Năm 2008, khi còn là sinh viên năm thứ ba Khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Khánh Tiên đã làm thực tập sinh cho Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save The Children), trong một dự án phòng tránh lây truyền HIV. Năm 2009, dù chưa tốt nghiệp ĐH, cô đã chính thức được nhận vào tổ chức này, với vai trò trợ lý dự án Giáo dục tài chính cho học sinh tại TP.HCM. Và bây giờ, sau 4 năm gắn bó, cô gái này đã trở thành cán bộ dự án.
|
“Tôi không… chảy máu chất xám”
Bên cạnh dự án Giáo dục tài chính, Khánh Tiên còn là một thành viên nòng cốt thực hiện dự án môi trường mang tên Cộng đồng xanh cho trẻ em ở tỉnh Tiền Giang và TP.Cần Thơ. Khánh Tiên bày tỏ: “Trước khi xuống những địa bàn, tôi chú ý tìm hiểu thông tin, tài liệu sách báo và cả những số liệu cơ bản do đối tác cung cấp. Ấy thế mà, lúc trực tiếp khảo sát thực trạng vệ sinh môi trường ở những vùng quê nghèo, tôi mới có thể cảm nhận hết những khó khăn của trẻ em và người dân ở đấy”.
|
Tiên cho hay, trong rất nhiều điều cô ghi nhận từ thực tế, cô đặc biệt ấn tượng và nặng lòng với một ngôi trường cấp 2. Trong ngôi trường đó, hơn 350 học sinh nam lẫn nữ và giáo viên bấy lâu phải sử dụng chung một nhà vệ sinh đã xuống cấp trầm trọng. Sự bất tiện này dẫn đến tâm lý của học sinh và giáo viên phải nín nhịn, chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng tập trung học tập, giảng dạy. Khánh Tiên liên tưởng: “Thời gian qua, khó khăn lớn nhất đối với tôi là thích nghi và làm việc ở những lĩnh vực mới như về nước sạch, vệ sinh môi trường, xây dựng trong dự án mới. Nhưng, so với những gì các em học sinh phải chịu đựng trong câu chuyện trên thì khó khăn của tôi chưa phải là lớn. Vì vậy, tôi tự nhủ phải vượt qua những vấn đề riêng của mình để có thể triển khai tốt dự án”.
Ngoài lĩnh vực mình phụ trách, Khánh Tiên còn hỗ trợ và tham gia học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp trong hàng loạt dự án khác, như: Giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục vị thành niên; Tăng cường năng lực cho trẻ nhập cư, trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV; những dự án phòng tránh HIV và ma túy cho thanh thiếu niên; Nước sạch và vệ sinh môi trường; Chống biến đổi khí hậu; nhóm dự án về cứu trợ khẩn cấp…
Trước câu hỏi: Làm việc cho một tổ chức nước ngoài, Tiên có nghĩ mình cũng là một trường hợp "chảy máu chất xám"? Tiên phản biện: “Tôi đang làm việc trong tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế. Tổ chức này hợp tác với những cơ quan chức năng, đoàn thể tại VN để triển khai nhiều dự án thiết thực nhằm đảm bảo những quyền lợi cơ bản và sự phát triển bền vững của trẻ em VN. Như vậy, mục tiêu những dự án chúng tôi đã và đang thực hiện đều hướng đến lợi ích của chính trẻ em VN, trên đất nước VN. Thế nên, tôi không nghĩ mình nằm trong trường hợp chảy máu chất xám nguồn nhân lực Việt”.
Phải biết xông pha
Là một người còn rất trẻ, Khánh Tiên quan niệm: “Người trẻ thì phải biết xông pha. Nếu mình chưa có kinh nghiệm thì phải chủ động tạo ra cơ hội để trải nghiệm”. Qua những lần tuyển thực tập sinh và trợ lý dự án, cô nhận thấy có những người đang có cơ hội tốt nhưng không biết rèn luyện, không gắn bó công việc, không chịu khó chịu cực nên rốt cục cơ hội cũng vuột mất. Ngược lại, có những ứng viên bị rớt nhưng vẫn kiên nhẫn đeo bám, tự gõ cửa đây đó tìm chỗ thực tập và nỗ lực vươn lên, tức là họ đang tự tạo ra cơ hội cho mình. Trong đó, Tiên cho biết cô đánh giá cao những người thuộc trường hợp thứ hai.
Theo Tiên, khi làm việc cho một tổ chức nước ngoài, cô có những cái “được” và “mất” nhất định. Cái được ở đây là có cơ hội học hỏi những điều mới mẻ, thử thách với nhiều lĩnh vực mới, rèn tính kỷ luật trong phong cách làm việc. Tiên hào hứng nói: “Quá trình làm việc là một lớp học dạy kinh nghiệm thực tiễn mà tôi luôn được song hành mỗi ngày, chứ không phải chỉ đơn thuần là đi làm và nhận lương. Tôi thích một công việc được đi nhiều nơi. Mỗi chuyến đi công tác là một niềm vui vì được gặp những người bạn mới, làm những hoạt động mới và những nhóm trẻ em mới. Đó cũng chính là con đường tôi đã mong muốn từ rất lâu”. Còn cái “mất”? Khánh Tiên thẳng thắn: “Với môi trường năng động và nhiều thử thách này, chúng ta phải luôn sẵn sàng để nắm bắt từng cơ hội đến, sẵn sàng để làm việc với nhiều deadline (thời hạn cuối cùng) và áp lực công việc. Cho nên, không thể tránh khỏi phải làm việc liên tục và dễ rơi vào tình trạng stress. Việc thường xuyên di chuyển và đi công tác chắc chắn cũng sẽ lấy đi nhiều thời gian dành cho gia đình và các mối quan hệ hơn. Ngoài ra, đây cũng không phải là một công việc thật sự ổn định, vì làm việc theo dự án nên bạn sẽ được trả lương theo thời gian nhất định. Sau đó, bạn phải sẵn sàng để tìm cơ hội với dự án khác, hoặc tìm việc ở một tổ chức khác. Nếu nhìn ở mặt tích cực, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm và làm việc với nhiều lĩnh vực hơn, tích góp được nhiều kinh nghiệm ở nhiều dự án với nhiều nhóm đối tượng”.
Tiên khẳng định: “Tôi cho rằng, dù ở môi trường làm việc nước ngoài hay trong nước, chúng ta đều sẽ có những điều được và mất. Quan trọng là chúng ta có chấp nhận được cơ hội và thử thách đó hay không”.
“Không nói đi nói lại”
Có một thời gian, Tiên âm thầm mang một nỗi “khổ tâm” do sở hữu gương mặt… trẻ hơn so với tuổi đời. “Khi làm việc, người ta thường nhìn vẻ bề ngoài của tôi và xem tôi còn con nít. Đó là một yếu tố khiến mình khó đạt được thỏa thuận, nhất là trong những thỏa thuận cần đến độ tuổi và kinh nghiệm sống”, Tiên bộc bạch. Sau những “cố gắng” mang quần áo, trang điểm cho mình… già hơn nhưng không mấy hiệu quả, cuối cùng Tiên vô cùng tâm đắc và luôn áp dụng bí quyết đồng nghiệp tư vấn cho, đó là: “Thông tin và tư duy mình nói phải chính xác và nhất quán, không nói đi nói lại như trẻ con. Chính cách làm việc nghiêm túc, uy tín, vui vẻ, thân thiện của mình sẽ làm người ta phải đánh giá lại”.
Nhìn nhận mình là người “rất nghiện việc”, Khánh Tiên kể: “Đi nhiều, đôi lúc rất mệt nên tôi cũng có than thở. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ chán công việc. Với tôi, công việc cũng là mối nhân duyên, tương tự mình gặp và yêu ai đó”. Cô gái này tự tin nói: “Tôi quan niệm, khi mình đang trẻ và tràn đầy năng lượng thì cần sống hết mình với những đam mê và thử thách. Điều tuyệt vời nhất mỗi ngày thức dậy, là thấy mình luôn được đi trên con đường mình đã chọn".
Chuyên mục Sáng tạo vì khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng. |
Như Lịch
>> Hà Hồ đam mê trang phục đạt kỷ lục Guinness
>> Đam mê mãnh liệt
>> Cháy hết mình với đam mê
>> Đam mê tin học của cô trò nhỏ người Khmer
>> Đam mê" dự Liên hoan phim châu Á
>> Cô gái đam mê mãnh liệt nghề đầu bếp
>> Niềm đam mê cả đời
Bình luận (0)