Tim là một bộ phận chăm chỉ nhất, vì nó hoạt động liên tục trong suốt toàn bộ thời gian tồn tại của chúng ta và hệ mạch vành là hệ thống mạch máu riêng của tim nhằm đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ và liên tục cho tim. Bệnh mạch vành (còn gọi là thiếu máu cơ tim) là tình trạng lòng mạch bị hẹp một phần hoặc tắc nghẽn làm hạn chế dòng máu đến nuôi dưỡng tim.
Bác sĩ Trần Lê Vũ cho biết: “Nếu không phát hiện kịp thời, bệnh mạch vành có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm hơn đó là lòng mạch tắc nghẽn hoàn toàn và có thể bị hoại tử cơ tim - được biết với tên gọi: nhồi máu cơ tim. Đây là tình trạng cấp cứu khẩn trong y khoa vì tỉ lệ tử vong rất cao”.
Dấu hiệu đầu tiên có thể “gợi ý” đến bệnh mạch vành đó là: cơn đau thắt ngực. Một số từ ngữ bệnh nhân thường dùng để diễn tả cơn đau như: bóp nghẹn, đau thắt, bị đè ép, co siết. Hoặc có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu khác: bỏng rát ngực, vã mồ hôi, khó thở… Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác, bác sĩ không chỉ dựa vào tính chất cơn đau thắt ngực mà còn bao gồm các yếu tố khác như: vị trí đau, hướng lan tỏa, độ dài cơn đau, hoàn cảnh xuất hiện cơn đau, các yếu tố nguy cơ đi kèm…
Thêm vào đó ngoài bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim, còn có các nguyên nhân khác có thể dẫn đến cơn đau ngực hoặc đau thắt ngực (dạng nhẹ) như: viêm màng ngoài tim, co thắt - trào ngược thực quản, viêm túi mật…
Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể tham gia gửi câu hỏi về cho chương trình để được tư vấn giải đáp thắc mắc.
|
ThS-BS Trần Thị Như Hoa nhận định: “Trên thực tế không phải lúc nào cũng có thể thu thập được đầy đủ các thông tin đặc điểm của cơn đau thắt ngực do bệnh mạch vành gây ra. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân không có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến cơn đau thắt ngực, mà chỉ vô tình phát hiện bệnh lý khi thực hiện đo điện tâm đồ (ECG) trong gói khám sức khỏe tổng quát”. |
Thanh Niên Online
Ảnh: Diệp Đức Minh
Bình luận (0)