Cho con đi học 'bé đảm'

15/08/2013 09:22 GMT+7

“Con đợi cho con tôm chết rồi mới cắt râu, vì nó còn sống mà đã cắt, con rất thương, con không muốn rán quả trứng này, vì bên trong có em gà con”... Đó là những câu nói ngộ nghĩnh của các học sinh một lớp “bé đảm” ở Hà Nội.

Khi chúng tôi đến thăm một buổi học của “bé đảm” dưới tầng hầm của trường tiểu học NS (khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Q.Thanh Xuân), gần chục đầu bếp nhí chia thành hai nhóm đang chuẩn bị làm món tôm rim. Bé lấy muối, bé rót mắm để ướp tôm. Cô giáo bật bếp từ, mỗi bé một đôi đũa đảo tôm trong chảo một cách khéo léo. Đây là món thứ hai các bé được học hôm ấy, sau món cá kho.

Thọat nhìn, cứ tưởng “bé đảm” là một lớp học nấu ăn cho các bé từ mẫu giáo đến cấp 1. Nhưng quan sát từ đầu đến cuối buổi học, mới thấy lớp học này không chỉ dạy các bé làm bếp.

“Đem đến cho trẻ sự thích thú với công việc bếp núc, và biết yêu lao động”, chị Nguyễn Quỳnh Hương, người sáng lập ra lớp “bé đảm” nói.

Cho con đi học  
Các “bé đảm” đang học làm món tôm rang - Ảnh: T.T

“Bé đảm” được mở tháng 6.2013, khi chị Quỳnh Hương và một vài bà mẹ khác tìm lớp kỹ năng sống cho con trong hè.

“Toàn thấy các lớp dạy trẻ thành nghệ sĩ với siêu nhân, trong khi mình chỉ cần con trở thành người bình thường, yêu lao động, là con gái hay con trai thì cũng nên biết cả chuyện bếp núc”, chị Hương nói, và thế là ý tưởng về một lớp dạy con “thành người bình thường” ra đời.

Chị cùng một người bạn của mình mở “bé đảm”, lớp học nội trợ dành cho các bé 4-10 tuổi và làm luôn giáo viên.

Mỗi khóa “bé đảm” gồm 10 buổi, các bé được làm quen với việc đi chợ mua thực phẩm, sơ chế và nấu món ăn, rồi… ăn hết những món mà mình đã nấu.

Ở nhà, nhiều khi bố mẹ phải dỗ dành, nhưng ở lớp, món nào cũng được các bé ăn ngon dù mặn, nhạt hay cháy.

“Hôm nấu canh ngao mùng tơi, có bạn bảo mình không ăn được mùng tơi, nhưng sau buổi học thì khen: rau này ngon ghê cô ạ”, chị Quỳnh Hương kể.

Chị Đỗ Lan Phương ở Linh Đàm, mẹ bé Hà Mi, 10 tuổi nói: “Mới đầu cháu cũng không hào hứng lắm. Nhưng chỉ sau một buổi học “bé đảm” về đã thấy cháu đòi tự tráng trứng, nấu canh”.

Chị Nguyễn Thị Huyền, mẹ ba bé Ngọc Linh, Ngọc Ánh, Thùy Dương thì kể: “Có hôm mẹ nấu ngon rồi, nhưng ba chị em vẫn tự rán mỗi đứa một quả trứng và ăn”.

Chị Ngân, một giáo viên của “bé đảm” cho biết: mỗi nhóm có một giáo viên hướng dẫn giúp bé không bị bỏng hay đứt tay, các đồ làm bếp của các bé cũng phải rất an toàn để hạn chế tối đa sự cố. Qua hai khóa học, mới chỉ có một bé suýt bị bỏng tay vì chạm vào chảo rang lạc. Nhưng theo chị Quỳnh Hương thì trải nghiệm cảm giác bị đau vì mình chưa khéo léo, ở mức độ nào đó cũng là cần thiết với các con.

Xem các bé học đến cuối buổi, chúng tôi khá bất ngờ khi các bé tự thu dọn bát đĩa và mang ra chậu rửa sạch, sau đó xếp gọn vào rổ. Ra về, trên tay mỗi bé là một hộp cá kho, món vừa nấu trong buổi học.

Chi phí cho mỗi bé là 1,5 triệu đồng một khóa, gồm cả tiền mua thực phẩm cho các buổi học, theo chị Quỳnh Hương, đây chỉ là việc góp tiền để tổ chức dạy con chứ không phải là mở lớp để kinh doanh, mặt khác, để duy trì lớp học thì chị và các mẹ khác phải khá vất vả.

Tuy nhiên, theo chị Hương, đã có một số trường học liên hệ và muốn đưa “bé đảm” vào chương trình vì nhiều phụ huynh đã thấy được sức hấp dẫn của nó.

Tịnh Tâm

>> Chăm lo học sinh hiếu học
>> Học sinh lớp 1 tăng, lớp 10 giảm
>> Hướng nghiệp cho học sinh còn chiếu lệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.