Để học sinh phổ thông đạt chuẩn khi tốt nghiệp

17/08/2013 03:20 GMT+7

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần thiết xây dựng chuẩn đầu ra ở bậc THPT nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đánh giá đúng năng lực thực sự của học sinh.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần thiết xây dựng chuẩn đầu ra ở bậc THPT nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đánh giá đúng năng lực thực sự của học sinh.  

Các chuyên gia nhìn nhận việc đánh giá năng lực học tập của học sinh THPT ở nước ta hiện nay còn mang tính chủ quan khi hầu như kết quả học tập của học sinh chỉ thông qua đánh giá của giáo viên, nhà trường qua các bài kiểm tra, thi học kỳ; không có đánh giá ngoài để thể hiện tính khách quan. Hơn nữa, khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở các địa phương luôn đạt gần 100%, nhiều người tỏ ra thiếu tin tưởng vào “chuẩn” đánh giá cấp quốc gia như hiện nay. Vì vậy, việc xây dựng chuẩn đầu ra gồm một hệ thống đánh giá sát thực tế và khoa học càng được quan tâm. Các trường THPT căn cứ vào bộ chuẩn đó, thực hiện đánh giá năng lực học tập của học sinh và cũng có thể dùng chuẩn này thay thế kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay.

 Để học sinh phổ thông đạt chuẩn khi tốt nghiệp
Nhiều chuyên gia giáo dục đề nghị nên có chuẩn đầu ra đối với bậc phổ thông - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

TS Nguyễn Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cho biết: “Ở nhiều nước phát triển, nhất là Mỹ, họ đã xây dựng được chuẩn đầu ra cho học sinh THPT và áp dụng trong nhiều năm nay. Dựa trên bộ tiêu chí đánh giá, năng lực của học sinh thể hiện rất rõ và khoa học. Ở nước ta hoàn toàn có thể làm được vấn đề này”. Bà Dung cho biết thêm: “Nếu có sự đánh giá ngoài theo bộ chuẩn sẽ có thể xóa bỏ được bệnh thành tích trong học tập”.

Ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, nói: “Ở Úc, người ta cũng thực hiện đánh giá học sinh THPT theo chuẩn đầu ra. Việc này là cần thiết vừa mang tính khoa học lại hiệu quả. Chúng ta cần tham khảo cách làm của họ, sau đó xây dựng hệ thống đánh giá, hình thành nên chuẩn chung sao cho phù hợp với tình hình nước mình”. Đồng tình, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, mong muốn: “Các trường ĐH xây dựng được chuẩn đầu ra để nâng cao chất lượng đào tạo vậy thì ở THPT chúng ta cũng nên làm. Tuy nhiên, chúng ta nên xây dựng chuẩn chung, chứ đừng làm theo kiểu của ĐH là mỗi trường mỗi chuẩn”.  

Lãnh đạo nhiều trường THPT cho rằng sẵn sàng ủng hộ và tham gia đóng góp ý kiến, nếu ngành giáo dục thực hiện chuẩn đầu ra ở THPT. Ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT DL Thanh Bình (TP.HCM), cho biết: “Nếu có bộ chuẩn, trường công, trường tư sẽ có cơ sở đánh giá như nhau. Chất lượng đào tạo ở các trường hoàn toàn có thể so sánh được”. Bà Lê Thanh Mai, Hiệu phó Trường THPT Tam Phú, Q.Thủ Đức, tâm tư: “Hiện nay, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh là do giáo viên bộ môn. Mỗi giáo viên có cách kiểm tra, chấm bài nặng nhẹ khác nhau nên chỉ đánh giá ở mức độ tương đối. Thực hiện được bộ chuẩn chung là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh như hiện nay”. Tuy vậy, nhiều trường cũng lo ngại có đến hàng ngàn trường THPT trên cả nước, vậy liệu có quản lý đánh giá theo chuẩn chung nổi không, nhân sự có đáp ứng…?

 Minh Luân

>> Học sinh phổ thông thi Robotics
>> Học sinh phổ thông bỏ học giảm
>> 22 đề tài xuất sắc về khoa học, kỹ thuật của học sinh phổ thông
>> Dành cho học sinh phổ thông
>> Phải phân luồng học sinh phổ thông: Tìm cách làm phù hợp
>> Phải phân luồng học sinh phổ thông
>> Sẽ đánh giá cấp quốc gia học sinh phổ thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.