|
Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Ngành giáo dục quốc phòng an ninh của trường hiện đang thiếu rất nhiều chỉ tiêu. Năm nay, ngành này tuyển 100 chỉ tiêu nhưng chỉ mới có 20 TS trúng tuyển nguyện vọng 1. Với ngành sư phạm vật lý, trường xét tuyển thêm 80, với điểm xét tuyển là 16. Các ngành sư phạm văn học còn 80 chỉ tiêu, sư phạm giáo dục chính trị còn 70 chỉ tiêu”.
Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, thông tin: “Với khoảng 17,5 điểm trở lên thì TS có cơ hội trúng tuyển các ngành sư phạm lẫn ngoài sư phạm của trường. Đối với bậc CĐ, cơ hội đậu dành cho cả TS có điểm tương đương điểm sàn”.
Trong khi đó, thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, khuyên: “Nhiều năm qua, ngành kỹ thuật là ngành dễ trúng tuyển nhất với điểm chuẩn gần với điểm sàn xét tuyển. Dự đoán năm nay cũng tương tự. Đến thời điểm này, TS đăng ký các ngành năng khiếu (khối V, H) hầu như đều có cơ hội trúng tuyển”.
Ở khối ngành xã hội nhân văn, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhận định: “Hiện các ngành còn nhiều chỉ tiêu và xã hội rất cần nhân lực là lịch sử, thư viện thông tin, xã hội học… Do đó, nếu đăng ký vào những ngành này, khả năng trúng tuyển cao”.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM dù lượng TS nộp hồ sơ vượt xa so với chỉ tiêu và mức điểm TS tương đối cao, tuy nhiên, thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo, cho biết: “Chỉ cần có khoảng cách 2 điểm so với điểm xét tuyển thì cơ hội đậu rất lớn”.
Đối với TS có điểm tương đương điểm sàn, ông Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến, thông tin: “Trường mới nhận được 400 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu là 1.000, do đó TS bằng điểm sàn nộp vào trường đều có cơ hội đậu”.
Mỹ Quyên
Bình luận (0)