13 quận nội thành
Theo đề án, 13 quận nội thành (1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú) chỉ có 1 cấp chính quyền, gọi là chính quyền TP.HCM trực thuộc T.Ư với vai trò là đô thị trung tâm, người đứng đầu vẫn là chủ tịch UBND TP; tại mỗi quận, phường sẽ tổ chức bộ máy cơ bản như hiện nay nhưng dưới hình thức là ủy ban hành chính (có thể sẽ được gọi là quận trưởng, phường trưởng).
4 thành phố vệ tinh
Cấp dưới của chính quyền TP.HCM sẽ có 4 thành phố được thành lập mới, gồm: TP.Đông, TP.Nam, TP.Tây và TP.Bắc. Người đứng đầu UBND 4 TP này đề nghị gọi là chủ tịch hoặc thị trưởng và có ngạch bậc tương đương với Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Cụ thể, quận 2, 9 và Thủ Đức thuộc TP.Đông với trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm, phát triển dịch vụ cao cấp về tài chính, công nghiệp công nghệ cao…
|
Toàn bộ Q.7, H.Nhà Bè, một phần diện tích P.7 (phía nam rạch Bà Tàng, Q.8) và 2 xã Bình Hưng, Phong Phú (H.Bình Chánh) thuộc TP.Nam với trung tâm là khu đô thị nam TP, khu vực thị trấn Nhà Bè và khu đô thị cảng Hiệp Phước; cơ sở phát triển là công nghiệp, dịch vụ cảng…
Toàn bộ Q.Bình Tân, một phần diện tích P.7, P.16 (phần phía tây sông Cần Giuộc và đường An Dương Vương, Q.8), diện tích 4 xã An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) thuộc TP.Tây, là đầu mối giao lưu kinh tế với ĐBSCL, với trung tâm là khu đô thị thuộc xã Tân Kiên giáp QL1, tập trung phát triển các ngành dịch vụ, khu công nghiệp, dân cư…
TP.Bắc gồm Q.12 và H.Hóc Môn, là nơi phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nông nghiệp kỹ thuật cao…
3 lợi ích chính của người dân
Theo phân tích của TS Võ Trí Hảo, Khoa Luật (Đại học Kinh tế TP.HCM), về tổng quan, mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) mà TP.HCM đang hướng tới, về bộ máy tổ chức sẽ mang lại những ích lợi sau:
|
Thứ nhất, giảm bớt cấp hành chính kéo theo sẽ giảm bớt các bước trong thủ tục hành chính. Đặc biệt, đề án quan niệm mỗi cấp chính quyền là một “pháp nhân công quyền”. Lúc đó công dân vùng đang đô thị hóa và vùng nông thôn (vùng 2 và 3) sẽ hoặc nộp và nhận lại hồ sơ từ chính quyền cấp xã, TP vệ tinh (nếu vấn đề thuộc quyền của pháp nhân công quyền cơ sở), hoặc nộp và nhận lại hồ sơ tại chính quyền TP (nếu vấn đề thuộc pháp nhân công quyền TP); công dân 13 quận nội thành (vùng 1 - vùng đô thị) thì còn “sung sướng” hơn nữa, chỉ nộp mọi loại hồ sơ tại một cơ quan duy nhất là chính quyền TP, đồng thời là chính quyền cơ sở. Lúc này, việc luân chuyển hồ sơ giữa các bộ phận của pháp nhân công quyền là việc nội bộ của pháp nhân, công dân không cần quan tâm.
Thứ hai, việc đề án công nhận toàn TP là một cộng đồng thống nhất, có thể đi tới việc người dân có thể làm thủ tục hành chính bất kỳ nơi nào mà mình thấy tiện lợi, không nhất thiết phải tại nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú như hiện nay.
Thứ ba, tất cả các vụ án hành chính trong hoạt động công vụ ở TP, sẽ chỉ có 2 loại bị kiện duy nhất: chính quyền TP và chính quyền cơ sở. Việc công dân, doanh nghiệp đòi bồi thường nhà nước cũng sẽ dễ hơn rất nhiều so với hiện nay. Công dân dễ dàng đòi bồi thường nhà nước, thì nhà nước phải thận trọng hơn trong hành xử quyền lực.
Tạo ra nhiều đột phá
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, thành viên ban soạn thảo đề án, cũng cho rằng với mô hình tổ chức 4 đô thị trực thuộc sẽ tăng tự chủ, có điều kiện nâng cao phúc lợi cho người dân tốt hơn thay vì cả TP lớn phải quán xuyến toàn bộ. Khi tổ chức 4 đô thị trực thuộc thành một cấp chính quyền đầy đủ thì ở đó sẽ thiết lập các cơ quan dân cử cơ sở mà ở đó tiếng nói, hoạt động người dân gắn chặt với bản chất chính quyền của dân, đó là hướng tới mô hình mới.
Theo TS Lịch, khi đề án được triển khai sẽ tạo ra nhiều đột phá. 2 cấp chính quyền bao gồm cấp TP trực thuộc T.Ư và cấp cơ sở sẽ thực chất hơn, minh bạch tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, “chứ không họp nhau rồi đi xin, đề nghị như hiện nay”. Đặc biệt, ông cho rằng mô hình CQĐT giúp phúc lợi công cộng sẽ rõ ràng và thực chất hơn. “Ví dụ 13 quận nội thành thì phúc lợi chung của xã hội thì chung cho 13 quận nội thành chứ không phải là ở nơi nào học nơi đó, chỗ nào thuận tiện thì mình cho con cái theo học. Tương lai phúc lợi của TP này hơn TP kia thì người dân có thể so sánh. Các TP sẽ phải cạnh tranh hơn để phục vụ dân tốt hơn, chính quyền sẽ thi đua với nhau để nâng phúc lợi lên”, ông phân tích.
Đà Nẵng xây dựng đề án từ 2007 Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng kiêm Phó trưởng ban soạn thảo xây dựng đề án xây dựng CQĐT Đà Nẵng, cho biết từ năm 2007 Đà Nẵng cũng là một trong các địa phương được giao nghiên cứu xây dựng mô hình CQĐT, trong đó có việc thí điểm thực hiện mô hình bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường vì có quá nhiều hạn chế, bất cập. Đến nay, việc thực hiện mô hình bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường đã được áp dụng hiệu quả, bộ máy chính quyền thậm chí còn hoạt động thuận lợi hơn. Theo ông Ngữ, đề án CQĐT Đà Nẵng hứa hẹn sẽ tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế trong phục vụ nhân dân, ví dụ như bộ máy các sở, ban, ngành được sắp xếp lại quy rõ trách nhiệm để giải quyết vấn đề người dân tránh tình trạng sự vụ liên quan nhiều ban ngành nhưng không ai chịu trách nhiệm chính, lực lượng cảnh sát đô thị cũng sẽ có vai trò xử lý rốt ráo vi phạm hành chính phát sinh, chấm dứt tình trạng người dân chờ đợi nhiều ban ngành liên quan phối hợp mới xử lý được vi phạm. Đề án này đã hoàn thành dự thảo vào cuối năm 2011. Hiện Ban soạn thảo xây dựng đề án đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của T.Ư và đang tiếp tục hoàn thiện để sắp đến tiếp tục trình lần 2. Ng.Tú |
Đình Phú - Nguyễn Tú
* Xem chi tiết dự thảo đề án trên thanhnien.com.vn
>> TP.HCM lên đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị
>> Đề xuất chọn TP.HCM làm thí điểm chính quyền đô thị
>> Chủ động phối hợp thí điểm mô hình chính quyền đô thị
>> Thành lập Phòng Xây dựng chính quyền đô thị
>> TP.HCM thành lập Phòng Xây dựng chính quyền đô thị
>> Cần hiến định mô hình chính quyền đô thị
Bình luận (0)