Sau mấy ngày đọc 36 bài thơ được trình bày chăm chút, sang và giản dị, tôi nói: “Sông Trắng là thơ của một lão nông”. Nhà thơ Lê Chí đang ở Cần Thơ, cùng quê Cà Mau và cùng thế hệ với tác giả, nói: “Lão nông có chữ. Là cán bộ ở Khu đoàn Khu 9, lên miền Đông học rồi vào giải phóng Sài Gòn năm 1975. Lão nông hiền lắm, tâm trạng lắm”. Người bạn đang làm việc ở báo Thanh Niên nói: “Hồi còn làm ở báo Minh Hải, mình đã in thơ của ổng. Thơ ổng có nhiều hình ảnh”. Xin được trích:
Như hạt sương, bài mở đầu tập thơ: đến một ngày không xa lắm/ mình sẽ như hạt sương lấm tấm/ tan biến/ dần/ có một nỗi đắm say/ được trèo lên hái trái/ càng đến gần/ bật thèm nhỏ dãi/ đạp dưới chân mình những thảm cỏ non tơ/ tan biến dần/ những vị ngọt giả vờ.
Còn đây, Buồn giáp hạt (trang 44): tháng năm nắng cháy/ đất bạc đầu/ người bất lực bạc đầu/ cả cuộc đời lặn ngụp đồng sâu/ nay đất cũng hóa thành đất trắng/ tiếng vạc đói mồi kêu đêm rời rạc/ trâu quay về nứt nẻ dấu chân/ tháng Năm ơi/ đậm đặc nỗi nhọc nhằn/ nuôi hy vọng trong bàn tay nhỏ bé. Bài thơ không ghi thời gian sáng tác và chữ của lão nông đã hóa nỗi buồn.
Ký ức chiến tranh bàng bạc trong Sông Trắng. Bài Ngày về của người lính có đoạn chót như vầy: cầm lại cuốc cày bằng một bàn tay máu ứa/ một mảnh vườn hoang/ mấy hố bom há miệng/ đè lên nỗi đau/ bước vào chiến trận/ phía trước phía sau chỉ có một mình/ đêm chong đèn/ ngày lam lũ, lặng thinh/ thương con cuốc không còn chỗ ở/ bầy ròng ròng lẩn quẩn chờ mưa/ bên này mấy liếp dưa/ bên kia vườn cà chín đỏ/ cô gái lỡ thì gánh hàng ra chợ/ không buồn bớt một thêm hai/ mấy lượt trở mình nghe gió khuya lay/ cái lạnh tràn vào bếp trống/ người đã khuất non cao sông rộng/ mươi năm đắng đót đợi chờ/ cây đã nặng cành/ thèm một tiếng ầu ơ. Cuối bài thơ Viếng mộ chị Võ Thị Sáu được viết vào năm 2012: hàng dương lặng/ cõi vô thường tĩnh lặng/ khói hương bay đắp trên giấc ngủ dài/ lược gương như bao người con gái/ gió đã già, chị vẫn còn trẻ mãi.
Một ngày tháng 10.1995, ông gởi tâm trạng của mình vào bài thơ Sông Trắng: mưa trên sông hóa thành sông trắng/ đẩy lùi những bến bờ xa/ chiều Năm Căn trời sa, đất lặng/… sông quê bạc phếch hạt mưa chiều/ ngửa mặt trầm tư mi sông bạc.
Bước vào tuổi 73, lão nông viết bài thơ Lỡ hẹn, 3 câu đầu: anh không về như đã hẹn/ căn nhà nhỏ bên sông Trẹm/ từ hôm ấy tạnh đợi mong; và 4 câu cuối: tháng tư nào rạng rỡ non sông/ anh đã ngủ giấc dài trên bậc cửa/ buổi sum họp chỉ thiếu vài bước nữa/ để tay em chới với suốt đời.
Tới trang chót của Sông Trăng, trang 74, tác giả ghi ở cuối bài Vào cuộc rong chơi năm sáng tác là 2013. Và đây là “cuộc rong chơi” của lão nông 74 tuổi: sớm mai nào ta trở về với gió/ lay nhẹ cành, vờn luống mạ non/ mãi rong ruổi những chân trời thẳm/ bỏ sạch trơn thương nhớ, mất còn/ sớm mai nào ta lơ lửng cùng mây/ lang thang trôi tận trời cuối đất/ hóa thân thành núi non huyền hoặc/ những đền đài ảo ảnh thoắt biến tan/ sớm mai nào ta tan vào biển/ không dấu chân không sợi tóc ngắn dài/ miên man sóng khỏa/ trăng xanh lạnh/ bờ bãi xưa bỏ lại bên sông/ sớm mai nào ta cuộn trong chăn đất/ miên man chiêm bao giấc ta bà/ khói hương bay trên cánh đồng quên lãng/ tang tình tang hồn vào cuộc rong chơi.
Nhà thơ Lê Chí nói: “Bìa tập thơ đẹp” - bìa của Hiếu Vũ. Sông Trắng in 500 bản, do NXB Thời Đại và Hội Văn học nghệ thuật Cà Mau ấn hành, quí 3.2013, không in giá bán.
Huỳnh Kim
Bình luận (0)