(TNO) Nhà báo chuyên về luật của đài BBC, ông Clive Coleman ngày 27.8 cho biết không có một tòa án quốc tế nào có thể ra lệnh can thiệp quân sự vào bất kỳ một quốc gia nào. Như vậy, phương Tây và Mỹ dựa vào “luật quốc tế” nào để có quyền can thiệp quân sự vào Syria?
Mặc dù không có "luật quốc tế" nào cho phép nước ngoài can thiệp quân sự vào bất kỳ quốc gia nào, nhưng Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua bộ quy tắc Trách nhiệm Bảo vệ (R2P) hồi năm 2005 với ba nguyên tắc chính:
Một là, các quốc gia trên thế giới phải bảo vệ người dân khỏi tội diệt chủng, tội ác chiến tranh, và tội ác chống lại nhân loại và cộng đồng thế giới phải giúp đỡ các quốc gia ngăn chặn những tội ác này.
Hai là, nếu có “đầy đủ chứng cứ” một quốc gia không thể ngăn chặn những tội ác kể trên thì cộng đồng thế giới sẽ áp dụng những biện pháp hòa bình (các lệnh trừng phạt ngoại giao và kinh tế), nhằm giúp quốc gia này ngăn chặn tội ác.
Ba là, nếu hai nguyên tắc trên được áp dụng nhưng thất bại, thì cộng đồng thế giới có thể sử dụng lực lượng quân sự nhưng phải đảm bảo can thiệp quân sự với mục đích ngăn chặn tội ác, bảo vệ thường dân.
Để tăng tính hợp pháp tối đa, can thiệp quân sự phải được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua.
Nhưng ông Coleman nhấn mạnh rằng R2P chỉ là một “bộ quy tắc”, chứ không phải là một bộ “luật quốc tế”.
Trong trường hợp Syria, phương Tây và Mỹ có thể dùng R2P làm “khung pháp lý” để "hợp pháp hóa" việc can thiệp quân sự vào Syria, theo ông Coleman.
Chính vì R2P mà Mỹ và các nước phương Tây liên tục lên án, cáo buộc chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học nhằm có cớ can thiệp quân sự vào nước này.
Theo ông Coleman, về mặt nguyên tắc thì R2P khó mà áp dụng đối với Syria bởi vì thiếu sự đồng thuận của các nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ như Nga, đồng minh của Syria, và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Mỹ, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đang cân nhắc kế hoạch can thiệp quân sự Syria nhằm "trừng phạt" chính quyền ông Assad dùng vũ khí hóa học chống lại thường dân mà không cần sự phê chuẩn của LHQ.
Cuộc nội chiến Syria, trong đó phe nổi dậy muốn lật đổ chính phủ ông Assad, kéo dài từ tháng 3.2011 đến nay, khiến trên 100.000 người thiệt mạng, theo báo cáo của LHQ.
Phúc Duy
>> Obama là 'bản sao' của cựu Tổng thống Bush ?
>> Phương Tây siết chặt vòng vây Syria
>> Xạ thủ tấn công nhóm điều tra vũ khí hóa học ở Syria
>> Tổng thống Syria cảnh báo Mỹ sẽ bại trận nếu xâm lược Syria
>> Phương Tây và Mỹ mượn cớ 'vũ khí hóa học' can thiệp quân sự vào Syria?
Bình luận (0)