Lão nông Nguyễn Văn Phích (Tám Phích, 78 tuổi, ngụ ấp Mỹ Bình, xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú, An Giang) được bà con yêu mến vì luôn làm từ thiện bằng cái tâm, từ việc xây cầu, sửa đường, chữa cháy cho đến hàn xe lắc tặng người tàn tật.
“Cao thủ” cầu treo
Về vùng Láng Linh, hỏi nhà ông Tám Phích, ai cũng chỉ nhiệt tình. Mặc dù đã bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông vẫn còn rất khỏe mạnh. Tính đến nay, ông đã làm từ thiện hơn 14 năm. Ban đầu, ông đem củi cho tổ nấu cơm cháo ở các bệnh viện. Thỉnh thoảng, dân trong vùng lại thấy ông rải đá, vá đường cho bà con đi lại dễ dàng. Về sau, ông tham gia bắc cầu treo từ thiện ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh và đi sang các địa phương khác như: Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang…
|
Có lẽ do xuất thân là một nông dân chân đất, quanh năm gắn bó với ruộng vườn, nên ông Tám Phích thấu hiểu những khó khăn của bà con nghèo. Ông tâm sự khi thấy học trò xách cặp qua cầu khỉ, nhiều lúc các em trượt chân rớt xuống kênh, ông đã hạ quyết tâm bắc cầu treo dây văng cho bằng được.
Để tiện lợi cho việc làm cầu, ông Tám Phích mạnh dạn bỏ tiền túi ra mua sắm những dụng cụ chuyên dùng. Hễ địa phương nào nhờ xây cầu treo, chỉ cần điện thoại là ông tới ngay. Dắt chúng tôi xuống mé kênh, ông khoe chiếc trẹt độc đáo do ông tự sửa sang, “cánh tay đắc lực này” đã giúp ông xây hàng trăm cây cầu treo dây văng lớn nhỏ. Trước đây, ông dùng chiếc trẹt để chở máy cày, máy xới làm đồng. Về sau, ông sử dụng nó để chở trụ đèn, máy móc, vật liệu… đi khắp nơi làm cầu. Ông Tám Phích còn có sáng kiến gắn thêm chiếc pa-lăng máy để trục vật nặng khi cần thiết.
Ngoài xây cầu, chiếc trẹt còn được ông tận dụng làm công việc phòng cháy chữa cháy ở địa phương. Ông cho biết: “Tôi mua ống bơm và vài trăm thước dây để dự phòng dưới trẹt. Khi nhà nào xảy ra hoả hoạn, mình có mặt tức thì. Chỉ cần gắn ống dây, cho nổ máy phun nước là có thể dập tắt lửa liền”. Mỗi lần chiếc trẹt “không giống ai” của ông Tám Phích chạy qua là bà con dưới kênh đều cười rần. “Coi vậy mà hiệu quả lắm! Nếu không ai đi theo, chỉ một mình tôi vẫn có thể xoay trở được”, ông Tám Phích vui vẻ nói.
|
Không đợi đủ tiền mới làm từ thiện
Để giúp người tàn tật mưu sinh, ông Tám Phích đã tự chế xe lắc tay cho những người biết chí thú làm ăn, vượt khó vươn lên. Một trong những người tàn tật mà ông nhớ nhất là chị Bầy (ở H.Hồng Ngự, Đồng Tháp). Ông kể ông gặp chị Bầy lúc chị đang chống nạng khập khiễng đi ăn xin trên đường. Chạy qua một đoạn nhưng thấy lòng bứt rứt, ông đã quay lại hỏi thăm gia cảnh của chị. Khi biết được hoàn cảnh đáng thương và nguyện vọng muốn đi bán vé số của chị Bầy, ông hứa sẽ hàn cho chị một chiếc xe lắc để làm phương tiện kiếm sống. “Tôi với thằng con trai út đi mua sắt và làm xong chiếc xe lắc trong vòng 2 tuần. Hôm nhận xe, chị Bầy mừng lắm. Chị mang xe về quê bán vé số, mỗi ngày thu nhập cũng được 100.000 đồng. Cuối năm rồi, chị Bầy có qua thăm tôi. Thấy chị làm ăn được, lòng mình cũng thanh thản”, ông tâm sự.
Từ năm 2009 đến nay, ông Tám Phích đã tặng khoảng 28 chiếc xe lắc cho những người tàn tật. Tiếng lành đồn xa, nhiều bà con ở xa đã tìm đến nhà ông hỏi xin thêm xe lắc. Ông cho biết: “Kinh phí của tôi cũng có giới hạn. Đầu năm nay hết vốn, tôi đã hỏi mua sắt thiếu ở cửa hàng để kịp hàn xe. Nếu có mạnh thường quân nào tiếp sức, cha con tôi sẽ làm mạnh tay hơn. Trong năm nay, tôi sẽ hàn khoảng 10 chiếc xe lắc cho những người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn.”.
Không dừng lại đó, ông Tám Phích còn muốn mua một chiếc xe cứu thương chuyên dụng để kịp thời chuyển bệnh cho bà con vùng sâu, vùng sa. Khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện kinh phí, ông nói chắc nịch: “Nếu thiếu tiền, tôi sẽ bán 14 công đất ruộng để mua xe. Tuổi tôi đã về chiều, không biết sống đến ngày nào, nên quyết tâm thực hiện việc này cho bằng được. Tôi không muốn đợi đủ tiền mới sắm xe cứu thương giúp đỡ bà con”.
Phước Nổi
>> Làm đường cho dân
>> Thanh niên tình nguyện làm đường cho dân
>> Lính trẻ làm đường cho dân
Bình luận (0)