Sai lệch “chết người” trong xét nghiệm: Chưa có labo xét nghiệm trọng tài

13/08/2013 11:00 GMT+7

Lâu nay, chúng ta chưa có “labo xét nghiệm trọng tài”, vì thế, người bệnh chỉ theo cảm tính, hay đặt niềm tin của mình vào cơ sở y tế nào thì đến nơi ấy kiểm tra lại xét nghiệm nếu thấy nghi ngờ kết quả xét nghiệm trước đó.

>> Sai lệch "chết người" trong xét nghiệm

Người bệnh không biết kiểm lại ở đâu !

Bác sĩ Đ.T (người có thâm niên tại một bệnh viện (BV) đa khoa lớn ở TP.HCM) nói: “Nếu máy móc cũ kỹ, không được kiểm tra sẽ cho kết quả sai số. Có những công ty đưa máy dạng phế thải từ các nước, không bao nhiêu tiền, về “mông má” lại rồi cho BV mượn, mục đích để bán hóa chất cho BV. Chưa đầy 1 năm bán hóa chất là công ty đã lấy lại tiền mua máy bỏ ra! Tuy nhiên, nguồn máy này chưa được ai kiểm tra chặt chẽ, đây là điều đáng quan tâm; chưa nói nguồn hóa chất do công ty cung cấp chưa được kiểm soát chặt”.

 
Một khâu kiểm tra lại kết quả xét nghiệm để đảm bảo sự chính xác - Ảnh: Thanh Tùng

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng nhìn nhận: “Vấn đề Báo Thanh Niên nêu đúng là Bộ Y tế đã nhận ra từ nhiều năm qua. Trong một số tình huống, cho phép sai số, nhưng phải chênh lệch không quá lớn. Sai lệch kết quả xét nghiệm thực sự là sai lệch về tình trạng sức khỏe. Việc Thanh Niên phản ánh đã hỗ trợ ngành y tế trong việc nâng cao chất lượng xét nghiệm, góp phần chấn chỉnh các cơ sở cần chú trọng hơn trong vấn đề tuân thủ các quy trình, đảm bảo sự chính xác cho các kết quả xét nghiệm, để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị”.

“Do vậy, năm 2008, Bộ đã có chương trình hành động quốc gia nâng cao chất lượng xét nghiệm y học. Bộ đã thành lập hai trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm, có các chương trình ngoại kiểm có vai trò điều phối các BV gửi mẫu xét nghiệm lên trung tâm này để xem mẫu BV làm và mẫu chuẩn có khác biệt nhau không để đánh giá nguyên nhân không chuẩn là do đâu”, ông Khoa nói.

 

Lâu nay, chủ yếu người bệnh cảm nhận, hoặc đặt niềm tin vào cơ sở y tế nào đó về xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán thì họ đến thôi, chứ chưa có nơi cụ thể để người bệnh kiểm tra lại nếu nghi ngờ kết quả trước đó

Bác sĩ Phan Thanh Hải (Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM)

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi với nhiều bác sĩ về việc “nếu người bệnh nghi ngờ kết quả xét nghiệm của BV nào đó chưa chính xác, thì họ có thể đến một nơi nào đó kiểm tra lại cho yên tâm?”, thì tất cả các bác sĩ đều cho biết: “Vấn đề này hiện nay chúng ta chưa có”.

Bác sĩ Phan Thanh Hải (Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM) nói: “Lâu nay, chủ yếu người bệnh cảm nhận, hoặc đặt niềm tin vào cơ sở y tế nào đó về xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán thì họ đến thôi, chứ chưa có nơi cụ thể để người bệnh kiểm tra lại nếu nghi ngờ kết quả trước đó”.

Tương tự, một cán bộ chuyên về xét nghiệm ở TP.HCM cũng cho rằng: “Điều nhà báo hỏi đúng là chúng ta chưa có; còn trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm chỉ là đơn vị hỗ trợ chuyên môn để các BV xây dựng quy trình thao tác xét nghiệm mà thôi, chứ người dân không thể đến đây để kiểm tra lại xét nghiệm”.

Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm

Theo thạc sĩ - dược sĩ Trần Hữu Tâm - Giám đốc Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm TP.HCM, chu trình xét nghiệm có 3 giai đoạn gồm: giai đoạn trước xét nghiệm, xét nghiệm, và sau xét nghiệm. Theo thống kê chung của quốc tế thì tỷ lệ sai số có thể xảy ra trong mỗi giai đoạn như sau: giai đoạn trước xét nghiệm từ 49-73%, giai đoạn xét nghiệm từ 7-13%, giai đoạn sau xét nghiệm từ 38-66%.

Trong đó, giai đoạn trước xét nghiệm gồm có các khâu như, lấy mẫu xét nghiệm, ghi nhãn, bảo quản, vận chuyển mẫu (từ khoa lâm sàng đến khoa xét nghiệm), xử lý mẫu, quay ly tâm... Nếu việc lấy mẫu (như lấy máu) không đúng cách, hay vận chuyển, bảo quản mẫu không đảm bảo, hoặc máy quay ly tâm không được kiểm tra, không chuẩn thì sẽ đưa đến sai số trong xét nghiệm. Giai đoạn xét nghiệm (phân tích, làm xét nghiệm...), nếu như hóa chất có vấn đề cũng sẽ có nguy cơ làm sai số. Giai đoạn sau xét nghiệm gồm xuất kết quả xét nghiệm, xem xét biện luận, trả kết quả... bị sai cũng làm sai số.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế nói: “Các quy định đã rõ ràng, nếu các BV không tuân thủ thì chính giám đốc BV phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm này càng lớn, nếu kết quả xét nghiệm sai lệch lớn, được xác định là gây ảnh hưởng đến sự chính xác của chẩn đoán, hay việc điều trị”.

Theo ông Khuê, vấn đề Thanh Niên phản ánh là việc ngành y tế rất quan tâm và đang rốt ráo chấn chỉnh.

Thế nhưng, trả lời Thanh Niên, hầu hết các bác sĩ ở TP.HCM đều cho rằng: “Phần lớn các khoa xét nghiệm ở BV ít khi thực hiện kiểm chuẩn máy xét nghiệm buổi sáng hằng ngày, kể cả máy quay ly tâm xài lâu ngày cũng không được kiểm tra về vòng quay, vì không đầu tư máy để kiểm tra máy quay ly tâm!”.

Chỉ 20/hơn 1.000 bv có phòng xét nghiệm đạt chuẩn

Theo Bộ Y tế, hiện trong tổng số hơn 1.000 BV trên cả nước, chỉ có hơn 20 BV có phòng xét nghiệm đạt chuẩn theo ISO 15189, như Khoa Hóa sinh, Khoa Vi sinh (BV Bạch Mai, Hà Nội); Khoa Vi sinh - Phòng Xét nghiệm lao chuẩn quốc gia (BV Lao và bệnh phổi T.Ư - Hà Nội); Khoa Hóa sinh (BV Nhi đồng 1 - TP.HCM)...; khi đạt chuẩn này sẽ giúp giảm thấp nhất việc sai lệch kết quả xét nghiệm.

Thanh Tùng - Liên Châu

>> Người tố cáo gian lận xét nghiệm
>> Gian lận xét nghiệm ở BVĐK Hoài Đức: Xem thường tính mạng con người
>> Lấy mẫu xét nghiệm gia cầm sống
>> Bệnh viện 'nhân bản' một xét nghiệm cho nhiều bệnh nhân
>> Xét nghiệm sữa mẹ xác định lượng omega 3

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.