Ông Mai Văn Huỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết toàn tỉnh hiện có 28 cơ sở dạy nghề. Trong 3 năm qua (năm 2010 đến tháng 6.2013) đã có 128.800 lượt người được học nghề, bình quân mỗi năm có 38.000 LĐ được đào tạo nghề. Riêng LĐ là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học nghề hằng năm trên 4.600 người, tập trung vào các trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề và học nghề theo đề án 1956.
|
Tỷ lệ LĐ nông thôn sau học nghề có việc làm tăng lên hằng năm (năm 2010: 70%, năm 2011: 77%, năm 2012: 80%). Trong đó LĐ có việc làm ở nước ngoài là 416 người, có việc làm trong và ngoài tỉnh 111.335 lượt người. Số học sinh tốt nghiệp ra trường hằng năm có việc từ 73% trở lên, trong đó người dân tộc thiểu số sau khi học nghề có việc làm khoảng 3.000 lao động/năm. Tỷ lệ LĐ chuyển đổi từ LĐ nông nghiệp sang phi nông nghệp sau học nghề đạt khoảng 14,7%, số LĐ sau học nghề thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp 93 người, số hộ gia đình thoát nghèo sau học nghề là 967 hộ, số hộ gia đình có người tham gia học nghề có việc làm trở thành hộ khá gần 1.600 hộ.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, hướng đến mục tiêu giảm nghèo, trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2012, tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề đạt 30%, thất nghiệp giảm còn 2,6% và hộ nghèo giảm còn 5,7%. Các ngành chức năng của tỉnh đã thẩm định và cho vay 900 dự án với số tiền giải ngân hơn 28,5 tỉ đồng từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Gần 67.200 lượt hộ được vay vốn giảm nghèo với hơn 414 tỉ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh nhỏ; hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 4.500 hộ nghèo với vốn đầu tư xây dựng khoảng 100 tỉ đồng; đầu tư 23 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho 18 xã nghèo…
Giang Sơn
Bình luận (0)