>> Tư vấn trực tuyến truyền hình online: Nhiều cơ hội xét tuyển bổ sung
Tham dự chương trình có chuyên gia đến từ các trường: ĐH Sư phạm, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Văn Lang, ĐH Văn Hiến. Cụ thể:
- Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM
- Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
- Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)
- Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn
- Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang
- Ông Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến
Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi trực tiếp theo hướng dẫn bên cạnh hoặc gọi điện thoại số 08-39256248 (từ 14 giờ 30 ngày 22.8).
Ngoài ra, phụ huynh và học sinh có thể tham dự trực tiếp tại lầu 4, tòa soạn Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM (vào cửa tự do).
Mở đầu buổi trực tuyến đã có nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về việc xét tuyển của Trường ĐH Ngân hàng. Một bạn đọc hỏi: “Em muốn nộp NV2 vào ngành Ngôn ngữ Anh, có điểm thi bằng điểm chuẩn xét tuyển của Trường ĐH Ngân hàng. Vậy em có có nhiều cơ hội trúng tuyển không?”.
|
Tương tự, một TS khác hỏi: “Em có 17 điểm thi khối D. Vậy xác suất đậu NVBS vào ngành Ngôn ngữ Anh của em ra sao?”.
“Con tôi thi khối A được 18 điểm vậy có thể đậu NVBS vào ngành nào của Trường ĐH Ngân hàng”, một phụ huynh hỏi.
TS thi khối A được 20,5 điểm cũng băn khoăn: “Liệu có đậu ngành Kế toán của Trường ĐH Ngân hàng không”.
Bên cạnh đó, một bạn đọc cũng thắc mắc: “Trường ĐH Ngân hàng năm nay có tuyển sinh NVBS hệ ngoài ngân sách không?”.
Theo đó, Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, trả lời từng câu hỏi:
- Chỉ tiêu NVBS của Trường ĐH Ngân hàng năm nay là hơn 700 chỉ tiêu cho 5 ngành bậc ĐH và ngành Tài chính ngân hàng ở bậc CĐ.
Điểm sàn xét tuyển NVBS của ngành Tài chính ngân hàng là 17,5 điểm; còn lại là 16,5 điểm. Bậc CĐ có điểm sàn xét tuyển là 12 điểm.
Riêng ngành Ngôn ngữ Anh trường xét tuyển đối với TS thi khối D1, còn lại là khối A, A1.
Đến 13 giờ 30 hôm nay 22.8, Trường ĐH Ngân hàng nhận được hơn 1.800 hồ sơ TS đăng ký NVBS. Đa phần có điểm tương đối cao hơn điểm sàn xét tuyển là 1 điểm. Vậy để có cơ hội trúng tuyển thì ít nhất TS cũng phải có điểm thi cao hơn điểm sàn xét tuyển NVBS của trường 1 điểm.
TS nên theo dõi thường xuyên danh sách TS đăng ký NVBS của trường để cân nhắc, quyết định.
- Cách đây 4 năm, Trường ĐH Ngân hàng đã không có hệ đào tạo ngoài ngân sách.
|
* Em thi vào ĐH Sư phạm TP.HCM nhưng chỉ được 10 điểm. Em muốn xét tuyển vào hệ CĐ của Trường ĐH Sài Gòn thì có được không? Với 20 điểm khối A, khả năng em đậu ngành kế toán của Trường ĐH Sài Gòn có cao không? NV2 hệ CĐ Trường ĐH Sài Gòn ngành sư phạm sinh có nhận hộ khẩu thường trú ở ngoài TP.HCM không? Nếu em muốn xét tuyển vào ngành sư phạm giáo dục mầm non thì cần những yêu cầu gì ạ? Có phải dự thi hệ ĐH của trường và nếu không đủ điểm xét tuyển ĐH mới được làm thủ tục xét tuyển hệ CĐ? Vì sao Trường ĐH Sài Gòn năm nay không tuyển hệ CĐ các ngành kinh tế ạ? Em đang định đăng ký vào CĐ quản trị kinh doanh, giờ thì em nên đăng ký vào hệ CĐ trường nào ạ?
- Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn: Thí sinh cần lưu ý điểm sàn nhận hồ sơ không phải là điểm chuẩn, không có nghĩa là nộp hồ sơ vào là trúng tuyển. Như vậy, TS nộp hồ sơ có điểm càng cao càng có khả năng trúng tuyển.
Thí sinh có hộ khẩu ở các tỉnh vẫn có thể đăng ký học tại trường.
Trường sẽ công bố điểm chuẩn xét tuyển cao đẳng ngành Giáo dục mầm non trên website của trường. Trường xét hệ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non trực tiếp từ thí sinh đăng ký hệ đại học tại trường.
Ngoài ra, trường còn mở hệ vừa làm vừa học ngành Giáo dục tiểu học và Giáo dục mầm non, hai ngành khá quan trọng và TP.HCM đang cần nhân lực hai ngành này. Trong năm 2013, trường vẫn xét tuyển hệ đại học ngành Quản trị kinh doanh, Kế toán, Ngân hàng.
* Em thi ĐH năm nay ngành Công nghệ thông tin được 15 điểm, em có thể đăng ký NV2 của Trường ĐH Sư phạm được không? Nếu được thì em nên đăng ký ngành nào?
Năm nay em thi vào trường ĐH Sư phạm được 17 điểm, không đỗ nhưng em được biết là trường có hệ ngoài ngân sách lấy điểm tầm này thì em có được trường xét tuyển nguyện vọng bổ sung ngoài ngân sách không?
Xin hỏi Trường ĐH Sư phạm xét tuyển bổ sung thế nào, xin giải thích cho em được rõ? Nhà trường có ưu tiên cho thí sinh nộp hồ sơ sớm không?
|
- Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Điểm sàn xét tuyển các ngành của trường từ 16 điểm trừ 2 ngành Giáo dục quốc phòng an ninh và ngành Sư phạm giáo dục chính trị, xét tuyển từ 15 điểm. Em nào từ 15-17 điểm khó lòng trúng tuyển vì điểm sàn chưa phải là điểm an toàn để đăng ký. Hiện đã có khoảng 500 em nộp hồ sơ vào trường sau 2 ngày nhận hồ sơ xét tuyển. Điểm các em nộp hồ sơ hầu hết trên điểm sàn 1 điểm. Có em đạt 22,5 xét vào ngành Toán nhưng vẫn sợ không đậu.
Năm nay trường xét tuyển thêm 520 chỉ tiêu và lấy từ cao đến thấp, không đào tạo hệ ngoài ngân sách mà chỉ đào tạo theo địa chỉ cho riêng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là đào tạo giáo viên hệ THCS.
Thí sinh được rút lại hồ sơ trước ngày 30.8 và đợt xét tuyển sẽ kết thúc ngày 14.9.
* Em thi ĐH khối C được 16,5, cộng 1,5 điểm khu vực nữa là 18, em nên xét NV2 vào ĐH Khoa học xã hội và nhân văn không? Em đam mê các ngành báo chí, ngôn ngữ học. Xin cho hỏi cháu em thi khối D được 16 điểm (chưa cộng điểm vùng). Vậy xét tuyển vào ngành nào là có khả năng đậu nhất? Em là người dân tộc trong xã vùng sâu vùng xa. Em vừa thi ngành Hàn Quốc học được 15 điểm, em xin xét tuyển nguyện vọng bổ sung trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có được không?
Thưa các thầy cô, cháu rất thích ngành khảo cổ của khoa lịch sử học, nhưng cháu nghe mọi người nói là ngành khảo cổ chỉ thi ở những trường có khối A. Vậy cháu muốn hỏi chắc chắn rằng khoa lịch sử trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có đào tạo ngành khảo cổ không ạ? Cháu thi khối C, có xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào ngành lịch sử của trường được không?
- Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Các câu hỏi của các em dù ở trường nào đều giống nhau vì mối quan tâm đều giống nhau. Hiện rất khó trả lời câu hỏi về cơ hội trúng tuyển vì còn trong quá trình nộp hồ sơ. Chỉ tiêu xét nguyện vọng bổ sung của trường năm nay có 280 chỉ tiêu nhưng đến nay đã có gần chừng đó nộp hồ sơ. Cho nên còn rất nhiều thời gian để các em cân nhắc cho phù hợp, đưa ra quyết định chính xác.
Ở câu hỏi thứ hai, nếu em thích khảo cổ nên thi vào khoa Lịch sử bởi khoa này có chuyên ngành đào tạo khảo cổ. Tôi không biết bạn là nam hay nữ để đưa ra lời khuyên cho phù hợp bởi có nhiều ý kiến cho rằng ngành khảo cổ không phù hợp với các bạn nữ vì hay phải ra thực địa, ảnh hưởng đến nhan sắc. Tuy nhiên, có rất nhiều bạn nữ theo học ngành này ở trường bởi các em có sự đam mê, yêu thích.
|
* Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi được bạn đọc gửi đến cho trường ĐH Văn Lang:
Em thi được 16,5 điểm, nhân đôi tiếng Anh thì được 21 điểm. Em dự định nộp vô trường ĐH Văn Lang ngành Ngôn ngữ Anh, theo em biết là điểm xét tuyển NV2 ngành Ngôn ngữ Anh là 20 điểm, vậy em có cơ hội đậu không thưa thầy cô?
Em gái tôi thi được 17 điểm, không đậu NV1 và dự tính xét tuyển NVBS vào ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Nếu nộp NVBS mà không đậu thì nhà trường có cho phép rút phiếu chứng nhận bản gốc để nộp vào trường khác không?
Con tôi thi khối A được 15 điểm, có thể xin xét tuyển NV2 vào Trường ĐH Văn Lang được không, cụ thể là các ngành nào?
Em thi khối A được 16 điểm nhưng không đậu NV1. Nay em muốn nộp hồ sơ NV2 vào Trường ĐH Văn Lang. Cho em hỏi khi nộp hồ sơ cần những giấy tờ gì, thời gian nộp cũng như địa điểm nộp hồ sơ xét tuyển và khi nào em sẽ biết kết quả xét tuyển?
- Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Văn Lang, cho biết: Trường không tổ chức thi tuyển nhưng TS có thể mượn trường khác để thi và đăng ký NV1 vào Trường ĐH Văn Lang. Vì vậy, có 2.900 TS dự thi NV1 vào Trường ĐH Văn Lang, đã có 950 TS trúng tuyển NV1 và trường còn 1.500 chỉ tiêu NVBS.
Thời hạn nộp hồ sơ NVBS đợt 1 là 20.8 - 8.9.
Ngày 12 - 15.9 TS trúng tuyển NV1 và NVBS sẽ làm thủ tục nhập học. Ngày 16.9, TS chính thức nhập học.
Đối với TS thi ngành năng khiếu, nếu điểm thi bằng điểm chuẩn xét tuyển của Trường ĐH Văn Lang thì có thể trúng tuyển.
Năm nay, tất cả các trường có ngành Ngôn ngữ Anh hầu như có số lượng hồ sơ dự thi rất cao. Vì vậy, điểm trúng tuyển NV2 vào ngành này của Trường ĐH Văn Lang có thể là 23 điểm, nếu TS chỉ có 21,5 điểm, tôi khuyên không nên nộp NVBS vào ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Văn Lang.
Trưa nay, Trường ĐH Văn Lang đã nhận được trên 1.200 hồ sơ NVBS.
Trang web của nhà trường có đầy đủ thông tin chỉ tiêu tuyển sinh và điểm chuẩn xét tuyển của tất cả các ngành, TS có thể vào tìm hiểu từng ngành, từng khối.
|
* Em thi khối A được 12 điểm (chưa kể điểm KV2 nông thôn), vậy em có thể nộp hồ sơ xét tuyển ĐH Văn Hiến ngành kế toán không? Thời gian xét tuyển NV2, NV3 và thời gian công bố kết quả trúng tuyển của ĐH Văn Hiến?
- Ông Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến: Trong năm, Đại học Văn Hiến có 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh, không tổ chức thi tuyển, chỉ xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đại học Văn Hiến sẽ xét tuyển từ ngày 20.8 - 30.10 chia thành 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 20 ngày.
Thí sinh thi khối A được 12 điểm thì không thể xét tuyển bổ sung vào bậc đại học của trường, bởi vì theo điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học Văn Hiến xét tuyển khối A đối với bậc đại học là 13 điểm, và bậc cao đẳng cao đẳng là 10 điểm.
Đến hôm nay trường mới nhận được 400 hồ sơ nộp xét tuyển bổ sung, như vậy cơ hộ thí sinh vào đại học Văn Hiến rất rộng mở.
|
* Trường ĐH Sài Gòn muốn xét tuyển hệ CĐ Giáo dục tiểu học và được 10 điểm NV1 thì có hy vọng được không? Khi nào có kết quả? (Cô Mai, phụ huynh, Tân Bình, TP.HCM)
- Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn: Đợt xét tuyển đầu tiên bắt đầu từ 20.8, kết thúc sau 20 ngày và thông tin ngày 12.9. Điểm nhận hồ sơ ngành Giáo dục tiểu học (khối A, A1, D1) là 13 điểm. Em đạt 10 điểm thì không có khả năng, vì dưới điểm tối thiểu nhận hồ sơ.
* Em gái em thi vào Trường ĐH Kinh tế được 19,5 điểm nhưng không đậu. Vậy xin hỏi số điểm này có cơ hội vào ngành tài chính ngân hàng của ĐH Ngân hàng TP.HCM hay không?
- Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM: Cách đây mấy hôm khi tư vấn chúng tôi dự báo khoảng cách vào nguyện vọng bổ sung sẽ có khoảng cách 2 điểm so với điểm xét tuyển. Tuy nhiên với lượng hồ sơ nộp như hiện nay có lẽ cần phải xem xét lại dự báo đó. Cho nên thí sinh cần phải theo dõi thường xuyên danh sách nộp hồ sơ của thí sinh.
Em gái bạn thi được 19,5 điểm có cơ hội đậu nhưng cần cân nhắc vào ngành nào. Ngành tài chính ngân hàng được xem là ngành mũi nhọn của trường gần 40 năm qua nên lúc nào điểm NV1, 2 luôn cao nhất. Đến 1 giờ 30 phút chiều nay 22.8, đã có 540 thí sinh nộp hồ sơ vào ngành này và điểm thấp nhất là 18,5. Cho nên 19,5 điểm vẫn có cơ hội nhưng tốt nhất phụ huynh và thí sinh nên theo dõi đặc biệt là những ngày cuối cùng rất căng thẳng. 5 giờ chiều 9.9 là thời gian cuối cùng chốt hồ sơ của trường. Hồ sơ gửi qua bưu điện cũng tính theo thời gian này.
* Nếu đang học nhưng gặp khó khăn về tài chính không thể học tiếp thì có được bảo lưu kết quả học tập không ạ? Thời gian bảo lưu cho phép là bao lâu? (VH)
- Ông Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến: Em sẽ được bảo lưu kết quả học tập 1 năm, hoặc để đạt nguyện vọng lên trường để được xem xét cấp học bổng cho em. Quỹ học bổng của trường là khoảng 2,5 tỉ đồng.
Học phí của ĐH Văn Hiến là 4,8-5 triệu đồng/học kỳ đối với bậc đại học và 4,4-4,8 triệu đồng/học kỳ đối với bậc cao đẳng.
* Cho em hỏi nếu em tốt nghiệp cử nhân tại trường thì có thể sử dụng bằng cử nhân do nhà trường cấp để đi học thạc sĩ tại các trường công lập khác không ạ?
- Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Văn Lang: Theo luật Giáo dục thì bằng cấp của các trường công lập và ngoài công lập có giá trị như nhau. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp cử nhân của Trường ĐH Văn Lang nói riêng và các ĐH ngoài công lập nói chung hoàn toàn có thể học lên cao ở các trường khác công lập hay ngoài công lập.
* Hồ sơ xét tuyển NV2 là những gì? Em có 3 phiếu xét tuyển NVBS nếu em nộp vào và đậu 2 trường thì em sẽ học 2 trường này cùng lúc được không?
- Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Văn Lang: Quy chế không ràng buộc, quy định sinh viên chỉ được học một trường hay mấy trường. Vì vậy, các em có thể học mấy trường tùy em. Tuy nhiên, em cần chú ý là sức học, thời gian của em liệu có thể học tốt nhiều trường cùng một lúc không.
* Em thấy ngành Ngôn ngữ Nhật khá hay. Em muốn hỏi là khi học ngành này thì cụ thể là học về gì? Và làm gì ạ? Em muốn hỏi để xem có phù hợp với sở thích của mình không?
- Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Ngành Ngôn ngữ Nhật đào tạo tiếng Nhật và Bộ GD-ĐT chưa cho phép đào tạo giáo viên nên chỉ đào tạo cử nhân ngoại ngữ. Điểm chuẩn năm nay khá cao là 26 điểm (hệ số 2 môn tiếng Nhật). Ngành này có nhu cầu rất lớn. Năm nay khóa đầu tiên ra trường nên cơ hội việc làm rất lớn. Sắp tới có hội nghị liên quan ngành này được tổ chức.
Do thí sinh thi khối D6 rất ít, chủ yếu khối D1 nên các em sẽ được học ngay từ đầu chứ không phải học nâng cao ngay.
|
* Một bạn đọc đặt câu hỏi qua điện thoại: “Em thi ĐH Sư phạm Lịch sử được 11 điểm. Vậy em có đậu không?”
- Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trả lời: Năm nay, điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm là 17 điểm. Vì vậy, em chỉ đạt 11 điểm là không đậu rồi.
- Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sài Gòn, nói thêm: Em chỉ đạt 11 điểm là dưới điểm sàn ĐH rồi nên không thể xét tuyển vào ĐH được. Tuy nhiên, em vừa đủ điểm sàn CĐ và có thể nộp xét tuyển NVBS vào bậc CĐ ngành Lịch sử của Trường ĐH Sài Gòn.
* Ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có khác với ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Sư phạm, ĐH KH-XH-NV không?
- Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Ngành này có truyền thống rất lâu được xã hội thừa nhận. Trường đào tạo theo hướng chuyên ngành giảng dạy, văn học, dịch thuật. Khi lựa chọn chuyên ngành, bạn nào có thế mạnh thì lựa chọn chuyên ngành này. Tuy nhiên khi chọn chuyên ngành chính bạn vẫn có thể theo học những ngành khác tùy theo sở thích của bạn. Mục tiêu của chúng tôi đào tạo đa dạng hơn, làm được nhiều công việc khác nhau.
- Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Có ngành sư phạm tiếng Anh để đào tạo giáo viên, ngoài ra còn có thêm ngành ngôn ngữ tiếng Anh. Cơ bản các trường đều đào tạo giống nhau là ngôn ngữ Anh. Riêng ở sư phạm, muốn giảng dạy phải học thêm nghiệp vụ sư phạm, giáo dục mới ra dạy được.
|
- Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM: Về căn bản, cả ba trường đều giống nhau đều đào tạo về ngôn ngữ và văn hóa sở tại. Riêng là trường đào tạo tiếng Anh theo thiên hướng thương mại. Các em vừa giỏi ngôn ngữ nhưng giỏi về kinh tế, thương mại để làm ở các doanh nghiệp.
* Em thi khối A được 14 điểm thì có thể xét tuyển vào những ngành nào ở ĐH Văn Hiến?
- Ông Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến: ĐH Văn Hiến xét điểm bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tức là 13 điểm, như vậy em có cơ hội rất cao khi xét tuyển vào ĐH Văn Hiến. Em có thể nộp hồ sơ các ngành công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông, quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán, ngân hàng, quản trị khách sạn du lịch.
* Con tôi được 22,5 điểm khối D3 (tiếng Pháp), và muốn xét tuyển ngành Ngôn ngữ Italia. Với chỉ tiêu 40 thì cơ hội ngành này như thế nào? Ngành này dạy những gì? (phụ huynh hỏi qua điện thoại)
- Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Ngành Ngôn ngữ Italia, bên cạnh đào tạo kỹ năng nghe nói, đọc, viết là đi sâu đào tạo về văn học, lịch sử,… để sinh viên ra trường có tổng quan về đất nước mình học và am hiểu về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa… Đó cũng là định hướng đào tạo của trường.
Ngành này dành 40 chỉ tiêu, trong đó 30 chỉ tiêu khối D1 và 10 chỉ tiêu khối D3. Hiện đa số thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển là khối D1. Anh có thể xem thông tin trên website của trường. Tôi hy vọng con anh sẽ có cơ hội để trúng tuyển vào trường.
* Em thi ĐH Sư phạm TP.HCM được 20,5 điểm, không đậu vào ngành mình đăng ký. Em tính đăng ký vào ngành Vật lý học, vậy xin hỏi em có khả năng đậu vào ngành này không?
- Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Ngành Vật lý học năm nay điểm xét tuyển nguyện bổ sung là 16 điểm, chỉ tiêu xét tuyển là 80. Em được 20,5 điểm nên khả năng đậu rất cao.
* Cho em hỏi ngành sư phạm mầm non ở Trường ĐH Sài Gòn khác gì với ĐH Sư phạm ạ? Em cảm ơn.
- Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn: Tôi thấy không có gì khác nhau giữa hai trường ĐH Sư phạm và ĐH Sài Gòn về ngành Sư phạm mầm non. Đội ngũ giảng viên ngành này của cả hai trường cùng gốc như nhau.
Hiện nay, ngành giáo dục tiểu học và sư phạm mầm non nhu cầu rất cao. Năm nay, số lượng TS đăng ký vào ngành này cũng tăng.
Ngoài ra, trường ĐH Sài Gòn còn có hệ trung cấp sư phạm mầm non.
- Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Đội ngũ giảng viên và giáo trình đào tạo ngành sư phạm mầm non ở Trường ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm như nhau. Không có gì khác nhau trong đào tạo ngành này ở hai trường.
Cả hai trường đều là cái nôi của giáo dục mầm non.
Năm nay, ngành sư phạm mầm non của trường ĐH Sư phạm lấy 19 điểm và chỉ tiêu vượt lên rất nhiều (226 TS).
|
* Cho em hỏi năm 2013 Trường ĐH Sư phạm và ĐH Sài Gòn có tổ chức tuyển sinh liên thông cho sinh viên mới tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng không ạ? Nếu có thì chỉ tiêu là bao nhiêu?
- Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn: Do một số đặc điểm về chỉ tiêu nên năm 2013 ĐH Sài Gòn không có hình thức đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH hay từ TCCN lên CĐ. Chúng tôi sẽ cân nhắc và xem xét vào năm sau. Thí sinh xem thông báo trên website của trường để biết thêm thông tin khi có thông báo vào năm sau.
- Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT ra khá gấp nên Trường ĐH Sư phạm không tổ chức được dù Bộ GD-ĐT cho 1.000 chỉ tiêu nên trường chuyển sang đào tạo vừa làm vừa học. Tổng chỉ tiêu là 3.000. Chúng tôi tổ chức đào tạo theo nhu cầu các địa phương. Ở TP.HCM, hầu hết các phòng giáo dục đăng ký và xin chỉ tiêu đào tạo từ CĐ hoặc TCCN lên.
- Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang: Trường chỉ tuyển sinh đào tạo hệ ĐH, CĐ chính quy, không có tuyển sinh hệ liên thông trong năm nay.
* Xin hỏi ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có liên thông từ cao đẳng lên đại học với ngành tâm lý học không? Nếu có, thủ tục đăng ký gồm những gì?
- Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Trường đào tạo hệ liên thông 3 ngành: Ngôn ngữ anh, Thông tin học và Văn hóa học. Ngành Ngôn ngữ Anh thông báo tuyển sinh liên thông chính quy tốt nghiệp 36 tháng. Có liên thông hệ tại chức cho ngành Ngôn ngữ Anh.
* Trường ĐH ngân hàng TP.HCM có xét điểm thi liên thông năm 2013 không? Em thi được 14 điểm có cơ hội đậu hệ liên thông của Trường ĐH ngân hàng không?
- Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM: Kỳ tuyển sinh 3 chung trường không tuyển sinh hệ liên thông nhưng hiện trường đang nhận hồ sơ để tổ chức kỳ thi riêng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Kỳ thi riêng tổ chức vào cuối tháng 10 cho thí sinh tốt nghiệp CĐ trước ngày 7.2.2013.
|
* Câu hỏi tiếp theo đươc ban tổ chức đặt ra cho các chuyên gia tư vấn của các trường là: các trường có thể thông tin hiện những ngành nào mà TS có nhiều cơ hội trúng tuyển nhất?
- Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Ngành GD Quốc phòng an ninh của trường ĐH Sư phạm đang thiếu rất nhiều chỉ tiêu. Năm nay, trường có 100 chỉ tiêu tuyển sinh vào ngành này nhưng chỉ mới có 20 TS trúng tuyển.
Ngành Vật lý học, trường tuyển 80, với điểm sàn xét tuyển là 16 điểm.
Ngành Văn học cũng còn 80 chỉ tiêu.
Ngành GD chính trị, còn 70 chỉ tiêu bổ sung.
- Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn: Thí sinh lưu ý ĐH Sài Gòn có hệ cao đẳng, với điểm tuyển sinh thấp hơn đại học. Với ngưỡng điểm 17,5 trở lên thì thí sinh có cơ hội trúng tuyển ĐH Sài Gòn đối với bậc đại học.
Nhưng còn rất nhiều ngành hệ cao đẳng với điểm tuyển ở ngưỡng 11-12 điểm. Chỉ có ngành tiểu học hệ cao đẳng là 13 điểm trở lên, và hệ cao đẳng ngành tiếng Anh là 14 điểm trở lên.
Ngoài ra, ĐH Sài Gòn còn có 200 chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp sư phạm mầm non, và 500 chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp ngành quản trị máy tính và kế toán doanh nghiệp.
- Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang: Ngành khó khăn nhất ở trường với khối D là ngành Ngôn ngữ Anh, kế đó là Kinh tế.
Nhiều năm qua ngành kỹ thuật là ngành dễ trúng tuyển nhất. Mức điểm các ngành kỹ thuật gần sàn nên chọn ngành kỹ thuật sẽ có nhiều cơ hội hơn. Ngành này tỷ lệ việc làm lại rất cao. Như ngành kỹ thuật công trình xây dựng vừa ra trường hầu như đã có việc làm.
Các ngành kỹ thuật cơ hội việc làm cao, ít người học vì học khó hơn các ngành kinh tế rất nhiều nên các bạn nam hay nữ nếu thích thì có thể lựa chọn học như: ngành kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ sinh học, kỹ thuật công nghệ môi trường, kỹ thuật phần mềm, kỹ thuật nhiệt,... mức điểm chỉ bằng điểm sàn.
- Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM: Rất khó để trả lời câu hỏi này vì lượng hồ sơ nộp vào trường đã quá chỉ tiêu xét tuyển rất nhiều. Nhưng tôi tin với khoảng cách 2 điểm so với điểm xét tuyển thì cơ hội đậu rất lớn. Trong quá trình xét tuyển, các em nên theo dõi trên trang web của trường về danh sách nộp hồ sơ xét tuyển. Danh sách này được trường công bố hàng ngày.
- Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: TS cần chú ý, ngay trong mỗi ngành thì từng khối cũng có sự chênh lệch lớn về điểm xét tuyển.
Theo kinh nghiệm tuyển sinh của tôi thì các bạn thi khối D thường ít chọn vào ngành xã hội mà đa phần đều chọn vào ngành ngôn ngữ. Trong khi đó, nếu chọn ngành xã hội các bạn sẽ có nhiều thuận lợi hơn vì đã sẵn nền tảng ngôn ngữ và học thêm chuyên ngành khác. Ngoài ra, khi vào trường, các bạn cũng có thể học song song hai ngành. Như vậy, khi ra trường, các bạn có lợi thế hơn rất nhiều vì có thể mạnh, tốt nghiệp ở hai ngành.
Hiện các ngành xã hội đang còn nhiều chỉ tiêu và cần nhân lực như lịch sử, thư viện thông tin, xã hội học,…
* Đích cuối cùng của thí sinh khi chọn học một ngành/trường là có được việc làm sau khi ra trường. Vậy các thầy có thể thông tin tình hình việc làm cho SV sau khi ra trường của trường mình không? Làm thế nào sinh viên biết thông tin về việc làm của sinh viên tốt nghiệp trường mình. Ở các nước, các trường cạnh tranh nhau và thể hiện uy tín của mình bằng việc công bố công khai số liệu sinh viên ra trường có việc làm hằng năm, thậm chí hằng quý. Vậy các trường ở VN có thực hiện điều này?
- Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn: Nhóm ngành sư phạm đảm bảo sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. Ngành giáo dục tiểu học và mầm non ở TP.HCM luôn thiếu.
Còn về các khối ngành ngoài sư phạm, chúng tôi chưa dám công bố tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm.
Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khảo sát tỉ lệ xin được việc làm của sinh viên tốt nghiệp, nhưng độ tin cậy của các khảo sát này không cao.
Trường nào tuyên bố đảm bảo 100% sinh viên ra trường có việc làm là hoàn toàn không đúng vì sinh viên ra trường có xin được việc làm hay không còn tùy thuộc vào khả năng mỗi người.
- Ông Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến: Hiện tại thống kê chính xác bao nhiêu SV có việc làm thì rất khó nói nhưng trường đang tổ chức thống kê việc làm sinh viên thông qua mạng lưới cựu sinh viên, mạng xã hội,...
Theo phản hồi từ cựu sinh viên thì tôi thấy sinh viên khoa du lịch tốt nghiệp có việc làm khá ổn định.
Từ năm 2013, trường đang xây dựng chương trình hướng nghiệp bằng việc mời chuyên gia, doanh nghiệp vào đào tạo và có trung tâm hỗ trợ việc làm để giới thiệu việc làm cho sinh viên. Bên cạnh đó, trường trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên. Trường còn ký kết với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM; Khoa Du lịch thì ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp, khách sạn, công ty lữ hành,...
- Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Hiện nay trong cả nước có khoảng 400 trường ĐH và CĐ, trong đó có 17 trường trọng điểm, Trường ĐH Sư phạm nằm trong số trường trọng điểm đó. Do đó chất lượng đào tạo của trường được các sở GD-ĐT đánh giá rất cao.
Tại hội nghị khách hàng hằng năm của trường, tất cả các giám đốc Sở GD-ĐT từ Phú Yên trở vào đánh giá cao và khẳng định ưu tiên sinh viên tốt nghiệp trường.
Có một thực tế là chất lượng đầu vào của trường rất cao, như khoa toán phải 24,5 điểm. Do trường đòi hỏi cao nên khi ra trường các em làm công tác chuyên môn rất tốt.
Hiện nay chúng tôi vẫn làm thống kê, đề nghị các sở GD-ĐT báo cáo về tình hình việc làm. Theo đó gần như 100% sinh viên tốt nghiệp các bộ môn còn thiếu, cần bổ sung thì được phân công đi dạy ngay.
Còn các ngành ngoài sư phạm như ngôn ngữ, tiếng Nhật, Anh, Nga ra trường rất hút nhu cầu. Nhất là sinh viên tốt nghiệp tiếng Nga, ra trường có doanh nghiệp đến xin ngay.
- Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cứ mỗi 2 năm tổ chức một hội nghị với các nhà tuyển dụng, góp ý trực tiếp vào chương trình đào tạo của trường, đồng thời liên hệ với các cựu sinh viên để điều tra tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Các SV ngành triết học tưởng rằng họ rất khó tìm việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường, nhưng trong vòng 3-5 tháng sinh viên ra trường ngành triết học đều xin được việc làm.
- Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Văn Lang: Tôi nhận thấy sinh viên khi ra trường không phải là thiếu chuyên môn mà là thiếu kinh nghiệm và kỹ năng giao tiếp, kỹ năng mềm. Vì vậy, khi đào tạo không chỉ tập trung nhiều vào môn học chuyên ngành, mô phỏng mà chúng tôi còn bổ sung thêm cho sinh viên kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp.
Đối với Trường ĐH Văn Lang, sinh viên ra trường sau 1 năm, trường phải khảo sát việc làm. Khảo sát tình hình việc làm của sinh viên trường ĐH Văn Lang ra trường cách đây 1 năm thì có đến 91,6% có việc làm. Đặc biệt, các ngành liên quan đến kỹ thuật có tỉ lệ có việc làm rất cao như kỹ thuật xây dựng, kiến trúc,… đến 96%.
Chúng tôi luôn công khai những khảo sát này trên trang web của trường.
- Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM: Lực lượng sinh viên đào tạo đều được các tổ chức đánh giá cao. Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và trong nước nên sinh viên tốt nghiệp 1 - 2 năm gần đây gặp khó khăn nhất định khi đi tìm việc làm.
Tình hình khó khăn cũng không thể kéo dài mãi. Trong thời gian tới có thể tình hình sẽ tốt hơn.
Xem clip toàn cảnh buổi trực tuyến:
|
|
|
|
|
|
|
|
|
THANH NIÊN
>> Tư vấn trực tuyến truyền hình online (lần 3): Chọn chương trình liên kết quốc tế
>> Tư vấn trực tuyến truyền hình online (lần 2): Chọn học chương trình liên kết quốc tế
>> Tư vấn trực tuyến truyền hình online: Chọn học chương trình liên kết quốc tế
Bình luận (0)