Một loạt giải pháp được các cơ quan quản lý ở Đắk Lắk đề xuất để giảm thiểu thiệt hại và xung đột giữa voi rừng và người.
Khóc vì voi…
Cho đến đầu mùa mưa năm nay, hàng chục hécta chuối cao sản ở xã Ia Lốp, H.Ea Súp, vẫn chưa thể hồi phục sau những trận càn quét của voi rừng. Nhiều nhà đầu tư đến từ TP.HCM vẫn chưa nguôi cảm giác bàng hoàng, khiếp sợ trước sự tàn phá hung hãn của voi, lại xót xa khi bị mất trắng hàng chục tỉ đồng đổ vào vườn chuối xuất khẩu sắp đến kỳ thu hoạch…
Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, nhận xét: “Chuối là thức ăn ưa thích của voi, lại được trồng trên vùng đất thuộc hành lang di chuyển của voi rừng nên khó tránh voi xâm nhập. Không chỉ có chuối, hàng loạt cây trồng khác như bắp, đậu, khoai lang của bà con trong vùng cũng bị thiệt hại bởi voi “cướp” làm thức ăn”. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi, voi rừng chủ yếu phá hoại vườn rẫy sản xuất ở các xã Ia Jlơi, Ia Rvê, Ia Lốp, Cư Mlan, thị trấn Ea Súp (H.Ea Súp), xã Krông Na (H.Buôn Đôn) và xã Ea Hleo (H.Ea Hleo). Năm 2011, diện tích cây trồng thiệt hại do voi gây ra ở các xã này gần 80 ha, năm 2012, con số là 52,4 ha và từ đầu năm 2013 đến nay 56 ha. Những năm gần đây, voi rừng còn uy hiếp nhiều khu vực dân cư, quật chết hai người ở H.Ea Súp và H.Ea Hleo.
Ngược lại, quần thể voi rừng cũng chịu nhiều tác động, ảnh hưởng đến sinh trưởng, số voi chết năm nào cũng xảy ra. Thống kê trong 5 năm gần đây, có đến 17 con voi bị chết; trong đó có những con được xác định do săn bắn trộm...
|
Trồng ớt… phòng tránh voi (?)
Tại một hội thảo về giảm thiểu xung đột giữa voi rừng và người được tổ chức mới đây tại H.Ea Súp, Sở NN-PTNT Đắk Lắk đề xuất giải pháp trước mắt là di chuyển gần 50 hộ dân ở xã Cư Mlan, H.Ea Súp đang canh tác trong vùng voi rừng thường hoạt động; xây dựng các tổ bảo vệ voi và các chòi canh cảnh báo sớm; hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do voi rừng phá hoại cây trồng… Về lâu dài, tỉnh cần xây dựng chính sách riêng về bảo tồn voi, về vấn đề xung đột voi - người, quy hoạch sinh cảnh sống ổn định cho voi rừng, hạn chế tối đa việc chuyển đổi, cải tạo rừng tự nhiên… Ông Huỳnh Trung Luân cho biết Trung tâm Bảo tồn voi cũng đã khuyến cáo các dự án nông lâm nghiệp trong vùng cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nên trồng một số loại cây ít thu hút đối với voi rừng như ớt, gừng, bông vải… Theo ông Luân, đây cũng là biện pháp sinh học mà một số nước có voi rừng đã thực hiện.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Toản, Phó chủ tịch UBND H.Ea Súp, lại cho rằng việc quy hoạch canh tác các loại cây trồng trên địa bàn không đơn giản vì phụ thuộc thị trường; không thể vì phòng tránh voi mà đầu tư trồng ớt, gừng, nếu không tiêu thụ được thì sẽ rất khó khăn. Theo ông Toản, băn khoăn nhất hiện nay là trở ngại trong việc quy hoạch diện tích rừng của hai Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Hmơ và Ia Lốp vào khu vực ưu tiên bảo tồn voi rừng theo Quyết định 763/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21.5.2013, do nhiều dự án nông lâm nghiệp trong khu vực đã được phê duyệt triển khai trước đó. “Ngoài ra, để bảo tồn voi và bảo vệ sản xuất và đời sống người dân, giảm thiểu xung đột giữa voi và người, cần có giải pháp căn cơ hơn từ cấp trung ương và tỉnh trong công tác quy hoạch dân cư, hạn chế dân di cư tự do phá rừng làm nương rẫy; khoanh nuôi, phục hồi rừng tự nhiên một số vùng làm sinh cảnh sống cho voi rừng…”, ông Toản bày tỏ.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)