Mới hôm trước có thông tin Chính phủ yêu cầu phải có kế hoạch giải thích, lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng trước khi tăng giá điện thì ngay tối hôm sau giá điện đã nhảy lên 5%.
Thông báo tăng giá điện lúc gần 7 giờ tối ngày 31.7 của EVN (sau Thông tư của Bộ Công thương ban hành cùng ngày) được xem là “đánh úp” người tiêu dùng, khi chỉ cách đó 1 ngày (hôm 30.7), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã yêu cầu EVN phải có kế hoạch tuyên truyền giải thích, lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng trước khi tăng giá điện.
Phương án một cũng chết mà phương án hai cũng chết. Chúng tôi đang cân nhắc để chọn phương án nào mà lỗ ít nhất và tôi nghĩ các doanh nghiệp khác cũng trong tình trạng tương tự |
||
Tổng giám đốc một công ty xi măng |
||
Trên thực tế, thông tin của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là tín hiệu để minh bạch và công khai từng bước giá điện, khi người dân sẽ được tiếp cận với các thông tin chi tiết hơn, và quan trọng hơn, được đóng góp ý kiến cho việc tăng giá một trong những mặt hàng thiết yếu và ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống. Tuy nhiên, trước thời điểm tăng giá lần này, trên trang web chính thức của EVN - kênh thông tin quan trọng vẫn được các bộ ngành đăng công khai mỗi khi lấy ý kiến rộng rãi người dân - không hề đề cập đến việc tăng giá cũng như lấy ý kiến cho phương án tăng giá.
Việc lấy ý kiến người dân qua kênh chính thống nhất đã không diễn ra, và người dân chỉ biết việc tăng giá điện qua một thông cáo báo chí ngắn của EVN.
Trả thêm tiền cho quản lý yếu kém ?
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, thừa nhận “lần tăng giá điện nào vợ tôi cũng kêu”, nhưng ông cũng kể: “Đáng lẽ lần tăng giá này phải tăng trên 10% mới đủ bù đắp chi phí, do giá than bán cho điện tăng 37 - 41%. Giá nhiên liệu chiếm 60 - 70% giá thành sản xuất điện tùy từng nhà máy. Riêng việc tăng giá than các loại từ 20.4 đến cuối năm sẽ tăng thêm khoảng 5.000 tỉ đồng trong giá thành sản xuất điện”. Chỉ tính riêng đợt tăng giá 1.8, theo ông Tri, EVN sẽ tăng thu thêm 3.000 - 4.000 tỉ đồng trong năm nay.
Tuy nhiên, với khoản 15.000 tỉ đồng do lỗ tỷ giá của EVN đang treo lại (Chính phủ đã cho cơ chế đến năm 2015 phải xử lý xong) và gần 8.000 tỉ đồng cộng dồn từ lỗ kinh doanh các năm trước, điều khiến nhiều người dân và doanh nghiệp (DN) lo ngại là giá điện từ nay đến cuối năm có thể tiếp tục tăng.
Về điều này, ông Tri nói mùa lũ, thủy điện dồi dào sẽ không tăng giá điện và hiện tại EVN cũng chưa có dự kiến trình Bộ Công thương phương án tăng, nếu có tăng thì từ tháng 12 trở đi mới tính toán phương án. Khoản lỗ gần 8.000 tỉ đồng các năm trước sẽ được xử lý bằng lợi nhuận nếu năm nay EVN có lãi. Trường hợp miền Nam thiếu điện phải chạy dầu, ông Tri cho biết sẽ phải báo cáo Thủ tướng để tính toán tiếp tục bù đắp cho các năm tới.
Theo lãnh đạo EVN, các khoản lỗ trên không được hạch toán vào giá thành sản xuất điện, mà bù đắp nhờ phần lãi trong sản xuất kinh doanh. Nhưng trên thực tế, để có lãi, ngay cả trong năm điều kiện thủy văn rất thuận lợi (lãi lớn nhờ thủy điện như năm 2012), EVN vẫn tăng giá với lý do để bù đắp cho giá nhiên liệu đầu vào tăng.
Tuy lãnh đạo EVN khẳng định “tăng giá điện rất minh bạch”, nhưng theo một chuyên gia, dù không phải EVN tăng giá để trực tiếp bù lỗ, nhưng với sức ép có lãi để bù lỗ, người tiêu dùng vẫn có quyền đặt câu hỏi về tính hợp lý trong các lần tăng giá của EVN. Đặc biệt, người tiêu dùng cần được biết trong khoản lỗ gần 8.000 tỉ dồn từ các năm trước, có bao nhiêu phần là các khoản thua lỗ do đầu tư ngoài ngành của EVN trong các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, viễn thông để lại. Nhất là khoản thua lỗ do đầu tư vào Công ty viễn thông điện lực EVN Telecom (báo cáo kiểm toán năm 2010 cho biết EVN Telecom đã thua lỗ hơn 1.000 tỉ đồng) dẫn đến việc Chủ tịch EVN Đào Văn Hưng bị mất chức đầu năm 2012.
Các khoản lỗ ngoài ngành phải được tách bạch và hạch toán hợp lý, không hạch toán vào giá thành sản xuất điện. Việc mập mờ các khoản lỗ khiến gián tiếp mỗi lần tăng giá, người tiêu dùng đang phải trả thêm tiền điện cho những sai lầm đầu tư, quản lý kém hiệu quả của EVN trước đây.
|
“Một cũng chết, hai cũng chết…”
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, nhiều DN cho biết đang cân nhắc điều chỉnh giá bán sản phẩm ra thị trường từ nay đến cuối năm. Các DN ngành thép, xi măng, nhựa… đều đứng ngồi không yên khi có thông báo tăng giá điện, bởi đây là những ngành mà chi phí điện chiếm không nhỏ trong chi phí sản xuất.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, ước tính chi phí điện chiếm từ 5 - 5,5% tổng giá thành sản xuất. Đặc biệt đối với các DN luyện phôi thì chi phí điện sẽ càng lớn. Bình quân sản xuất phôi thép lò điện hồ quang có mức sử dụng điện cao nhất (400 - 500 kWh/tấn phôi). Việc tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các DN trong ngành thép. “Mấy tháng nay các DN ngành thép đã muốn tăng giá bán nhưng cũng không được vì tình hình tiêu thụ không khả quan. Lượng thép tồn kho tính đến 30.6 là 326.000 tấn, đây là số tồn kho cao. Bên cạnh đó, lượng thép nhập khẩu cũng đang tràn vào VN rất nhiều nên càng khiến sự cạnh tranh khốc liệt hơn”, ông Nghi lo lắng.
Ông Hồ Đức Lam, Tổng giám đốc Công ty nhựa Rạng Đông, cũng cho biết chi phí điện chiếm từ 3 - 5% giá thành sản xuất của DN nhựa. Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch chi phí, sản xuất và lợi nhuận. Bản thân Rạng Đông mỗi tháng tiền điện khoảng 1 tỉ đồng. Việc tăng thêm 5% này sẽ khiến công ty mỗi tháng phải bỏ ra thêm khoảng 50 triệu đồng - con số không nhỏ đối với các DN nhựa trong thời điểm “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay. “Các DN sản xuất chắc chắn từ nay đến cuối năm sẽ xem xét tăng giá bán để bù lỗ cho phí đầu vào gia tăng như giá điện. Tuy nhiên điều này phải cân nhắc thật cẩn thận bởi sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng”, ông Lam nói.
Tổng giám đốc một công ty xi măng lớn tại khu vực miền Nam cũng cho biết tăng giá điện đã đẩy các DN ngành này đứng trước bài toán khó khăn. Nếu không tăng giá bán ra thì bị lỗ, tăng giá bán thì lại không bán được hàng và cũng sẽ bị lỗ. “Phương án một cũng chết mà phương án hai cũng chết. Chúng tôi đang cân nhắc để chọn phương án nào mà lỗ ít nhất và tôi nghĩ các DN khác cũng trong tình trạng tương tự”, vị này nói. Ước tính, nhu cầu tiêu thụ xi măng hiện ở mức 50 triệu tấn/năm. Tính bình quân để sản xuất 1 tấn xi măng cần khoảng 100 KWh điện, vậy tiền điện cho khoảng 50 triệu tấn xi măng thì mức tăng thêm 5% cũng sẽ lên đến hàng trăm tỉ đồng mà các DN trong ngành này sẽ phải chi thêm mỗi năm trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định giá điện gia tăng sẽ góp phần làm tăng giá nhiều mặt hàng hóa trong thời gian tới. Điều này sẽ càng làm tăng thêm áp lực gia tăng lạm phát cả năm 2013. Đây mới là điều thực sự đáng lo ngại nhất trong tình hình kinh tế VN hiện nay.
CPI tháng 8 có thể tăng thêm 0,6 - 0,7% Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Giá cả - Tổng cục Thống kê, tháng 8 có nhiều yếu tố tác động đến chỉ số CPI. Đợt tăng giá xăng dầu cuối tháng 7 chưa tính vào CPI tháng 7, sẽ góp vào tăng CPI tháng 8 khoảng 0,15%, lần tăng giá điện này cũng sẽ tăng CPI thêm 0,12%, cộng thêm mưa bão, khai giảng năm học mới, thực phẩm cũng đang nhúc nhích tăng lên, dịch vụ y tế của Hà Nội có thể sẽ tăng… Dự tính CPI tháng 8 sẽ tăng thêm khoảng 0,5 - 0,6% so với tháng 7. |
Mai Hà - Mai Phương
Bình luận (0)