữa người nuôi và nhà máy nhằm phát huy thế mạnh mỗi bên là hướng đi bền vững cho nghề nuôi cá hiện nay.
Theo các nhà chuyên môn, liên kết trên tinh thần đồng thuận, cùng chia sẻ lợi nhuận giữa các bên tham gia như người nuôi, nhà máy chế biến, doanh nghiệp cung ứng thức ăn, ngân hàng… là rất cần thiết. Mô hình nuôi gia công là hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả cao, đảm bảo cho nhà máy - người nuôi - nhà cung ứng thức ăn có lời, ngân hàng cho vay vốn cũng đúng địa chỉ, ngành chức năng thuận lợi trong quản lý. Để từng bước vực dậy ngành nuôi cá tra, các sở, ban, ngành của địa phương cần vào cuộc quyết liệt, đứng ra tổ chức lại sản xuất, vận động các bên cùng hợp tác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo Bộ NN-PTNT và các ngành chức năng khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định về sản xuất, tiêu thụ cá tra theo hướng hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, tăng cường gắn kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi để sản xuất theo đơn đặt hàng; đề xuất chính sách xây dựng thương hiệu nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị con cá tra Việt Nam… |
An Lạc
Bình luận (0)