Mất 3 ngày để Quảng Văn Thịnh (học sinh lớp 9/1, Trường THCS Huỳnh Thị Lựu, TP.Hội An, Quảng Nam) xé giấy báo, phác thảo và dán nên bức tranh về phố cổ. Vẫn là chiếc xích lô, những bà mẹ với gánh hàng rong trên vỉa hè, vẫn là mái nhà xưa thâm nghiêm cùng những chiếc đèn lồng, Thịnh đã “gói” khá gọn những đặc trưng của di sản thế giới Hội An vào bức tranh. Mới đây, ban tổ chức cuộc thi “Di sản thế giới trong tay bạn” - Văn phòng UNESCO Hà Nội đã trao giải đặc biệt cho tác phẩm mỹ thuật này. “Là một người dân của phố cổ Hội An, thông qua bức tranh của mình, em mong muốn tất cả mọi người hãy cùng chung tay bảo vệ và quảng bá di sản văn hóa ra với bạn bè quốc tế”, Thịnh nói.
Phát động từ tháng 11.2012, cuộc thi đã thu hút hàng ngàn bạn trẻ trên cả nước ở các nhóm tuổi thuộc 3 cấp học tham gia. Tại vòng chung kết, ban tổ chức đã chọn 59 tác phẩm để chấm và cuối cùng đã chọn ra 11 tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Theo thể lệ cuộc thi, đề tài trong các bức tranh chính là những di sản trên cả nước, như: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, Thành Nhà Hồ, Quần thể Di tích Cố đô Huế, Khu Di tích Mỹ Sơn, Vịnh Hạ Long... Tuy nhiên, đề tài được nhiều bạn yêu thích nhất vẫn là phố cổ Hội An, và cũng chính Hội An có đến 6 tác phẩm được ban giám khảo trao giải.
|
Quảng Văn Thịnh cho biết: “Đưa phố cổ vào tranh vì em yêu quý sự cổ kính vốn có của nó. Nhưng làm sao để khi xem ai cũng biết đó là phố cổ thì cần phải khái quát được nét riêng. Hơn nữa, để bức tranh của mình trở nên độc đáo em đã “vẽ” bằng những mảnh báo vụn. Đó cũng là thông điệp về bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng rác tái chế mà em muốn gửi đến người xem”. Những học sinh khác tại Hội An cùng đạt giải tại cuộc thi, gồm: Tôn Nữ Mai Thy (Trường THCS Kim Đồng, giải đặc biệt qua mạng); Lê Anh Dương (Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, giải nhì); Phạm Thị Mỹ Trinh (Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, giải ba); Trịnh Bảo Huấn (Trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam, giải nhì) cũng chọn thể hiện nhiều hình ảnh đời thường, giản dị của đất và người quê mình.
Tôn Nữ Mai Thy chia sẻ: “Em rất tự hào khi khu phố cổ được nhiều người biết đến và đổ về tham quan. Nhưng phố đã già lắm rồi, nếu du khách chỉ biết chiêm ngưỡng mà không biết bảo vệ thì tương lai sẽ bị xuống cấp rồi biến mất”. Những bức tranh được ban giám khảo trao giải dựa trên 3 tiêu chí. Trong đó, kiến thức của tác giả về khu di sản là một tiêu chí quan trọng để được xét. Vượt qua cả ngàn tác phẩm dự thi, 6 giải thưởng của học sinh phố cổ cho thấy, kiến thức và ý thức về bảo vệ di sản của các em là rất đáng ghi nhận. Bên cạnh tiêu chí này, ban giám khảo còn căn cứ vào hai tiêu chí: chất lượng và tính rõ ràng của tác phẩm, tính sáng tạo và độc đáo của hình ảnh. Nếu bức tranh của Quảng Văn Thịnh gây ấn tượng mạnh cho người xem từ chất liệu cho đến nội dung thì bức tranh của Mai Thy lại tạo được hiệu ứng lan tỏa từ cộng đồng mạng nhờ những nét vẽ tinh tế.
Cũng là người Hội An nhưng khác với những bạn trẻ khác, Trần Dương Yến Nhi (học sinh lớp 10/6 Trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam) lại chọn di sản văn hóa Thánh địa Mỹ Sơn làm đề tài cho bức tranh của mình. Nhi nói: “Vẻ đẹp của Mỹ Sơn có chút gì đó huyền bí mà không phải một lần đến là có thể cảm nhận được. Em đã nhiều lần đến di tích này và lần nào Mỹ Sơn cũng hấp dẫn em. Chính vì yêu di sản này mà em đã quyết định đưa vào tranh vẽ”. Bức tranh có tựa “Mỹ Sơn” của Yến Nhi được vẽ bằng chất liệu màu sáp. Trong đó, em vẽ một vũ nữ Chăm múa điệu Apsara bên cạnh những ngọn tháp cổ uy nghi, trầm mặc. Sự trong trẻo cũng như nét vẽ mềm mại của “Mỹ Sơn” đã thuyết phục được ban giám khảo trao giải ba cho Yến Nhi.
Tiến sĩ Dương Bích Hạnh, Văn phòng UNESCO Hà Nội cho biết, cuộc thi “Di sản thế giới trong tay bạn” là một sân chơi dành cho lứa tuổi học đường nhằm khuyến khích các bạn trẻ phát huy sáng tạo, suy nghĩ về tầm quan trọng của di sản thế giới. Từ đó, các bạn trẻ sẽ có những tác động tích cực đến suy nghĩ của những người khác xung quanh trong gia đình hay ở nhà trường. Cuộc thi không chỉ hướng tới khuyến khích sự tham gia của các cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn di sản mà còn góp phần nâng cao nhận thức đối với khách du lịch tới thăm các khu di sản thế giới tại Việt Nam. “Nhiều bạn trẻ không những có nhận thức tốt về giá trị và vẻ đẹp của khu di sản mà còn thể hiện tinh thần bảo vệ khu di sản đó thông qua việc giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh… Chúng tôi coi đó là những tín hiệu tốt cho công việc bảo tồn di sản trong tương lai. Điều quan trọng là phải làm sao để tinh thần và suy nghĩ đó của các bạn vẫn được duy trì khi các bạn trưởng thành, đưa những cảm xúc thơ trẻ hiện tại thành những hành động thiết thực để bảo tồn các khu di sản của Việt Nam trong tương lai. UNESCO sẽ tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu này”, bà Hạnh nói.
Hoàng Sơn
Bình luận (0)