Những con đò ngang phần lớn chèo tay và chỉ chở người đi xe đạp. Bến đò ngang bên phía Q.1 chạy dọc theo khúc cua bờ sông từ phà Thủ Thiêm về hướng cột cờ Thủ Ngữ, gần cầu quay nối Q.1 và Q.4. Hồi ấy sông Sài Gòn còn thưa vắng những chiếc tàu lớn vào ra nhưng bờ bên này phía Q.1 lại được gọi là Bến Tàu, kè đá xanh thoai thoải xuống mặt sông, công viên nhiều cây xanh, có băng ghế đá để người dân đến hóng gió, nhất là vào những buổi chiều cuối tuần.
Nhưng có lẽ lãng mạn nhất là mỗi sớm tinh sương được bách bộ dọc Bến Tàu để đón gió sông mà cũng có thể là gió từ những cánh đồng trống bên kia Thủ Thiêm thổi sang. Hơi gió trong nắng sớm như có mùi vị khác, được lọc qua màn sương lờ nhờ, lãng đãng trên mặt sóng, nhấp nhô những con đò ngang đưa khách. Những cô gái Thủ Thiêm da rám nắng, nón lá, áo bà ba trắng, quần soa đen cong lưng eo khua mái chèo quẫy nước mang vẻ đẹp dịu dàng nhưng cũng đầy sức sống của một vùng cư dân Nam bộ, đồng thời cũng rất ý nhị theo câu ca dao “đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”.
Hai bờ sông Sài Gòn đoạn từ phà Thủ Thiêm đến cột cờ Thủ Ngữ gọi chung là Bến Tàu những năm đó không ken dày những công trình quảng cáo và nhà cao tầng như bây giờ. Đứng trên bờ kè đá xanh trong sớm tinh sương có thể nhìn thông thống qua bên Thủ Thiêm và ngược lại. Theo con nước lớn nước ròng mỗi ngày những giề lục bình dập dềnh trên sóng lóng lánh sắc hoa tím nhạt. Trong thảm hoa tím là những con đò với cô lái đò đung đưa yểu điệu khiến khung cảnh thật đẹp và lãng mạn.
Buổi tối, cũng ở Bến Tàu, lại thêm một thế giới khác trên những con đò Thủ Thiêm. Đó là những “cửa hàng” di động với những bà những chị, những cô gái bán quà bánh quê, hột vịt lộn, chè thưng, cháo vịt, gỏi cuốn, bì cuốn… thậm chí cả một “quán nhậu” với rượu đế, bia, thuốc lá, mồi là các loại khô nướng trên bếp than đỏ rực. Những “cửa hàng” di động này thường treo trước mũi đò một bóng đèn hột vịt thắp bằng dầu lửa, hoặc hiện đại hơn thì bóng nê ông 6 tấc chạy bình ắc quy. Tiếng rao mỗi người mỗi kiểu, giọng lảnh lót của những cô bán chè thưng, hoặc giọng trầm buồn của các bà các chị bán hột vịt lộn, bán đồ nhậu âm vang trên sóng nước. Họ chèo dọc theo những con tàu hàng đang thả neo hoặc dọc bờ sông, khi nghe tiếng khách gọi liền tấp vào “giao dịch” trong khung cảnh “trên bến dưới thuyền” thật đông vui, nhộn nhịp.
Giao thông giữa hai bờ sông Sài Gòn giờ được thuận lợi nhanh chóng nhờ cầu và hầm Thủ Thiêm. Nhưng hình ảnh những con đò ngang Thủ Thiêm trước đây vẫn cứ in đậm trong hồi tưởng lãng mạn của bao người về một góc nhỏ Sài Gòn đang dần mất đi bao hình bóng cũ.
Từ Kế Tường
Bình luận (0)