Bà Huỳnh Ngọc Vân: Đánh thức bảo tàng cho tương lai

13/08/2013 05:30 GMT+7

Bảo tàng là một nơi tưởng chừng chỉ dành cho quá khứ. Nhưng bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) luôn biết cách “làm mới” những chứng tích lịch sử bằng các hoạt động độc đáo để thu hút công chúng.

“Ẩm thực thời kháng chiến” là một trong những hoạt động thu hút đông đảo du khách tham gia và gây ấn tượng sâu sắc trong lòng họ.

Thay vào những kiểu trưng bày triển lãm truyền thống, bà Vân đã cho dựng những mái nhà tre lá đơn sơ ở sân bảo tàng và mời nhân chứng chiến tranh tham gia chương trình. Họ là những cựu chiến binh, dân công, chị nuôi, anh nuôi, giao liên trong thời chiến. Chính tay họ sẽ làm lại những món mà họ từng ăn trong những năm tháng chiến đấu như khoai mì, khoai lang nướng, cơm nắm muối mè, tôm, cá nướng trui...

“Làm mới quá khứ”

“Chúng ta thường nói với thế hệ trẻ rằng chiến tranh gian khó thế này thế khác nhưng chắc là họ khó hình dung hết được những gì cha ông đã trải qua. Nếu chỉ bằng sách vở, hình ảnh trưng bày thôi thì chưa đủ. Tôi muốn tái hiện một phần quá khứ gian khổ mà hào hùng thông qua những con người thật. Và chúng tôi lựa chọn một góc độ rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày ít khi được nhắc đến, đó là ẩm thực. Thông qua những món ăn, gắn với từng câu chuyện cụ thể, tôi tin rằng du khách sẽ cảm nhận được một cách sâu sắc những khó khăn, gian khổ trong chiến tranh”, bà Vân chia sẻ.

 

Chúng tôi luôn cố gắng tìm ra cái gì đó mới lạ trong cách thức thể hiện và bằng các hoạt động cụ thể để làm mới quá khứ. Thông qua các hoạt động như vậy lịch sử dân tộc sẽ dễ thẩm thấu vào lòng thế hệ hôm nay

Không chỉ có “ẩm thực thời kháng chiến”, bà còn xây dựng nhiều hoạt động sôi nổi khác gắn với các ngày lễ tết như: Ông bà cháu cùng đến với bảo tàng nhân ngày Gia đình Việt Nam, Phụ nữ thời chiến nhân ngày 8.3, Tình yêu trong chiến tranh (14.2), Trẻ em thời chiến, hướng dẫn viên nhí... Trung bình mỗi tháng, tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đều có một hoạt động để thu hút du khách. Bên cạnh đó có khoảng 15 - 20 chương trình triển lãm lưu động do bảo tàng tổ chức ở các địa phương khắp cả nước.

Bà Vân cho rằng: “Khi nói đến bảo tàng người ta luôn nghĩ rằng đó là nơi dành cho lịch sử là quá khứ. Chúng tôi luôn cố gắng tìm ra cái gì đó mới lạ trong cách thức thể hiện và bằng các hoạt động cụ thể để làm mới quá khứ. Thông qua các hoạt động như vậy, lịch sử dân tộc sẽ dễ thẩm thấu vào lòng thế hệ hôm nay”.

Nhà ngoại giao nhân dân

Từ những hoạt động thiết thực, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thường xuyên là địa chỉ được nhiều du khách lựa chọn để giao lưu với những nhân chứng lịch sử. Đây cũng là một trong những nơi thu hút lượng du khách nước ngoài đông nhất thành phố.

 
Bà Huỳnh Ngọc Vân - Ảnh: Chí Nhân

Lần đầu tôi gặp bà Vân là lúc bà đang làm người dẫn chuyện trong một cuộc giao lưu giữa 2 cựu chiến binh Việt Nam và một nhiếp ảnh gia người Argentina. Vị nhiếp ảnh gia này đang thực hiện một cuốn sách ảnh nói về chiến tranh Việt Nam. Trong chiếc áo dài màu tím, tóc búi cao trông rất truyền thống và gần gũi, cùng với cách dẫn chuyện nhẹ nhàng, bà Vân đã làm cho buổi giao lưu giữa những con người xa lạ nhanh chóng trở nên sôi nổi. Những người cựu chiến binh Việt Nam còn “nổi hứng” đàn hát để minh họa cho câu chuyện của mình. Vị khách người nước ngoài thì xúc động, không ngớt lời cảm ơn 2 cựu chiến binh Việt Nam và bà Vân, vì đã giúp ông thu thập được nhiều tư liệu quý.

“Là giám đốc sao bà phải đích thân làm những việc này?”, tôi thắc mắc.  Bà cười: “Công việc thấy vậy chứ không đơn giản. Để tổ chức được một buổi giao lưu phải rất công phu, phải nắm được nội dung giao lưu để tìm nhân vật thích hợp, rồi phải biết được tính cách nhân vật của mình, câu chuyện, tình trạng sức khỏe của họ như thế nào thì mới làm được. Đó là chưa kể người dẫn chuyện phải có sự am hiểu về lịch sử và văn hóa, có như vậy thì mới tạo được sự gần gũi cho buổi giao lưu. Có trường hợp là những buổi giao lưu giữa các cựu chiến binh của cả hai phía. Không khí ban đầu căng thẳng dữ lắm, rất cần người dẫn chuyện có bản lĩnh, kinh nghiệm thì buổi giao lưu thành công”. Nhiều du khách muốn giao lưu với nhân chứng lịch sử ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cũng là vì thế. Có du khách đã quay lại đây nhiều lần, thành những người bạn của bảo tàng và tham gia các hoạt động từ thiện xã hội cũng là vì thế. Như trường hợp của vợ chồng bác sĩ vật lý trị liệu John Fisher người Mỹ cùng đoàn bạn bè đã nhiều lần trở lại Việt Nam tổ chức các hoạt động từ thiện. Bà gọi đó là công tác “ngoại giao nhân dân” và đang cố hết sức để làm thật tốt. Trên thực tế, chuyện du khách quay trở lại bảo tàng và thậm chí nhiều lần là một điều đặc biệt của ngành bảo tàng Việt Nam và cả thế giới mà Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là nơi hiếm hoi làm được.

Có người từng hỏi như thách thức: “Ở đây có nhiều lợi thế nên làm gì cũng dễ, giờ nếu chuyển qua nơi khác - bảo tàng địa chất chẳng hạn thì bà sẽ làm gì?”. “Tôi cũng không biết chắc, có thể tôi sẽ tổ chức các hoạt động giới thiệu về tài nguyên khoáng sản, các loại đá quý của nước mình”, bà tươi cười đáp.

Trong kế hoạch của mình, bà ấp ủ sớm xây dựng được một cuộc triển lãm về nạn đói 1945. Theo bà, đó là một trong những bằng chứng tồi tệ nhất mà chiến tranh đã gây ra cho nhân dân Việt Nam. Triển lãm sẽ tạo ra một không gian để khách tham quan có thể đi giữa những xác người (mô hình), trong cái không khí giá rét của miền Bắc, tai có thể nghe thấy những tiếng than thở của thân phận người dân mất nước. Có thể tưởng tượng đó là một bảo tàng được xây dựng theo kiểu 4D. “Tôi đang xúc tiến khâu chuẩn bị, nếu may mắn khoảng 10 năm nữa có thể có. Vào thời điểm đó có thể tôi đã về hưu, nhưng tôi muốn đặt những viên gạch đầu tiên để những người kế cận sớm hoàn thành được việc này. Tôi vẫn mong muốn Việt Nam mình có được một bảo tàng hay một cuộc triển lãm như thế”, bà tâm sự.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.