Sếu đầu đỏ, một loài chim có tên trong sách đỏ Việt Nam, thường về trú ngụ ở khu vực núi cần bảo tồn -Ảnh: Giang Sơn |
Theo đề án, khu bảo tồn có diện tích khoảng gần 720 ha; trong đó có 8 ngọn núi đá vôi cần bảo tồn gồm: núi Chùa Hang - hòn Phụ Tử, núi Hang Cá Sấu, núi Bà Tài, núi Mo So, núi Hang Tiền, hòn Lô Cốc, hòn Đá Lửa và núi Sơn Trà Nhỏ. Tiến sĩ Lưu Hồng Trường, Phó viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho rằng mặc dù diện tích khu vực đề nghị bảo tồn không lớn, nhưng lại chứa đựng mật độ đa dạng sinh học rất đáng kinh ngạc, chưa từng thấy tại các quần thể núi đá vôi khác trên khắp Việt Nam.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, núi đá vôi Kiên Lương là môi trường sống của nhiều hệ sinh vật độc đáo, trong đó có những loài vẫn chưa được biết đến, bao gồm 322 loài thực vật, 155 loài động vật có xương sống, 65 loài không xương sống, 9 loài dơi, 13 loài lưỡng cư, 32 loài bò sát, 144 loài chim trong đó 6 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, 31 loài thú trong đó có nhiều loài vẫn chưa điều tra khảo sát được tình trạng quần thể. Đặc biệt, vùng núi đá vôi Kiên Lương là nơi sinh cư của đàn voọc bạc Đông Dương, loài linh trưởng quý hiếm có tên trong sách đỏ với nguy cơ tuyệt chủng rất cao, hiện nay chỉ còn chưa đầy 200 con…
Trong khi đó, nhiều năm nay, các núi đá vôi trong khu vực đã được cấp phép đào bới để sản xuất xi măng, vôi và phân bón NPK. Theo một thống kê gần đây của Sở TN-MT Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 67 dự án khai thác khoáng sản (gồm đá xây dựng, đá granite, đá vôi, cát sỏi), tập trung chủ yếu ở vùng Kiên Lương, Hà Tiên, Hòn Đất. Riêng địa bàn H.Kiên Lương có 10 ngọn núi bị khai thác, với sản lượng lên đến 180 triệu tấn đá vôi và 70 triệu tấn đá xây dựng/năm. Tuy nhiên, bà Võ Thị Vân, Phó giám đốc Sở TN-MT Kiên Giang, khẳng định: “Toàn bộ các ngọn núi được đề xuất đưa vào khu bảo tồn đều đã được tỉnh đưa vào quy hoạch cấm khai thác hoặc tạm cấm khai thác từ nhiều năm trước. Do đó, nếu thành lập khu bảo tồn tại đây sẽ không gặp khó khăn nào đáng kể”.
Giang Sơn
Bình luận (0)