Dù quy định 35 học sinh/lớp nhưng thực tế sĩ số nhiều trường tiểu học tại TP.HCM và các tỉnh thành lớn đều trên 55 học sinh/lớp.
Khổ vì “heo vàng” ?
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học mới có 111.000 học sinh (HS) vào lớp 1, tăng khoảng 10.000 so với năm học 2012- 2013. Vì vậy mà lãnh đạo phòng giáo dục các quận huyện đều cho rằng buộc phải tăng sĩ số lớp để đảm bảo chỗ học cho HS.
Ở khu vực nội thành, Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1) nhận khoảng hơn 300 HS lớp 1, tăng khoảng 100. “Sĩ số trung bình các lớp xấp xỉ 50 HS/lớp. Để đảm bảo chỗ học, nhà trường buộc phải giảm một số lớp bán trú”, ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Ở Q.Bình Thạnh, Trường tiểu học Tầm Vu năm nay tăng 2 lớp 1, mỗi lớp có 52 HS. Ông Trần Tuấn Huy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Huy Tập, cho biết: “Năm nay trung bình mỗi lớp là 51 HS, năm trước thì chưa đến 50”. Trường tiểu học Hồng Hà năm nay cũng phải nhận thêm 2 lớp 1, trung bình mỗi lớp có từ 50 đến 54 HS.
Năm nay Q.Gò Vấp tăng thêm gần 2.000 HS. Bà Đỗ Thị Hoa, Phó phòng Giáo dục, khẳng định: “Năm ngoái sĩ số cao nhất là 47 HS/lớp, năm nay trường nào ít nhất cũng 50 HS/lớp, có trường lên đến 55”.
Bà Đặng Mỹ Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Đồng (Q.3), cho hay: “Năm học trước sĩ số có thể coi là khá lý tưởng vì chỉ có từ 36 đến 40 HS/lớp. Năm nay sĩ số các lớp đội lên thành 47 HS”.
Lãnh đạo phòng giáo dục cũng như hiệu trưởng các trường tiểu học đều khẳng định điều này xuất phát từ việc tăng dân số cơ học. HS vào lớp 1 năm nay sinh vào năm 2007 là năm mà dân gian thường gọi là heo vàng.
|
Lo âu về chất lượng
Sĩ số lớp tăng cao nên vấn đề phụ huynh quan tâm là làm sao đảm bảo chất lượng dạy và học. Ông Đỗ Thế Phương nhấn mạnh: “Đây là thời điểm đòi hỏi sự nỗ lực tối đa của đội ngũ giáo viên lớp 1”. Trường này lựa chọn giáo viên phù hợp dạy khối lớp 1, tổ chức lớp theo hình thức phân nhóm để thực hiện các yêu cầu của kiến thức. Ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, khuyến cáo: “Quận đã tổ chức các buổi bồi dưỡng cho giáo viên khối lớp 1 về phương pháp, kỹ năng dạy học theo hướng cá thể. Bắt buộc giáo viên phải quan sát từng bé nhưng do lớp đông, giáo viên cần phải thể hiện vai trò, tay nghề của mình qua việc cảm nhận trẻ nào cần mình nhiều hơn”. Về điều kiện cơ sở vật chất, ông Huỳnh Long, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lai (Q.Tân Phú), thông tin: “Ngoài hệ thống âm thanh có sẵn, nhà trường còn trang bị thêm quạt, đèn, bàn ghế để phục vụ cho việc dạy và học”.
Tuy nhiên, xem ra các giải pháp này cũng chưa cụ thể dành riêng cho một lớp học lên đến hơn 50 HS, đặc biệt với HS đầu cấp như lớp 1. Vì thế đảm bảo việc dạy học đàng hoàng trong tình hình này là chuyện không dễ dàng với các giáo viên.
Giảm bán trú vì HS quá đông Năm học 2013-2014, Hà Nội có 1,59 triệu HS các cấp, tăng gần 66.000 HS so với năm học trước. Trong đó, tăng mạnh nhất là trẻ vào lớp 1, với hơn 11.000 HS. Tại Q.Cầu Giấy, chỉ Trường tiểu học Dịch Vọng A đạt được sĩ số 50-51 HS lớp 1 cho năm học tới, Trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc có 54 HS/lớp, 8 trường còn lại sẽ phải chịu cảnh ít nhất là 55 HS/lớp. Trường tiểu học Phương Liệt, Q.Đống Đa đã phải chuyển phòng thể chất và cả phòng hội đồng của giáo viên để thành phòng học. Với số lượng HS tăng cao như năm nay, các trường tiểu học Đà Nẵng tiếp tục “vỡ” bán trú. Theo lãnh đạo Trường tiểu học Phù Đổng, năm nay, chỉ 12/70 lớp tổ chức bán trú, trong đó ưu tiên các lớp tiếng Pháp tăng cường nên chỉ có 2 lớp 1 được học bán trú. Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ chỉ tổ chức bán trú cho 19 lớp, ưu tiên các lớp tiếng Pháp tăng cường nên sẽ có 12 lớp chỉ học 1 buổi trong ngày. T.Nguyễn - D.Hiền |
Bích Thanh - Minh Luân
Bình luận (0)