Vướng mắc trong chuyển đổi từ lúa sang màu

23/08/2013 10:00 GMT+7

Vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại, thậm chí không ít hoài nghi về việc chọn cây trồng phù hợp cho nông dân ĐBSCL trong thời gian tới, cho dù hội nghị chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả tại các tỉnh, thành Nam bộ đã phải tổ chức đến lần thứ ba.

Diện tích màu ngày càng giảm

Hầu hết báo cáo của các tỉnh, thành trong vùng đều khẳng định trồng các loại rau màu cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Cụ thể, trồng mè có thể đạt lợi nhuận trên 25 triệu đồng/ha (cao gấp 10 lần lúa); đậu nành lợi nhuận khoảng 16,5 triệu đồng/ha (cao gấp gần 7 lần); bắp lai lãi hơn 11 triệu đồng/ha (cao gấp 4 lần…

 Trồng đậu phộng trên đất trồng lúa kém hiệu quả ở huyện đầu nguồn An Phú
Trồng đậu phộng trên đất trồng lúa kém hiệu quả ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) - Ảnh: Trường An

Tuy nhiên, diện tích trồng màu thực tế ở ĐBSCL lại giảm dần qua từng năm. Tại Đồng Tháp, năm 2011 diện tích trồng bắp toàn tỉnh hơn 4.900 ha, năm 2012 giảm xuống 4.600 ha và vụ bắp năm nay chỉ còn  hơn 4.100 ha… Bên cạnh đó, diện tích trồng đậu nành năm 2010 trên 5.300 ha, nhưng hiện tại chỉ còn hơn 800 ha… 

Trong khi đó,  vụ lúa hè thu năm nay, ở nhiều địa phương trong khu vực, nông dân chỉ đạt mức lãi dưới 20%. Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang, nói: “Nông dân đã quá ngán ngẩm với cây lúa, do mấy vụ gần đây lợi nhuận rất thấp. Tuy nhiên khi được hỏi, rất nhiều nông dân cho biết sẽ tiếp tục sạ lúa, vì ngoài lúa, không biết trồng cây gì khác”. Thực tế, nếu lúa ế vẫn có thể trữ lại trong thời gian dài; còn các loại bắp, đậu... mau hư hơn; riêng rau quả tươi    nếu tiêu thụ không được chỉ có đường đổ bỏ. Hơn nữa, những bạn hàng rau quả đã có mối làm ăn lâu dài với nhau, nếu thêm người khác nhảy vào lại xảy ra tình trạng giành giật, phá giá…

Đề án quy hoạch nông nghiệp đến năm 2020 đặt ra mục tiêu ĐBSCL sẽ duy trì khoảng 350.000 ha đất trồng đậu nành, 100.000 ha bắp; dự kiến mỗi năm cung cấp khoảng 700.000 tấn đậu nành và 550.000 tấn bắp cho nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Ông Phạm Văn Bên, Ủy viên thường vụ Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết: “Nếu trong nước đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, thì mỗi năm nông dân đã tự làm ra ít nhất 3 tỉ USD, mà không cần đến xuất khẩu gạo”.

Chuyển đổi... thận trọng

Cũng theo lời ông Bên, nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn chăn nuôi thường xuyên biến động theo chiều hướng tăng. Doanh nghiệp phải nhập khẩu 40% sản  lượng, tính ra giá trị nhập khẩu chiếm đến 60% giá thành sản phẩm. Cụ thể, thức ăn nuôi cá được làm bằng 5 loại nguyên liệu có nguồn gốc từ nông sản và một số khoáng chất; trong đó, Việt Nam phải nhập khẩu 100% khoáng chất và tối thiểu 2 loại nguyên liệu khác là bánh dầu dừa và bã đậu nành. Trên thực tế, nước ta mới chỉ có 2 nhà máy ép dầu từ đậu nành, công suất ước đạt khoảng 4.000 tấn/ngày, sản lượng phụ phẩm thu được không đáng kể so với nhu cầu của ngành thức ăn chăn nuôi hiện nay. Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào phục vụ 2 nhà máy này cũng phải nhập từ Mỹ, Argentina, Brazil… bởi sản lượng đậu nành sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 20% cho chăn nuôi.

Ngoài việc thiếu hụt nguồn cung, khâu bảo quản các loại nguyên liệu cũng rất cần được quan tâm. “Nếu không lưu trữ đúng, độc tố aftatoxin có nguồn gốc từ nấm mốc sẽ là nguyên nhân làm hư nguồn bắp nguyên liệu”, ông Bên cho biết thêm.  Tại Đồng Tháp, khi phong trào trồng đậu nành đang trong giai đoạn đỉnh cao, tỉnh này đã đưa cơ giới vào hỗ trợ khâu thu hoạch. Tuy nhiên, sản phẩm thu được lại bị lẫn bùn đất, làm giảm giá trị của cây đậu nành. Ngoài ra, một nhược điểm khác của đậu nành là hạt giống chỉ tồn trữ được không quá 3 tháng. Như vậy, với bộ giống vốn ít ỏi (chỉ từ 3 - 4 giống) như hiện tại, đậu nành chưa đáp ứng được nhu cầu trồng luân canh trên đất lúa...

Trước những băn khoăn về việc chuyển đổi giống cây trồng, ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chia sẻ: “Các địa phương phải hết sức bình tĩnh, đồng thời tính toán kỹ trước khi quyết định chuyển từ trồng lúa sang cây màu”.

An Hòa

>> Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Người trồng lúa không lãi được 30%
>> Người trồng lúa ngày càng nghèo
>> Trồng dưa hấu lãi gấp 5 lần trồng lúa
>> Kiên Giang: Chuyển 363 ha tràm sang trồng lúa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.