Người tiêu dùng đang chịu thiệt đơn, thiệt kép khi liên tiếp phải “gánh” ba đợt tăng giá xăng chỉ trong hơn một tháng. Trong khi hai tuần trở lại đây, giá thế giới giảm mạnh thì giá trong nước vẫn đứng im.
Dân thiệt vì tính trùng giá
Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu được điều chỉnh giá 10 ngày một lần, nhưng phải đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 30 ngày. Chiếu theo cơ chế này, mỗi lần điều chỉnh giá, DN phải cộng giá dự trữ lưu thông của 30 ngày trước đó, rồi chia bình quân cấu thành giá cơ sở, làm căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ trên thị trường. Cách tính này đã dẫn tới sự trùng lặp, khi 20 ngày tính giá của đợt điều chỉnh trước bao trùm lên đợt điều chỉnh giá sau.
Cụ thể, vào ngày 14.6, giá xăng tăng 426 đồng/lít, theo Bộ Tài chính, giá cơ sở được tính bình quân 30 ngày từ 15.5 đến 13.6. Chưa đầy nửa tháng sau, vào ngày 28.6, giá xăng lại tăng tiếp 360 đồng/lít. Giá cơ sở bình quân được tính từ ngày 29.5 đến 27.6 ở mức 114,5 USD/thùng. Trong hai đợt điều chỉnh này, dễ thấy giá cơ sở được lấy trùng từ ngày 29.5 đến ngày 13.6. Đây là giai đoạn mà giá xăng thế giới đang tăng rất cao.
Tiếp tục, vào ngày 17.7, giá xăng lại được điều chỉnh tăng thêm 460 đồng/lít. Bình quân giá cơ sở được tính từ ngày 17.6 đến 16.7 ở mức 117,47 USD/thùng. Tương tự, giữa hai đợt điều chỉnh giá ngày 28.6 và 17.7, giá cơ sở lại bị tính trùng trong thời điểm từ 17.6 đến 27.6, đây cũng là giai đoạn giá đang biến động tăng rất mạnh, có thời điểm lên hơn 120 USD/thùng.
Như vậy, qua ba đợt điều chỉnh giá chỉ trong vòng từ ngày 14.6 đến 17.7, người dân đã liên tục phải gánh giá xăng dầu thế giới trong những thời điểm tăng cao hết tháng này sang tháng khác. Trong khi đó, hai tuần trở lại đây theo số liệu từ Hiệp hội Xăng dầu (VINPA) vừa công bố, giá bình quân 10 ngày tính đến 5.8 chỉ còn 114 USD/thùng, giảm khoảng 4 USD/thùng so với lần tăng giá gần nhất. Lẽ ra giá đã có thể giảm, nhưng trớ trêu ở chỗ, vì cách tính bình quân 30 ngày như trên nên các DN vẫn cứ “ung dung” tiếp tục báo lỗ và đòi tăng.
Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, đại diện một đầu mối xăng dầu lớn cho biết, từ 5.7 đến 5.8 trở lại đây bình quân giá cơ sở xăng A92 đang ở mức xấp xỉ 25.300 đồng/lít, cao hơn 700 đồng/lít so với giá bán hiện hành (24.570 đồng/lít). Ông này thừa nhận, do gần một tuần nay giá thế giới có xu hướng giảm nên DN vẫn đang chờ đợi động thái hướng dẫn từ Bộ Tài chính.
Còn ông Trần Minh Hà, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), cũng thông tin, nếu tính bình quân 30 ngày, giá xăng cơ sở của công ty đang chênh lệch so với giá bán lẻ 650 đồng/lít. Nếu trừ đi 300 đồng/lít trích quỹ bình ổn giá thì DN đang lỗ khoảng 350 đồng/lít.
|
Ngày giảm phải gánh ngày tăng
Theo một lãnh đạo Cục Quản lý giá, nếu tính bình quân giá cơ sở trong 10 ngày đã có thể giảm giá xăng cho người dân, nhưng vì phải tính bình quân 30 ngày dự trữ lưu thông, nên các ngày giảm giá vẫn phải “gánh” cho ngày tăng (từ ngày 18 đến 23.7 giá xăng tăng lên 122 - 124 USD/thùng). Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng, giá xăng dầu thế giới cuối tháng 7 có giảm, nhưng việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước lại phụ thuộc vào giá bình quân thế giới 30 ngày và các yếu tố khác như thuế nhập khẩu, mức trích quỹ bình ổn… “Nếu trong thời gian tới, các yếu tố đầu vào này tiếp tục giảm thì tất nhiên doanh nghiệp trong nước phải giảm giá, theo đúng quy định tại Nghị định 84”, ông Chiến nói.
Vấn đề giá xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm nguyên nhân chính từ sự bất cập trong cơ chế điều chỉnh giá. Một lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận, việc điều chỉnh giá bán trong vòng 10 ngày, nhưng tính giá cơ sở bình quân 30 ngày theo mức dự trữ lưu thông khiến giá bị lạc điệu. Nó cũng có lợi là giá xăng tăng “bò bò” không đột biến, nhưng hại nhiều hơn vì “bò” mãi không xuống được.
Bình luận cơ chế này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, phê phán không ở đâu có cách tính giá xăng như ở Việt Nam. Việc điều chỉnh giá 10 ngày, nhưng lại tính giá cơ sở 30 ngày dẫn tới sự thiếu bình đẳng, không sòng phẳng ngay cả với chính DN và người dân, mà người thiệt ở đây chắc chắn là người dân khi mà DN đang được định đoạt giá. “Khi thấy giá xăng dầu thế giới tăng, họ ồ ạt tăng ngay, nhưng giá thế giới giảm họ lại chần chừ không ý kiến. Vài ngày sau giá thế giới tăng lại, tính bình quân 30 ngày họ lại kêu lỗ, lại đòi tăng giá tiếp, như vậy thì bảo sao người tiêu dùng chịu nổi”, TS Doanh chia sẻ.
Bà Phan Thanh Hà, Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng cho rằng, việc quy định dự trữ lưu thông tối thiểu 30 ngày không phù hợp với cơ chế thị trường do nó đã làm tăng chi phí cho DN, đồng thời làm trì hoãn thời gian điều chỉnh giảm giá khi giá thế giới giảm. Với cơ chế hiện hành và đặc điểm của thị trường dầu thô trong giai đoạn hiện nay biến động rất thất thường, việc điều chỉnh giảm giá thường không kịp thời, luôn bị trì hoãn. Giá dầu thô, giá xăng thế giới tăng thì Việt Nam tăng theo, còn khi giá thế giới giảm, lại không giảm ngay.
Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long đề xuất, hiện nay Việt Nam đã có Nhà máy lọc dầu Dung Quất, sản lượng đáp ứng được 25 - 30% nhu cầu, do vậy không nên quy định dự trữ lưu thông 30 ngày làm cơ sở cho việc điều chỉnh tăng hoặc giảm giá. Liên bộ Tài chính - Công thương cần tính toán thu hẹp ngày dự trữ để không làm mất cơ hội giảm giá xăng bán lẻ trong nước.
Anh Vũ - Mai Hà
Bình luận (0)