>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 3: 800 năm đào kênh Sắt
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 2: "Dự án kinh tế - quân sự" của Lê Hoàn
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm: Khởi nguồn cho sự nghiệp nam tiến
Theo nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, hiện chưa rõ kênh nhà Lê ở Hà Tĩnh có được đào dưới thời vua Lê Đại Hành hay không. Tuy nhiên, sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Nhâm Thìn (Hưng Thống) năm thứ 4 (992)... Mùa thu, tháng 8, sai Phụ quốc Ngô Tử Án đem ba vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến châu Địa Lý”. Gia phả họ Ngô có chép việc Ngô Tử Án được vua Lê Đại Hành cử chỉ huy việc đào kênh từ châu Ái cho đến châu Hoan. Vì vậy, ông Tỉnh lập luận, khi vào mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến châu Địa Lý (Quảng Bình) thì Ngô Tử Án cũng có thể chỉ huy việc đào thông đường sông ở đây.
Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép: “Quý Mão (Ứng Thiên) năm thứ 10 (1003), vua đi Hoan Châu, vét kênh Đa Cái thẳng đến Tư Củng Trường ở Ám Châu”. Theo ông Tỉnh, nay chưa rõ địa danh Tư Củng Trường và Ám Châu là ở đâu, nhưng có thể nhà vua đã cho đào thông các sông qua Yên Trường và Vĩnh Yên (sông Vịnh), sang phía Hà Tĩnh nên nhân dân Hà Tĩnh vẫn thường gọi những kênh đào từ sông Minh ở Đức Thọ vào đến Kỳ Anh là kênh nhà Lê.
|
Theo sử liệu, kênh nhà Lê ở Hà Tĩnh bắt đầu từ Trung Lương (nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh), qua các xã Đức Thuận, Đức Thịnh, Bắc Hồng, Nam Hồng rồi vào H.Can Lộc, dân gian gọi là sông Minh. Hiện nay, tại thôn 6, xã Trung Lương, điểm nối từ kênh nhà Lê với sông Lam là một cống ngăn mặn rất lớn được xây dựng xong từ năm 2001, có cả một tổ phụ trách vận hành cống nhằm điều tiết nước để sử dụng tưới tiêu cho các huyện phía bắc Hà Tĩnh. Kênh nhà Lê từ đây đổ vào khá rộng và sâu, hai bên bờ có rất nhiều tàu thuyền đánh cá, vận tải neo đậu. Năm 2006, chính quyền đã cho nạo vét đoạn kênh này để khai thác thủy lợi, tưới tiêu cho hàng vạn héc ta lúa dọc hai bên kênh. Đến thị trấn Nghèn, H.Can Lộc, kênh nhà Lê được gọi là sông Nghèn, đổ ra Cửa Sót với chiều dài 37 km.
Cuốn Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch cho rằng từ thời Tiền Lê đến các triều đại sau đó đã sử dụng sông Nghèn như một tuyến trung chuyển hết sức quan trọng để vận chuyển binh, lương phục vụ cho các cuộc nam chinh, bắc tuần. Do đó, đoạn sông này được các triều đại vua cho nạo vét nhiều lần và quen gọi là kênh nhà Lê. Thời nhà Hồ đã từng cho khơi sâu, nối với các kênh rạch kề cận làm căn cứ tập thủy trận. Vua Thiệu Trị từng sử dụng kênh này để tuần bắc. Con sông này chứa đựng nhiều câu chuyện dân gian về các đời vua khi ngự thuyền qua sông này. Vào tháng 11 năm Canh Dần (1470), vua Lê Thánh Tông từ Thăng Long khởi giá Nam chinh cũng đi thuyền qua đoạn sông này. Khi đoàn thuyền qua khỏi bến đò Nghèn thì đến đoạn sông quanh co, khúc khuỷu rất khó đi. Quan Thái tể Thượng trụ đi hộ giá đã phải huy động quân lính và nhân dân trong vùng đến đào khơi sông, nắn khúc eo này. Sau khi đào xong, nhận thấy đây là vùng đất đẹp, phong thủy tốt nên nhiều dân phu đã chọn để định cư, lập nên làng mới, đặt tên là làng Trụ Thượng. Hiện, tại đây vẫn còn một ngôi đền mang tên Thượng Trụ, là dấu tích của công trình đào, nắn con sông này.
Phục vụ hơn 12.000 ha đất
Kênh nhà Lê từ Trung Lương vào đến Cửa Sót dài khoảng 50 km, hiện đang được nhiều người dân địa phương sử dụng làm tuyến đường vận tải. Khi nước lên, thuyền trọng tải vài chục tấn có thể đi lại dễ dàng. Tại xã Vượng Lộc, năm 1942, người Pháp cho xây một cống ngăn mặn, gọi là cống Đồng Huề. Cống này có chức năng ngăn nước mặn từ sông Nghèn theo thủy triều tràn lên và vẫn còn được sử dụng từ đó cho đến năm 2008, khi công trình thủy lợi ngăn mặn Đò Điệm đi vào hoạt động. Đò Điệm là công trình ngăn mặn, giữ ngọt lớn thứ 2 ở Việt Nam (sau công trình đập Thảo Long ở Thừa Thiên-Huế) và cũng là công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn thứ 2 ở Đông Nam Á hiện nay. Hệ thống đập ngăn mặn này gồm 21 nhịp, chiều dài 266 m, rộng 7 m, có 12 cửa van tự động, 4 cửa van khung, 2 âu thuyền trọng tải 200 tấn.
Ông Trần Duy Chiến, Phó chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, đánh giá kênh nhà Lê có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác thủy lợi và giao thông đường thủy ở phía bắc Hà Tĩnh. Đặc biệt từ khi dự án cống Trung Lương (công trình điều tiết nước ngọt từ sông Lam vào sông Nghèn) hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2001 và dự án ngọt hóa sông Nghèn hoạt động, thau chua rửa mặn thì kênh nhà Lê thực sự góp phần tạo nên kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp vì trước đó gần như hơn 12.000 ha đất ở đây đều bị nhiễm mặn, phải bỏ hoang. Công trình này đã giải cứu diện tích đất này và hiện đang phục vụ tưới tiêu cho 12.500 ha đất nông nghiệp ở ba huyện Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà và khoảng hơn 2.000 ha đất trồng trọt, vườn tược của thị xã Hồng Lĩnh và H.Đức Thọ.
Kênh nhà Lê cùng với nhiều kênh rạch chằng chịt khác đã tạo cho cảnh quan môi trường của vùng đất này trở nên khá đẹp. Dòng kênh cũng mang lại nguồn lợi thủy sản phong phú cho người dân sống ven kênh.
Khánh Hoan - Nguyên Dũng
Bình luận (0)